Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn

Thứ sáu, ngày 29/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Nép mình trong con hẻm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) gần 10 năm qua, chợ đồ cổ không chỉ là điểm đến quen thuộc của người dân Sài Gòn mà còn cả du khách quốc tế.
Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Hoạt động chính thức từ năm 2013 tới nay, cứ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, phiên chợ đồ cổ lại tấp nập kẻ mua, người bán. Đây được coi là nơi buôn bán hoài niệm và tìm về hồi ức giữa lòng Sài Gòn. Vé vào cửa có giá 40.000 đồng mỗi người. Vé này có thể dùng để đổi một món ăn hoặc đồ uống. Ảnh: Minh Tâm

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 2.

Có người tìm tới khu chợ chủ yếu để mua bán. Có người tới chỉ để nhâm nhi ly cà phê và ngắm những món đồ cổ mua về làm kỷ niệm.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 3.

Ông là người Đức, 74 tuổi, dành toàn bộ lương hưu của mình để tận hưởng cuộc sống ở Việt Nam. Căn nhà nhỏ ông thuê ở quận Bình Thạnh, cách cà phê chợ đồ cổ không xa. Mỗi cuối tuần, người đàn ông Đức lại tản bộ sang phiên chợ, tìm cho mình những món đồ xưa hay ho, cất giữ một phần kí ức của người Việt Nam. Đối với ông, mỗi món đồ đều biết “kể chuyện”, là kỉ niệm, là minh chứng cho một giai đoạn đáng nhớ trong đời người. Chiếc chuông mà ông chọn từ phiên chợ đồ cổ sẽ được treo một góc nhà, khiến không gian thêm rộn rã.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 4.

Jefferson Saunders (quốc tịch Mỹ) đến Việt Nam sinh sống gần 10 năm nay. Đều đặn mỗi sáng Chủ nhật, Jefferson lại dạo quanh khu chợ đồ cổ gần nhà mình. Theo người đàn ông Mỹ, những món đồ cổ được trưng bày ở đây khiến ông tò mò và thích thú. "Tôi là người đam mê sưu tập những đồng tiền xu cổ xưa. Vì thế, với những người mê đồ cổ như tôi thì nơi này thật tuyệt vời. Đây cũng là nơi tôi hẹn hò bạn bè vào ngày cuối tuần, nhâm nhi ly cà phê và nghe nhạc xưa hoài niệm", ông Jefferson nói.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 5.

Còn với Jonathan Arjen Ijff, một hoạ sỹ, nhà thiết kế người Hà Lan gốc Việt, chợ đồ cổ là nơi giúp anh tìm về cội nguồn. Anh cho biết, mình sinh ra tại Vĩnh Long, bên dòng Cổ Chiên vào tháng 1/1975. Mẹ ruột của Arjen Ijff đã gửi anh cho Tu viện Good Shepherd, Vĩnh Long. "Đó là nơi cuối cùng mà người ta nhìn thấy mẹ tôi kèm mảnh giấy liệt kê thông tin cơ bản về mình tên: Nguyễn Khánh Hưng", anh nói. Giữa tháng 4/1975, anh cùng 26 đứa trẻ khác được đưa đến Hà Lan. Arjen Ijff (Nguyễn Khánh Hưng) được một gia đình ở vùng nông thôn Hà Lan nhận nuôi. Với 9 lần trở về Việt Nam, những năm qua, anh chỉ có khát khao duy nhất là tìm được mẹ.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 6.

Thật bất ngờ, anh dừng lại trước quầy hàng trong góc, ánh mắt nhìn thật lâu quyển lịch tay của Năm Ất Mão 1975, trong đó có hai ngày đặc biệt nhất cuộc đời anh - ngày anh sinh ra và ngày anh rời khỏi Việt Nam. "Nơi đây giúp tôi tìm lại nguồn cội của mình, qua những chiếc liễn sứ, lon guigoz, những tờ giấy tay bạc phếch theo tháng năm… Tôi mường tượng về một Việt Nam của những thập niên trước, chắc hẳn má tôi cũng từng sử dụng những món đồ này, nó mang hơi thở của ký ức Việt Nam thân thương", chàng trai nói.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 7.

Biết câu chuyện xúc động của Arjen Ijff, vị chủ quán của cà phê chợ đồ cổ đã tặng anh quyển lịch tay độc nhất ấy. "Có lẽ đây là món quà rất có ý nghĩa với Arjen Ijff. Quyển lịch đánh dấu ký ức của đứa trẻ rời xa quê hương và ôm theo niềm khát khao tìm lại cội nguồn. Chúng tôi hy vọng rằng món quà nhỏ như cơ duyên may mắn, giúp anh có thêm hy vọng và niềm tin để một ngày nào đó, anh sẽ tìm thấy mẹ của mình", vị chủ quán nói.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 8.

Nép trong con ngõ nhỏ, chợ đồ cổ không chỉ là nơi giao lưu của giới chơi đồ cổ sành sỏi mà còn là chốn hoài niệm, lưu giữ kí ức thời thơ ấu của nhiều người. Ông Trịnh Văn Thuận (ngụ Huyện Nhà Bè) đã đi nhiều tiệm bán đồ cổ để tìm mua phần khóa của đồng hồ Rado nhưng không nơi nào có. May mắn ghé qua khu chợ đồ cổ Sài Gòn, ông được người thợ ở đây nhận sửa chữa và thay lại phần khóa đúng hãng.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Thành Danh, 54 tuổi, chủ gian hàng bán linh kiện xe đạp cổ cho hay, nơi đây gọi là chợ nhưng thực chất là địa điểm uy tín để anh em có chung đam mê đồ cổ có cơ hội giao lưu. Họ đến đây để trao đổi, mua bán hoặc trưng bày giới thiệu những món đồ mà mình sưu tầm được. Cũng theo ông Danh, giá trị của mỗi món đồ cổ nằm ở niên hạn cũng như độ hiếm có của nó.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 10.

Chiếc máy gõ chữ thời xưa.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 11.

Bình tông bi đông thời kháng chiến.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 12.

Bàn ủi con gà, ký ức không thể quên của nhiều người. Chiếc bàn ủi thép được người Pháp mang sang Việt Nam cách đây 200 năm.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 13.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 14.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 15.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 16.

Những chiếc đèn dầu xưa cũ, nhiều người tìm đến mua lại để hoài niệm về một thời khó khăn.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 17.

Nhiều bạn trẻ cũng thích thú với khu chợ đồ cổ này. Quỳnh Trang (21 tuổi, Quận 1) chia sẻ: "Đến đây tôi như được sống lại thời của ông bà, ba mẹ. Không gian bên trong khu chợ rất nhộn nhịp, ngắm nhìn hàng trăm đồ vật từ thời xưa mình cảm thấy trân quý những cô chú đã sưu tầm và lưu giữ chúng", cô nói.

Đi chợ đồ cổ giữa Sài Gòn - Ảnh 18.

Mới đây, quán cà phê chợ đồ cổ được vinh danh và công nhận là một trong 10 điểm mua sắm thú vị trong chương trình "100 điều thú vị của TP.HCM". Chương trình do giới chuyên môn và người tiêu dùng du lịch bình chọn. Đây là chương trình được phát động bởi Sở Du lịch TP.HCM, sau 10 tháng thu hút 300 đề cử từ các địa điểm trên khắp thành phố và 104.000 lượt bình chọn của người tiêu dùng, khách du lịch và doanh nghiệp.

Minh Tâm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem