Độc lạ giống cua kiểng nhiều màu sắc giúp chàng trai 8x thu về cả tỉ đồng mỗi năm

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ năm, ngày 14/03/2024 10:05 AM (GMT+7)
Sở hữu nhiều loại cua cảnh có màu sắc độc lạ, anh Hà Xuân Lộc (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) mỗi tháng bán gần 1.000 con, thu về cả trăm triệu đồng. Với kích thước đa dạng và ngoại hình hầm hố, tuổi thọ trung bình của cua kiểng thường trên 10 năm.
Bình luận 0

Cua kiểng - thú chơi “hái ra tiền” đem lại doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng

“Ngôi nhà của cua đá” là cái tên anh Hà Xuân Lộc (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) gọi vui cho không gian sống của những chú cua cảnh được anh nuôi, đa số chúng thuộc các chi có tên rất độc đáo: cua chân dài (Hainan potamon), cua ma cà rồng (Vampire) và cua Tiwaripotamon.

9 giờ sáng, anh Lộc đã lục đục dưới bếp chuẩn bị đồ cho những chú “cua kiểng” ăn sáng. Thực đơn hàng ngày của chúng gồm không ít “mỹ vị”: vừa có cám cá, lại thêm cả tảo, tép... Cặm cụi bên chiếc bể kính nuôi những con cua cảnh đa sắc màu, anh nói: "Nói chung là nhắc đến cua thì ai cũng nghĩ là để ăn uống thôi, nhưng mà cái gì đẹp thì mình cũng có thể nâng niu và trân trọng nó để làm cảnh được".

Theo anh Lộc, màu sắc của cua cảnh được quyết định bởi nguồn nước, chất đất. Ảnh: Trung Hiếu

Theo anh Lộc, màu sắc của cua cảnh được quyết định bởi nguồn nước, chất đất. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về cơ duyên đến với thú chơi cua cảnh, anh Lộc kể bằng giọng say sưa: “Trước đây, công việc của tôi là kỹ sư xây dựng với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì muốn chuyển hướng sang kinh doanh nên tôi đã bỏ công việc cũ. Tình cờ, trong một dịp sang Thái Lan từ khoảng 14 năm trước, tôi được biết đến cua kiểng và vì ấn tượng với vẻ đẹp của nó nên quyết định mua về để nuôi thử rồi dần dần có kinh nghiệm. Nhưng cách đây 8 năm thì tôi mới phát hiện ra Đông Dương của mình có những loại cua rất đẹp. Từ đó, tôi bắt đầu đi sâu vào sưu tầm và nghiên cứu về loại cua Đông Dương này”.

Vừa chỉ tay vào những chú cua rực rỡ mang trên mình 4 gam màu chính và khoảng 12 - 13 màu phụ, anh Lộc vừa giải thích: “Màu sắc của cua cảnh được quyết định bởi nguồn nước, chất đất. Nếu cua sống ở chất đất màu đen sẽ có màu xanh biển hoặc xanh lá. Màu đỏ, vàng là của những con sống ở đất đồi, đất đỏ, chưa kể bị đột biến thì sẽ tạo ra nhiều màu khác”.

Cua thường được vệ sinh để loại bỏ các vi khuẩn trong cơ thể. Ảnh: Trung Hiếu

Cua thường được vệ sinh để loại bỏ các vi khuẩn trong cơ thể. Ảnh: Trung Hiếu

Anh Lộc chia sẻ, hiện nay, số lượng cua kiểng mà anh bán lẻ ra thị trường mỗi tháng là khoảng 1.000 con. “Tôi có các cơ sở tại Sài Gòn, Cần Thơ và Đà Lạt để hỗ trợ việc vận chuyển khắp toàn quốc đến tận tay khách hàng. Tuy nhiên, việc phân bổ thì chủ yếu đến 70% là thị trường miền nam, bao gồm TP.HCM và các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên”, anh Lộc tiếp lời.

Cho cua ăn xong, chàng trai 36 tuổi vội lấy dụng cụ rồi tranh thủ ngồi loại bỏ các vi khuẩn trong cơ thể của những con cua đã có tuổi đời nửa năm. Anh Lộc vui vẻ trả lời khi được hỏi vì sao lại là mốc 6 tháng: “Việc chăm sóc cua Đông Dương trong 6 tháng đầu tiên là cực kỳ khó, nếu không cẩn thận chúng sẽ rất dễ chết. Vượt qua mốc thời gian đó là tôi yên tâm được một nửa rồi”.

Dứt lời, anh tỉ mỉ quan sát trong bể rồi nhấc ra chú cua thuộc dòng Hainan potamon rubrum khá “lực lưỡng” và cho biết con cua này có chiều ngang của mai khoảng 7cm, thông thường đó cũng là kích thước lớn nhất để xuất bán của cua. “Giá của cua kiểng chủ yếu là phụ thuộc vào tuổi và kích thước của chúng. Từ khi chiều ngang của mai khoảng 3cm là đã có thể bán được rồi. Trung bình mỗi con sẽ có giá từ 80.000 đồng - 350.000 đồng. Doanh thu mỗi tháng từ việc bán cua kiểng của tôi rơi vào khoảng 100 triệu đồng”.

Ước mơ đưa cua kiểng Đông Dương vươn tầm thế giới

Giữa cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt, mắt anh Lộc nhìn xa xăm nhớ về những khó khăn trong ngày đầu bén duyên với cua Đông Dương: “Ngày đó, mỗi lần thả cua, chúng lại đánh nhau gãy chân, gãy càng, số con chết nhiều hơn số bán được, lượng sinh sản cũng không ăn thua nên tôi rất nản. Thậm chí, gia đình tôi từng có ý định giã cua để tủ ăn dần, hoặc nghĩ tới việc mở thương hiệu bán bún còng vì bị khách nước ngoài “bom hàng””.

Trung bình mỗi tháng, anh Lộc bán lẻ khoảng 1.000 con, thu về trên dưới 100 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu

Trung bình mỗi tháng, anh Lộc bán lẻ khoảng 1.000 con, thu về trên dưới 100 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu

Nói đến đây, ông chủ “ngôi nhà của cua đá” bật cười: “Thật may mắn là điều đó chưa thành hiện thực. Tôi quyết chí tự tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu về cua kiểng. Ngoài ra còn tranh thủ đi trao đổi, học hỏi ngắn hạn ở nước ngoài. Cứ giữ tinh thần kiên định từ ngày đó đến nay, thấm thoát mà đã 8 năm rồi đấy”.

Đồng hành cùng anh Lộc trong hành trình dài với những chú cua kiểng là chị Ngô Thanh Trà - vợ của anh. Nghe chị Trà tâm sự mới thấu được nỗi lòng của người làm vợ: “Những lúc mà có tình huống mới, thường là liên quan đến các vấn đề sinh sản của cua mà cần phải can thiệp thì anh Lộc sẽ phải đi rất xa và trong thời gian dài. Đôi khi mình cũng có cảm giác hơi buồn một chút nhưng thấy được sự tâm huyết của chồng thì mình lại thông cảm và ủng hộ hết mình. Hơn nữa, mình cũng rất là yêu động vật nên sẽ hỗ trợ hết sức cho anh trong quá trình nghiên cứu và nuôi cua kiểng”.

Chị Trà - vợ anh Lộc thường hỗ trợ chồng trong quá trình nghiên cứu và nuôi cua Đông Dương. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Trà - vợ anh Lộc thường hỗ trợ chồng trong quá trình nghiên cứu và nuôi cua Đông Dương. Ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Lộc cho hay: “Tôi mong muốn có thể mở một cửa hàng cua kiểng tại Thái Lan, vì thị trường thú cưng nói chung tại quốc gia này đi trước Việt Nam mình khoảng 15 - 20 năm, nhưng ở đó lại chưa có loại cua như tôi đang nuôi. Đây là mục tiêu đầu tiên mà tôi muốn thực hiện trong hành trình từng bước đưa cua Đông Dương ra thế giới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem