TikTok, với hơn một tỷ người dùng mỗi tháng, đang thay đổi cách thế giới tiếp cận và trải nghiệm du lịch. Theo khảo sát của Harris Poll, hơn 70% người dùng TikTok tại châu Âu sử dụng nền tảng này để lên kế hoạch cho kỳ nghỉ. Tại Mỹ, hơn 60% thế hệ Z coi TikTok như một công cụ tìm kiếm du lịch hiệu quả, thay vì các nền tảng truyền thống như Tripadvisor.
Những nội dung video ngắn, dễ tiếp cận trên TikTok đã làm nổi bật các điểm đến ít người biết đến, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích từ cách đóng gói hành lý, lựa chọn phương tiện di chuyển đến các mẹo khám phá địa điểm. Thuật toán của TikTok còn tinh chỉnh đề xuất dựa trên lịch sử tìm kiếm và vị trí của người dùng, giúp cung cấp nội dung phù hợp với từng điểm đến.
Đi du lịch hoàn toàn dựa vào...TikTok
Gen Mohacsy, một thư ký y khoa tại Anh, chia sẻ rằng cô thường xuyên sử dụng TikTok để tìm kiếm địa điểm du lịch. Gen cho biết, cách tiếp cận qua video cung cấp cái nhìn sinh động và chi tiết hơn so với các bài đánh giá thông thường. Chính từ TikTok, cô đã tìm thấy những chợ đêm thú vị tại Auckland trong chuyến du lịch New Zealand.
Không chỉ giúp lên kế hoạch, TikTok còn tạo ra nhiều xu hướng du lịch mới như "airport tray aesthetic" – sắp xếp đồ dùng du lịch trong các khay tại sân bay một cách đẹp mắt, hay "travel dupes" – tìm kiếm các địa điểm tương tự với những điểm đến nổi tiếng nhưng rẻ và ít đông đúc hơn.
Tác động hai mặt đến ngành du lịch
Mặc dù TikTok mang lại nhiều lợi ích, nền tảng này cũng gây ra không ít tranh cãi. Các nhà sáng tạo nội dung thường quảng bá những điểm đến không đủ cơ sở vật chất, dẫn đến tình trạng quá tải. Ví dụ, khi các video về núi Jianfengling và hồ chứa Daguang Dam ở Trung Quốc lan truyền vào năm 2021, khu vực này lập tức thu hút đông đảo khách du lịch, gây tắc nghẽn giao thông và áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng địa phương.
Một số doanh nghiệp thậm chí từ chối sự xuất hiện của TikTok. Dae, một quán cà phê nổi tiếng ở New York, đã cấm quay video từ năm ngoái vì những video lan truyền vượt tầm kiểm soát, gây bất tiện trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề du lịch phi đạo đức cũng trở nên nghiêm trọng hơn do các hoạt động như bơi cùng cá heo bị cấm tại Mauritius nhưng vẫn được TikTok quảng bá rộng rãi.
Tuy vậy, TikTok cũng góp phần lan tỏa nhận thức về du lịch bền vững. Các bài đăng gắn thẻ #SustainableTravel trên TikTok thu hút hơn 78,1 triệu lượt xem, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của thế hệ trẻ đối với du lịch có trách nhiệm. Điều này cho thấy nền tảng không chỉ thúc đẩy các xu hướng tiêu cực mà còn góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.