Giá phân bón tăng chưa từng có, dân trồng sầu riêng nghịch mùa Tiền Giang lo ngày lo đêm
Giá phân bón này tăng chưa từng có, nông dân trồng cây đặc sản ở Tiền Giang khó làm trái nghịch vụ
Kim Nữ (Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)
Thứ hai, ngày 20/12/2021 09:00 AM (GMT+7)
Hiện nông dân các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang đang bắt tay sản xuất vụ sầu riêng nghịch mùa với mong muốn bán giá cao hơn mùa thuận. Thế nhưng, cùng với chi phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn thì vụ sản xuất này dự báo lợi nhuận bị đe dọa do giá phân bón tăng cao...
Giá phân bón tăng cao khiến cho chi phí sản xuất, chi phí trồng sầu riêng nghịch vụ của nông dân tỉnh Tiền Giang sẽ đội lên rất nhiều so với trước đây.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 14.000 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 5.000 ha đang được nông dân xử lý kỹ thuật cho ra hoa nghịch mùa để thu hoạch vào tháng Giêng năm sau ở thời điểm mùa hè nắng nóng, trái cây dễ tiêu thụ, giá bán cao.
Trong khi đó, so với mùa thuận thì sản xuất sầu riêng nghịch mùa khó khăn hơn, thời tiết diễn biến bất lợi hơn nên nông dân phải gia tăng phân bón cho cây để cây đủ dinh dưỡng, duy trì năng suất và chất lượng.
Thế nhưng, hiện giá phân bón đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước là một trở ngại rất lớn đối với nhà vườn sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), nông dân thu hoạch vụ sầu riêng thuận mùa 2021 trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10.
Đây là thời điểm giãn cách xã hội nên giá bán chỉ ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Để cây sầu riêng đủ sức cho trái nghịch mùa, nông dân phải tăng thêm lượng phân bón DAP, là loại phân bón có giá tăng cao nhất trong các loại phân hóa học hiện nay.
Sau thời gian ngắn cho cây sầu riêng phục hồi sau thu hoạch thì bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bắt đầu sản xuất tiếp vụ sầu riêng nghịch mùa. Tuy nhiên, giá phân bón bất ngờ tăng lên rất cao, mức tăng giá của phân bón là chưa từng có từ trước đến nay nên dự báo chi phí sản xuất vụ nghịch này sẽ đội lên rất nhiều trong bối cảnh giá bán sầu riêng bấp bênh.
Hiện vùng trồng sầu riêng ven sông Tiền tỉnh Tiền Giang vẫn còn chưa phục hồi hoàn toàn sau ảnh hưởng của đợt mặn năm 2020.
Từ lúc cây xổ nhụy đến thu hoạch có thời gian 3 tháng, bình quân một tháng bón 2 lần phân hóa học. Với giá bán phân bón tăng từ 2,0 - 2,5 lần so với trước đây thì phân bón đã làm chi phí sản xuất sầu riêng đội lên thêm khoảng 30%.
Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân nên tìm hiểu kỹ thuật bón phân cân đối, nhất là thao tác bón đúng kỹ thuật để cây sầu riêng hấp thu triệt để, giảm tỷ lệ thất thoát phân bón trong mùa nắng nóng này.
Để thích ứng với giá phân bón hóa học tăng chưa từng thấy, nhà vườn trồng cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng ở tỉnh Tiền Giang, trước mắt cần tìm hiểu và ứng dụng nguyên tắc bón phân "4 đúng".
Còn về lâu dài thì các nhà khoa học khuyến cáo bà con tăng cường bón phân hữu cơ, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ truyền thống đã được ủ hoai mục để giúp cải tạo đất, tạo nguồn dinh dưỡng bền bỉ, hiệu quả cho cây khỏe và khi cây khỏe thì chắc chắn sẽ cho năng suất và chất lượng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.