Niềm đam mê đặc biệt với chó Lài bản địa của ông chủ 8x
Giống chó Lài bản địa - một trong "Tứ đại Quốc khuyển" của Việt Nam
Thứ năm, ngày 26/11/2020 09:06 AM (GMT+7)
Có tình yêu đặc biệt với các giống chó bản địa, anh Trần Anh Tuấn (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và sưu tầm các giống chó thuần chủng của Việt Nam, trong đó giống chó Lài được anh đặc biệt yêu thích vì tính cách và tiểu sử lâu đời của chúng.
Tính cách và đặc điểm nhận dạng chó Lài bản địa.
Hiện nay, trang trại của anh Tuấn đang có rất nhiều các cá thể chó đến từ nhiều giống loài khác nhau như Phú Quốc, Bắc Hà, H'Mông đuôi cộc.... Giống chó Lài mà anh đang theo đuổi cũng là một giống chó rất quý hiểm của Việt Nam được coi là "Tứ đại Quốc khuyển", chó Lài đã có từ lâu đời nay và hiện đang còn rất ít trên cả nước.
"Chó Lài là một giống chó săn cổ bản địa Việt Nam, có nguồn gốc thuần việt lâu đời, nhưng chúng chỉ được bắt đầu quan tâm và tạo ra một giống chó có mục đích sử dụng trong công việc rõ ràng vào đầu thế kỷ 14 được vua Lê nuôi chọn lọc giống để tạo ra một đàn chó săn phục vụ trong quân đội, hỗ trợ con người trong việc đi săn", anh Tuấn cho biết.
Chó Lài sinh sống chủ yếu sống ở vùng cao, trong một vài địa bàn hẹp ở Lam Sơn (phía tây Thanh Hoá) và một số bản làng xa xôi hẻo lánh vùng của Tây Bắc.
Là một giống chó có giác quan phát triển hơn chó bình thường, chó Lài có sự kết nối với chủ rất cao, từ sự kết nối này sẽ sinh ra lòng trung thành phục vụ chủ nhân. Trọng lượng chó cái khi dậy thì khoảng 15 kg và con đực sẽ từ 18-20 kg, chó đực trên 1 năm tuổi cân nặng sẽ giao động từ khoảng 20-26 kg.
Nói về tiểu sử và nguồn gốc xuất xứ, anh Nguyễn Anh Tuấn cho hay: "Ngày xưa đàn chó Lài được Nguyễn Xí huấn luyện và cho mặc áo giáp bằng rơm, buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa rồi đem quân vây trại giặc Minh, vừa cho đánh trống hò reo ầm ĩ, vừa xua chó chạy quanh trại. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo tưởng Lam Sơn đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh, chỉ dùng cung nỏ bắn ra như mưa. Nhờ thế, quân đội Lam Sơn thu được hàng vạn mũi tên, còn nhà Minh bị một đêm hoảng loạn".
Tiêu chí để nhận biết được chó Lài thông qua các bức tượng cổ được khai quật cùng các cá thể chó còn sinh tồn hiện tại. Để coi là một chú chó Lài thuần chủng, mặt chúng phải có hình tam giác dài dài về phía mũi và quan sát chính diện khuôn mặt hoặc góc cạnh, góc nghiên đều là hình tam giác. Tính điểm cao nhất trên khuôn mặt là 2 đôi tai và điểm thấp nhất là mõm trên (mũi) do mõm dưới ngắn so với mõm trên nên có nhìn khuôn mặt chó theo góc nào cũng vẫn là hình tam giác .
Chó Lài sở hữu hàm răng đầy đặn, chắc khỏe, mõm trên dài hơn mõm dưới, hàm răng cắt kéo .
Lông mình của chó Lài có 2 lớp ngoài thô cứng để bảo vệ cơ thể bởi thời tiết chống sương gió, lớp trong mềm mại giữ để ấm cơ thể, vào mùa đông lông của chúng phải triển dài hơn so với mùa hè.
Đuôi chó Lài có cấu tạo hình bông lau, đây là bánh lái giúp cho chú chó cân bằng cơ thể.
Ở chó Lài, tai của chúng có hình lưỡi mác nằm ở 2 bên hộp sọ, nó có tác dụng như một chiếc rada (khác Dingo Đông Dương tai vỏ sò nằm cố định trên đỉnh sọ). Đỉnh sọ của chó hình nón cao cấu tạo giống với chó sói, đôi mắt sắc, có viền đen xung quanh và thường sẽ có màu nâu hoặc màu hổ phách.
Chân cao khẳng khiu, bàn chân tròn, có màng chân bàn chân trước xoay linh hoạt như cổ tay người, các bước chân di chuyển trên một đường thẳng giúp cho chó Lài có thể rượt đuổi con mồi theo hình zíc zắc hoặc quay đầu đuổi theo con mồi rất khéo léo.
Anh Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Giống chó Lài là một giống chó rất hiếm và quý giá, tôi mong muốn loài chó này được mọi người công nhận là một chú chó bản địa với tiểu sử và nguồn gốc lâu đời cùng với bản năng ưu việt của chúng".
Ngọc Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.