Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội được để lại từ thời Pháp, quá nhỏ bé, không còn phù hợp với sự phát triển Thủ đô như ngày nay.
"Chúng ta nên học nước Ý. Họ vẫn bảo tồn Thành phố Rome, với tính nguyên vẹn của thời trung cổ, làm nơi thu hút du lịch toàn thế giới", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói và lưu ý, hiện nay theo quy hoạch Thủ đô, Hà Nội sẽ từ 12 quận nâng lên 17, và tiếp tục nâng thành quận của các huyện ngoại thành còn lại. "Trong quy hoạch đô thị hoá, chúng ta phải tích hợp quy hoạch thoát nước, mới thoát cảnh ngập úng như trận mưa vừa qua".
Thưa Giáo sư, Hà Nội thường xuyên bị ngập sau những cơn mưa lớn, cụm từ "Hà Nội mưa là ngập" như một điệp khúc khiến người dân Thủ đô ngao ngán, cơ quan chức năng của Hà Nội dường như "bất lực". Ví như mới đây, sau cơn mưa dông đầu mùa vào chiều tối 11/5, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội ngập đến ngang bụng, giao thông gần như tê liệt. Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lý giải rằng, do mưa lớn, cường độ cao trong thời gian ngắn (khoảng gần 1 giờ), vượt công suất thoát nước của hệ thống (50-100 mm/2 giờ), dẫn đến trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều điểm úng ngập. Ông có ý kiến gì về lý giải này?
- Nguyên nhân nhiều tuyến đường, khu phố Hà Nội bị ngập trong cơn mưa đầu mùa ngày 11/5 có nhiều lý do.
Nguyên nhân đầu tiên là cường độ mưa đã vượt thiết kế như công ty cấp thoát nước Hà Nội nêu ra.
Theo thiết kế, khả năng tiêu nước là 50-100mm/2 giờ, nhưng trong thực tế lượng mưa lớn nhất tới 135mm/1 giờ (Cầu Giấy), còn thấp nhất cũng 70,5mm/1 giờ (Tây Hồ) nên các trục thoát nước đều bị quá tải, dẫn đến ngập úng.
Trong nguyên tắc thoát nước mưa, còn nhiều biện pháp hỗ trợ nhau. Nước mưa được giữ lại trên các đồng cỏ hay rừng cây trồng, có thể tới 36% tổng lượng mưa trong mùa.
Nước mưa thấm vào đất, nếu là cát tốc độ thấm có thể 25mm/1 giờ, nước mưa được chứa lại ở những chỗ trũng như ao, hồ, sông suối.
Những giải pháp nêu trên đối với Hà Nội bây giờ không còn tác dụng nữa, bởi tất cả mặt đất được phủ bê tông, các ao hồ ngày một giảm đi nhường chỗ cho các khu đô thị mới mọc lên.
Những năm gần đây, nhiều tuyến phố ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ của Hà Nội thường xuyên bị ngập mỗi khi trời mưa to.
Có một điểm chúng ta nhận thấy đó là, trước đây ngập úng nặng thường xảy ra ở các khu đô thị mới, nhưng hiện nay nước ngập hầu như khắp các tuyến đường, đặc biệt cả khu phố cổ (như Tạ Hiện) cũng bị ngập, Giáo sư có bình luận gì về việc này?
- Việc khu phố cổ Tạ Hiện cũng bị ngập, liên quan đến khả năng điều tiết nước của Hồ Hoàn Kiếm.
Trong tương lai về tiêu thoát nước cho các khu phố cổ sẽ là vấn đề lớn. Vì sao? Cách đây hơn 100 năm, khi chiếc cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) được hoàn thành, tháng 2/1902, dân số phố cổ chỉ có khoảng trên 3 vạn dân.
Còn bây giờ dân số chắc chắn phải gấp trên 10 lần, trong lúc hệ thống thoát nước phố cổ vẫn không thay đổi. Vậy việc ngập phố cổ là điều hiển nhiên.
Thưa ông, bao năm nay Hà Nội đã tốn khá nhiều tiền cho những dự án thoát nước lên tới con số hàng triệu đô nhưng Thành phố vẫn không thoát cảnh "cứ mưa là ngập". Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả công tác thoát nước của Hà Nội và chúng ta cần có những thay đổi như thế nào về tư duy quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị để bảo đảm vấn đề cấp – thoát nước của Hà Nội trong tương lai dài hạn?
- Đây là câu hỏi mang tính chiến lược, bởi nó đề cập đến quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị.
Để giải đáp vấn đề thoát nước cho Hà Nội, chúng ta cần tìm ra những yếu tố gì có thể cải thiện được tình hình đó?
Chúng ta phải đi từ thực tế úng ngập bởi trận mưa chiều ngày 11/5. Điểm mưa lớn nhất là Cầu Giấy 139mm, các điểm tiếp theo ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa... đều có lượng mưa thấp dần, 77.6 mm, 75,2mm, giống như một đường cong mà đỉnh là Cầu Giấy.
Những con đường thường xuyên hóa thành "sông" giữa lòng Thủ đô Hà Nội sau mỗi trận mưa lớn.
Tại sao có hiện tượng này? Theo sách Thuỷ văn công trình của Mỹ (tác giả Victor Miguel Ponce) xuất bản năm 1989, có thể gíải thích như sau: Không khí bao phủ các phố trên, đang chứa đầy hơi nước lạnh, gặp một luồng không khí tương đối nóng hơn, đẩy khối khí đó lên cao hơn và lạnh hơn, dẫn đến mưa.
Mặt ranh giới giữa 2 khối khí khác nhau đó, theo ngành khí tượng gọi là frontal surface. Mặt này luôn có độ dốc ngược lên, hướng vào khối khí lạnh hơn.
Khối không khí Cầu Giấy ở đỉnh của dốc, sau đó là Thanh Xuân, Đống Đa thấp dần. Tương ứng với các điểm đó thì lượng mưa ở Cầu Giấy cao hơn lượng mưa ở Thanh Xuân và Đống Đa.
Vậy luồng không khí tương đối nóng từ đâu ra? Chắc chắn nguồn nhiệt đó phải rất lớn, và lại di động. Đó chính là từ hàng nghìn xe cơ giới đang đua nhau nhả khói trên các tuyến đường dẫn ra ngoại thành.
Như vậy, khi khối không khí trong thành phố, đang chứa một lượng hơi nước lớn, lại gặp nguồn nhiệt đó, sẽ bị đẩy lên cao. Hơi nước gặp lạnh ngưng tụ lại thành các hạt nước và rơi xuống thành mưa.
Điều này cũng cắt nghĩa, vì sao công ty thoát nước, hàng năm đặt chỉ tiêu khắc phục những trọng điểm ngập úng, song không thể giải quyết được, bởi mật độ của những dòng xe cơ giới luôn biến động trên các địa bàn.
Khắc phục hiện tượng này liên quan đến việc giảm mật độ dòng xe vào thành phố, đồng nghĩa với việc phải xem xét lại quy hoạch nối tiếp giữa nội thành và ngoại thành.
Vậy thưa Giáo sư, nếu Hà Nội cải tạo, khơi thông dòng chảy các dòng sông lớn như Kim Ngưu và Tô Lịch thì có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt của Hà Nội?
- Việc cải tạo, khơi thông các nhánh sông như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, đã được Hà Nội đưa vào kế hoạch thoát nước hàng năm.
Tuy nhiên, 2 trạm bơm lớn nhất để bơm nước ra sông Hồng là trạm bơm Yên Sở và trạm bơm Yên Nghĩa, thì mạng lưới kênh tập trung nước cho các trạm bơm đó lại không đủ vì nhiều lý do…
Cho nên, Hà Nội vẫn phải dựa vào các hồ điều hoà và các trạm bơm dã chiến để thoát nước cho các khu vực.
Mỗi khi đường phố Hà Nội bị ngập người dân lại vất vả di chuyển.
Ông đã từng đến nhiều Thành phố lớn trên thế giới và trong khu vực, vậy Hà Nội có thể học hỏi được từ họ những gì để chống ngập hiệu quả hơn? Và liệu Hà Nội thể tạo ra đường ống thoát nước khoa học, hoạt động hiệu quả như ở thành phố Paris (Pháp) và với cái nhìn lạc quan nhất, khoảng bao lâu nữa chúng ta không còn cảnh ngập úng mỗi khi mưa ở Hà Nội, thưa ông?
- Tôi đã từng đi thăm các nước có hệ thống thoát nước tốt như thành phố Matxcơva (nước Nga), thành phố Venice (nước Ý), thành phố Paris (nước Pháp).
Ở Thủ đô Matxcơva, hệ thống thoát nước toàn thành phố đều được chảy ra kênh đào nằm giữa thủ đô. Kênh rất rộng và sâu, các tàu thuyền lớn đều có thể đi trên đó.
Còn Venice là một thành phố toàn kênh rạch, giao thông chính là các tàu thuyền. Người ta có kế hoạch xây dựng lại Venice, để có đường trên bộ cho xe và người đi, song người dân địa phương không đồng tình, bởi nguồn thu của họ là du lịch.
Ở Paris, mạng lưới tiêu nước trong thành phố, gồm các công trình ngầm, song kích thước rất lớn, các thuyền vẫn có thể đi vào vào để nạo vét, sửa chữa. Có thể nói, đó là một thành phố ngầm. Nó còn lớn hơn và phức tạp hơn các hầm ngầm Củ Chi ở Miền Nam.
Đối với Thủ đô Hà Nội, theo tôi, hệ thống thoát nước được để lại từ thời Pháp, quá nhỏ bé, không còn phù hợp với sự phát triển Thủ đô như ngày nay.
Chúng ta nên học nước Ý. Họ vẫn bảo tồn Thành phố Rome, với tính nguyên vẹn của thời trung cổ, làm nơi thu hút du lịch toàn thế giới.
Còn thành phố Rome hiện đại đã được xây dựng mới ở xa thành phố cổ. Nước Ý quy định, muốn vào thăm thành phố cổ, chỉ được phép đi bằng xe ngựa, để không phá vỡ tính cổ kính của nó.
Hiện nay theo quy hoạch Thủ đô, chúng ta sẽ từ 12 quận nâng lên 17, và tiếp tục nâng thành quận của các huyện ngoại thành còn lại. Trong quy hoạch đô thị hoá, chúng ta phải tích hợp quy hoạch thoát nước, mới thoát cảnh ngập úng như trận mưa ngày 11/5.
Trân trọng cảm ơn ông!
THÀNH AN (Thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.