Vì sao Hà Nội thành "sông", giao thông tê liệt chỉ sau cơn mưa ngắn đầu mùa?

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 12/05/2021 13:43 PM (GMT+7)
Đơn vị thoát nước Hà Nội đã lý giải về nguyên nhân Hà Nội bị ngập nước ở nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực Hồ Gươm khiến người dân và phương tiện giao thông bì bõm.
Bình luận 0

Sau cơn mưa vào chiều tối 11/5, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội ngập nặng, giao thông gần như tê liệt.

Vì sao Hà Nội thành sông, giao thông tê liệt sau cơn mưa đầu mùa? - Ảnh 1.

Chiều tối qua (11/5), trận mưa lớn kéo dài khoảng gần 1 giờ đồng hồ khiến nhiều tuyến phố ngập sâu khiến người và phương tiện giao thông đi lại khó khăn. (Ảnh: Hồng Phú).

Một số khu vực bị ngập sâu như: Ngã năm Bà Triệu-Hoàn Kiếm, phố Phùng Hưng, Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm); phố Liên Trì, Lò Đúc, Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng): phố Nguyễn Đình Thi, Thụy Khuê (quận Tây Hồ);

Phố Vương Thừa Vũ, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi đoạn gần Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (quận Thanh Xuân); phố Trần Bình - đoạn đường gần UBND phường Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm);

Phố Xã Đàn, Tây Sơn, Láng (quận Đống Đa)..., phố Hoa Bằng, Yên Hòa, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) và nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Nam Từ Liêm, Hà Đông... đều ngập sâu 0,3 - 0,4 mét. Thậm chí cả khu vực phố cổ Hà Nội như Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) cũng ngập nặng.

Vì sao Hà Nội thành sông, giao thông tê liệt sau cơn mưa đầu mùa? - Ảnh 2.

Theo ghi nhận của PV, tại ngã ba Mỹ Đình – Thiên Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đoạn đường ngập dài khoảng gần 1km, nước ngập tới nửa bánh xe làm cho người dân đi lại khó khăn.

Ngày 12/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Thế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1, thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết, lượng mưa lớn tập trung ở khu vực trung tâm Hà Nội chiều 11/5 đã khiến nhiều khu vực xung quanh Hồ Gươm bị ngập. Lượng nước ở Hồ Gươm cũng tăng lên khoảng 21 mm.

Tuy diễn ra trong thời gian ngắn (chỉ hơn 1 giờ) nhưng cường độ mưa rất lớn. Tại khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm lượng mưa đo được khoảng 90 mm, khu vực Cầu Giấy gần 134 mm, các quận khác khoảng 70 mm… chỉ trong khoảng 1 giờ, lượng mưa như vậy là quá tải.

"Ngay trong buổi chiều khi có thông tin mưa, dông đơn vị đã triển khai phương án, bố trí con người, phương tiện, thiết bị ra hiện trường ứng trực. Đồng thời vận hành tất cả các trạm bơm. Nhưng do mưa to quá, hệ thống cống không tiêu thoát kịp dẫn đến nước đùn lên trên đường, thậm chí tràn lên cả vỉa hè và đổ vào Hồ Gươm như khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, còn ở phố Tông Đản thì tràn chảy dọc ra phố Lê Lai… Ở khu vực Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu cũng vậy, nước từ trên Cửa Nam chảy về đẩy tràn lên mặt đường", ông Hùng cho hay.

Vì sao Hà Nội thành sông, giao thông tê liệt sau cơn mưa đầu mùa? - Ảnh 3.

Nhiều tuyến đường khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ngập sau trận mưa lớn chiều 11/5.

Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 Hà Nội cũng cho biết, trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ sau mưa cơ bản nước cũng đã rút hết nên không còn điểm úng ngập.

"Cũng may, ngày hôm qua, vẫn trong thời gian học sinh không đi học nên cũng đỡ ách tách tắc giao thông. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa, phía công ty vệ sinh môi trường chưa thu gom được rác nên khi mưa xuống kéo theo rác ở các hè phố trôi nổi trên đường dẫn đến khâu vệ sinh sau mưa rất vất vả… tuy nhiên mọi người trong đơn vị đã cố gắng vệ sinh đến khoảng 10h là xong", ông Hùng nói.

Theo Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 Hà Nội, sau khi mưa xong, đơn vị đã cho lực lượng đi duy tu và nạo vét lại toàn bộ các hệ thống thoát nước và vận hàng các trạm bơm để hạ mực nước trên các hồ và hệ thống sông, mương để đón các trận mưa tiếp theo.

Công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1, Công ty thoát nước Hà Nội ứng trực, xử lý ngập úng, bảo đảm giao thông trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội).

Công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1, Công ty thoát nước Hà Nội ứng trực, xử lý ngập úng, bảo đảm giao thông trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội).

Về phương án thoát nước của Hà Nội trong mùa mưa bão, đơn vị đã xây dựng và phân công đến từng tổ nhóm và người lao động để mỗi người phụ trách một điểm úng ngập để khi mưa thì chủ động triển khai và Ban lãnh đạo sẽ đi kiểm tra, đôn đốc và báo với Công ty Thoát nước Hà Nội hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với  phương án phòng, chống úng ngập vào thời điểm bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, ông Hùng cho biết, phía Công ty Thoát nước Hà Nội đã giao cho đơn vị rà soát và xây dựng phương án phục vụ ngày bầu cử cụ thể.

Nếu như có mưa, gió thì ngoài phương án chung thì sẽ có phương án đặc biệt, đồng thời huy động quân số 100%, không ai nghỉ phép. "Nếu trong ngày bầu cử xảy ra mưa, gió thì phải đảm bảo tiêu-thoát nước tốt nhất cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô", ông Hùng nhấn mạnh.

Vì sao Hà Nội thành sông, giao thông tê liệt sau cơn mưa đầu mùa? - Ảnh 5.

Tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị ngập nước tràn lên cả vỉa hè.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương cũng nhận định đây là trận mưa lớn, có cường độ cao, diễn ra trên toàn địa bàn Hà Nội; thời gian mưa tập trung từ 18h10 đến 19h00.

Lượng mưa tại khu vực các quận đo được cao nhất tại Cầu Giấy (133,9mm); Ba Đình (89,4mm); Hoàn Kiếm (88mm); Thanh Xuân (77,6mm); Đống Đa (75,2mm); Hoàng Mai (74,8mm); Tây Hồ (70,5mm)... Khu vực các huyện: Thanh Trì (68,5mm); Mỹ Đức (67,8mm)...

Do mưa lớn, cường độ cao trong thời gian ngắn (khoảng gần 1 giờ), vượt công suất thoát nước của hệ thống (50-100 mm/2 giờ), dẫn đến trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều điểm úng ngập.

Để khắc phục tình trạng ngập úng trên một số tuyến phố, Công ty Thoát nước Hà Nội đã vận hành các trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Resco, Hầm chui… và cửa phai đưa nước vào các hồ điều hòa phục vụ công tác phòng chống úng ngập.

Ngoài ra, ngay trong lúc trời đang mưa, Công ty đã huy động nhân lực, máy móc thực hiện các biện pháp theo kế hoạch như: Tua vớt rác tại các cửa cống, khơi thông dòng chảy, đặt biển cảnh báo hướng dẫn giao thông… Nhờ vậy, đến gần 22h ngày 11/5, nước tại các điểm ngập trên địa bàn các quận nội đô đã cơ bản rút hết.

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, để đảm bảo công tác phòng chống úng ngập và vệ sinh môi trường, đơn vị tiếp tục triển khai vệ sinh mặt đường, thu gom rác tại các miệng ga, ghi thu trên toàn địa bàn quản lý; bố trí người và phương tiện ứng trực tại các khu vực có nguy cơ ngập úng để kịp thời xử lý khi có mưa lớn tiếp tục xảy ra trong đêm 11/5 và ngày hôm nay 12/5.

11 trọng điểm ngập úng khi có mưa lớn ở Hà Nội trong năm 2021

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm trọng điểm về ngập úng. Dự kiến, trong năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng.

Trong đó, 11 trọng điểm về ngập úng gồm: Phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56; Ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho;

Phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; Đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9 + 656, nút giao An Khánh; Đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm; Đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp – Ái Mộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem