"Hồi sinh" biệt thự cổ gần 1.000m2 - một di sản giữa lòng Hà Nội
Sau bao năm tường căn biệt thự cổ bong tróc, phủ màu rêu phong.
Bản mô phỏng hồi sinh dự án bảo tồn biệt thự cổ.
"Hồi sinh một kiến trúc Pháp" - là tấm biển treo ở góc đường tọa lạc ngôi nhà số 43 Hàng Bài và 49 Trần Hưng Đạo hiện tại. Ngôi nhà mà hàng chục năm nay bị đóng cửa để hoang hóa, cây si góc vườn nhà mọc um tùm.
Nhiều người đều nhớ căn biệt thự từng là trụ sở của Nhà Xuất bản Văn học danh tiếng một thời. Nhà xuất bản Văn học sau được chuyển đổi đi nơi khác. Kể từ đó, tòa nhà rơi vào một thời kỳ tranh chấp hay khó khăn chuyển đổi cho chủ mới sử dụng.
Trong đó, khoảnh vườn rộng bao quanh tòa biệt thự đã trở thành một khu dân cư đông đúc. Bởi vậy việc giải tỏa là vô cùng nan giải. Rồi đến một thời, cư dân xung quanh lần lượt chuyển đi nơi khác nhưng nó vẫn trong cảnh vây tôn kín mít, chỉ có cây si góc vườn xum xuê thả những chùm rễ làm cho khu đất này càng trở nên bí hiểm, thêu dệt những lời đồn thổi.
Ngày 18/12, cánh cổng đã mở toang mời dân chúng có thể vào bên trong khuôn viên, ngôi nhà già nua, cũ kỹ và đang xuống cấp, nhưng sân vườn thì quang quẻ để trưng bày những pa nô bản vẽ, hình ảnh sử liệu hay hay bản dựng 3D chuẩn bị cho một dự án. Đó là lễ khởi động cho một dự án của Thành phố Hà Nội giao cho quận Hoàn Kiếm tổ chức nghiên cứu, trùng tu lại tòa biệt thự theo bản gốc.
Sau khi phục dựng xong, nơi đây sẽ trở thành không gian thông tin về công việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản kiến trúc của Pháp, là nơi để bảo tồn các nguồn tài liệu, thông tin và kết nối với những trung tâm nghiên cứu, giới nghiên cứu hay những người quan tâm đến di sản này ở trong và ngoài nước…
Thành phố Hà Nội và Quận Hoàn Kiếm tỏ rõ đây là việc làm thiết thực sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua… Trên một khuôn viên gần 1.000 "đất quý hơn vàng", một dự án đang được triển khai. Kiến trúc tòa nhà không lớn nhưng khá độc đáo. Ý kiến của vị chuyên gia Pháp cũng như Giáo sư - KTS Hoàng Đạo Kính đều thống nhất cho rằng có thể một số vật liệu xây dựng tầng dưới tòa nhà này là "tận dụng" những gì được dỡ ra từ Thành Hà Nội bị phá vào cuối thế kỷ XIX.
"Tấm ảnh các thành viên gia đình chủ nhân người Pháp mới phát hiện được cũng hé mở những tư liệu mà sắp tới tiếp tục phải nghiên cứu và sưu tầm. Như thế là sau Trung tâm thông tin về Phố Cổ ở Phố Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin về Hồ Gươm ở số 2 Lê Thái Tổ, thì Trung tâm thông tin về di sản kiến trúc của "Khu phố Tây" sẽ là trung tâm thứ ba.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sau khi công trình này được tu bổ, quận sẽ đúc kết kinh nghiệm để tu bổ những di sản kiến trúc khác, trong đó có tòa nhà kề cận của Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo, sau cách mạng Tháng Tám 1945, nhà nước bố trí cho Cựu hoàng Bảo Đại tá túc với cương vị là Cố vấn tối cao của Chính phủ".
(Ông Dương Trung Quốc chia sẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.