Ký ức căn biệt thự cổ gần 1.000m2 bỏ hoang giữa lòng Hà Nội

Gia Khiêm - Khánh Yến Thứ tư, ngày 22/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Nếu căn biệt thự được trùng tu và trở thành một di sản của mảnh đất Thủ đô thì tôi mừng quá. Tôi đã ước ao điều này lâu rồi và rất mong có thể đóng góp vào đó những ký ức mình còn lưu giữ" – dịch giả Hoàng Thúy Toàn, nguyên Phó Giám đốc NXB Văn học chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Những ký ức đặc biệt về căn biệt thự số 43 Hàng Bài

Một ngày mùa đông năm 1964, dịch giả 26 tuổi Hoàng Thúy Toàn lần đầu đặt chân tới ngôi biệt thự số 43 Hàng Bài (số 49 Trần Hưng Đạo) để nhận công việc biên tập sách Văn học nước ngoài của Nhà xuất bản Văn học. Trong ký ức của anh, đó là một ngôi nhà cổ rất đẹp, từng thuộc sở hữu của một người Pháp, ngay bên cạnh biệt thự của cựu vương Bảo Đại.

"Khi tôi tới, căn nhà vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc với khoảng sân trồng rất nhiều cây. Cây si cổ thụ ở góc đường Trần Hưng Đạo hiện giờ, ngày ấy mới đang được trồng trong chiếc chậu nhỏ, còn rất thấp và thưa thớt lá" – dịch giả Hoàng Thúy Toàn nhớ lại.

Biệt thự cổ gần 1.000 m2 bỏ hoang: Để "hồi sinh" một di sản giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Căn biệt thự cổ số 43 Hàng Bài. (Ảnh: PV)

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn sinh năm 1938. Từ năm 1964, ông giữ vai trò biên tập sách dịch văn học (thuộc Nhà Xuất bản Văn học). Trước khi về hưu vào năm 1998, ông là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Văn học.

Bên trong căn biệt thự cổ quy tụ những căn phòng với từng chức năng của NXB Văn học: Phòng lớn trông ra đường Hàng Bài là phòng Giám đốc, bên cạnh đó có các phòng Thế giới, phòng Văn học Việt Nam, Văn học cổ điển… Ngôi nhà đã trở thành nơi quy tụ của rất nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, biên tập viên. Cũng tại đó, họ cho đời những tác phẩm kinh điển của nền Văn học Việt Nam hiện đại.

Ở tuổi 83, dịch giả Hoàng Thúy Toàn vẫn lưu giữ những ký ức đặc biệt về ngôi biệt thự số 43 Hàng Bài ngày ấy: "Tại đó, tôi đã tổ chức những buổi kỷ niệm ngày sinh Đại thi hào Puskin, Targo… với sự tham gia của nhiều văn nghệ sỹ. Có chiếc máy ảnh nhỏ từ Liên-Xô mang về, tôi hí hoáy chụp từng khoảnh khắc nhằm lưu giữ lại những dấu ấn của thời gian. Đến bây giờ, trong nhà tôi vẫn còn rất nhiều bức ảnh chụp các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Hoàng Cầm, Hoàng Minh Tường…, những người thường xuyên qua lại và gắn bó với nhà xuất bản".

Biệt thự cổ gần 1.000 m2 bỏ hoang: Để "hồi sinh" một di sản giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn. (Ảnh: NVCC)

Năm 1988, nhà thơ Quang Dũng qua đời, ông Hoàng Thúy Toàn khi đó đã đề nghị Giám đốc NXB dọn lại căn phòng, đặt bàn tổ chức tang lễ cho tác giả bài thơ "Tây Tiến" ngay tại NXB Văn học.

Gắn bó với căn biệt thự số 43 gần 30 năm, ông Hoàng Thúy Toàn xót xa khi "chốn xưa" bị bỏ hoang, ngày càng trở nên tồi tàn, xuống cấp. Nghe tin ngôi nhà được trùng tu, cải tạo theo dự án của thành phố Hà Nội, vị dịch giả kỳ cựu vô cùng xúc động: "Tôi mừng lắm khi biết nơi đây sẽ được trùng tu và thành không gian thông tin về công việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản kiến trúc của Pháp (thời thuộc địa). Tôi cũng mong rằng sẽ có được một góc, hoặc một chiếc tủ kính thôi cũng được, nhằm lưu giữ những ký ức thuộc về NXB Văn học xưa. Tôi xin đóng góp tất cả những gì mình còn giữ lại, như những bản thảo đầu tiên của ông Đào Duy Anh viết về Hồ Chủ tịch, những bài thơ của tác giả Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường, các hình ảnh về các tác gia nổi tiếng của nền Văn học Việt Nam hiện đại… Tôi tin đó là những hình ảnh giàu giá trị về văn hóa và lịch sử".

Để biệt thự cổ thành không gian văn hóa

Trao đổi với PV Dân Việt về việc trùng tu ngôi nhà số 43 Hàng Bài, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng đây là việc làm vô cùng quan trọng.

"Đây là biệt thự khá điển hình được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Căn biệt thự từng là nơi ở của những viên chức cao cấp Pháp, luân chuyển qua nhiều đời chủ khác nhau. Việc cải tạo nơi đây thành địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội là điều rất đáng làm. Thủ đô Hà Nội đang thiếu những không gian văn hoá, không gian sinh hoạt công cộng. Việc thành phố lấy lại không gian đang sử dụng bừa bãi lãng phí để phục hồi lại vừa có giá trị kiến trúc, vừa có giá trị lịch sử, lại có giá trị sử dụng trong hoạt động công cộng. Tôi nghĩ chúng ta đang đi đúng hướng".

Biệt thự cổ gần 1.000 m2 bỏ hoang: Để "hồi sinh" một di sản giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong lễ khởi công dự án trùng tu căn biệt thự số 43 Hàng Bài. (Ảnh: PV)

Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, những người dân Thủ đô đều biết rằng những khu phố ngày xưa Pháp xây dựng rất bài bản, quy củ, cần được tu bổ, bảo vệ:

"Thủ đô Hà Nội có một hệ thống lớn các biệt thự mang kiến trúc Pháp, nó không chỉ tập trung ở khu vực thành phố đang tiếp tục khai thác ngoại giao ở quận Ba Đình mà còn tại đường Trần Hưng Đạo – nơi từng là biệt thự của các thành phần xã hội rất khác nhau. Đó có thể là biệt thự của quan chức Pháp, của doanh nghiệp, hay các tầng lớp trí thức khác".

"Sau này, khi quản lý, dường như mọi người không chú ý tới những kiến trúc đặc biệt ấy. Nhiều người chỉ nghĩ đây là nhà ở và sự phân bố, do vậy đã phá nát toàn bộ di sản đó. Khái niệm "đua ra", "vẩy ra" là khái niệm hết sức phổ biến, làm cho kiến trúc bị biến dạng, mất đi giá trị di sản rất lớn" – ông Dương Trung Quốc trăn trở.

Ông Quốc cho rằng: "Việc làm của thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm trong việc hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp rất đáng hoan nghênh. Đương nhiên, kế hoạch này trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn do những phức tạp về quyền sở hữu, dẫn tới việc giải toả vô cùng khó, tốn kém công sức và tiền bạc. Tuy thế, tôi tin đây sẽ là hạt nhân để chúng ta tiếp tục suy nghĩ về việc phục hồi lại một phần giá trị vốn có của Hà Nội, điển hình là những ngôi biệt thự".

Bài cuối: "Hồi sinh" biệt thự cổ gần 1.000m2 - một di sản giữa lòng Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem