Chúng tôi gặp Thượng tá Trần Thị Ngà (diễn viên Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị) tại nhà riêng trong một khu tập thể thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ngày 10/10/1954, cô thiếu nữ Trần Thị Ngà vinh dự được cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị trở về tiếp quản Thủ đô. Năm đó, Trần Thị Ngà mới chỉ 16 tuổi, được đứng trong hàng ngũ của những người chiến thắng trở về, trên tay cầm cờ hoa, nở nụ cười hân hoan, rạng rỡ giữa dòng người tấp nập, hò reo ở hai bên đường.

Người thiếu nữ văn công thuở ấy năm nay đã ngoài 86 tuổi, nhưng vẫn còn rất duyên dáng, tươi trẻ và căng tràn sức sống. Mái tóc dù đã bạc gần trắng đầu, nhưng gương mặt của bà Ngà vẫn còn trắng sáng, làn da không có quá nhiều nếp nhăn và đặc biệt, giọng nói trong trẻo, thánh thót của nữ văn công dường như đã bị thời gian quên lãng.

Những ngày Hà Nội nô nức với nhiều hoạt động kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, Thượng tá Trần Thị Ngà cũng bồi hồi nhớ về ngày tháng lịch sử của 70 năm về trước…


Từ chiến trường Điện Biên hoa lửa…

Năm 1952, Trần Thị Ngà khi ấy 14 tuổi, đang học tại trường Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang), được nhạc sĩ Đỗ Nhuận tuyển chọn vào Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Những ngày đầu tham gia Đoàn Văn công, cô thiếu nữ Trần Thị Ngà thấy bỡ ngỡ vì cuộc sống tại môi trường mới có nhiều sự khác biệt.

“Ban đầu, chúng tôi được học những quy chế, tác phong của quân đội, sau đó được dạy hát, múa và đóng kịch”, bà Ngà nhớ lại.

Tới tháng 9/1953, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ xung kích đến Điện Biên. Bà Ngà tiếp tục là một trong 3 người được lựa chọn (trong đó có 2 nữ và 1 nam), được phân công theo Đại đoàn 308. Quãng đường hành quân, ban ngày đoàn nghỉ ngơi tập luyện, đến khi trời chập tối lại lên đường. Mỗi đêm, đoàn phải đi bộ hành quân quãng đường khoảng 30km.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 1.

Chân dung nữ văn công Trần Thị Ngà khi còn trẻ. Ảnh: NVCC.

“Trên trường hàng quân, chúng tôi cứ đi một giờ lại được nghỉ 10 phút. Trong lúc đó, chúng tôi kể chuyện, tâm sự với bộ đội; hoặc có những tiết mục văn nghệ mới tập luyện sẽ biểu diễn ngay tại chỗ. Dù chặng đường gian khó, vất vả nhưng với tôi đó vẫn là những ngày tháng vui vẻ, sung sướng lắm”, bà Ngà bộc bạch.

Khi lên tới Điện Biên, Đoàn Văn công nghỉ phía ngoài Mường Phăng, chỉ có một số người trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận được trực tiếp vào chiến trường. Tại chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đảm nhận nhiệm vụ quan trọng: biểu diễn văn nghệ để động viên tinh thần các chiến sĩ.

Đoàn được chia thành những tổ nhỏ, trực tiếp phục vụ ngay tại chiến hào của các đại đội, trung đội. Các văn công bấy giờ phải luân phiên từ đơn vị này sang đơn vị khác, biểu diễn cho cả dân quân, bộ đội, pháo binh. Sau những giờ giữ chốt, đào hào, hoặc vừa trở về từ trận đánh, các chiến sĩ lại được thưởng thức những tiết mục văn nghệ của các văn công. Những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt sáng ngời và tiếng vỗ tay không ngớt của các anh khiến các nghệ sĩ cảm thấy vui sướng và hạnh phúc vô bờ.

Lần biểu diễn để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bà Ngà, đó là hôm đoàn biểu diễn tiết mục xòe Thái. Để biểu diễn tiết mục ấy cần 4 nữ văn công nhưng đoàn chỉ có 3 người, nên một đồng chí văn công nam phải cải trang. Nhắc lại tới đây, bà Ngà nhíu mày, cười hớn hở: “Biểu diễn xong, Đại tướng ra khen, vỗ vai hỏi “Vì sao đồng chí mặc thế này”. Anh văn công đó cười lại với Đại tướng rồi bảo rằng do đơn vị thiếu nữ nên cháu phải đóng giả như thế. Thời đấy chúng tôi cũng thiếu thốn cả đồ trang điểm. Những gì chúng tôi sử dụng đều là chiến lợi phẩm mà bộ đội đánh đồn địch mà có, từ trang sức tới những đồ dùng cá nhân của phụ nữ… Các anh ấy lấy được gì gửi hết lại cho văn công”.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 2.

Những kỷ niệm cùng thời khắc lịch sử của dân tộc, bà Ngà đều lưu giữ rất cẩn thận, thậm chí còn ghi chép lại rất đầy đủ, khoa học. Ảnh: Minh Toàn.

Về cuối chiến dịch, giao tranh xảy ra ác liệt hơn, Đoàn Văn công lại chuyển sang làm thêm cả nhiệm vụ đào đường. Từ độ thiếu niên đã gia nhập quân ngũ, tới tuổi 16 trăng tròn lại góp mặt trong chiến trường khốc liệt bậc nhất lịch sử dân tộc. Thế nhưng bà Ngà chia sẻ, cả đoàn văn công chẳng biết sợ là gì, ai cùng tràn đầy khí thế, chỉ muốn “tiếp lửa” cho các chiến sĩ ngoài tuyến đầu, xoa dịu đi những gian khó, hiểm nguy, sự đau đớn của cả thể xác và tinh thần.

… tới ngày Tiếp quản Thủ đô

Chiều ngày 7/5, khi đang cùng dân công làm nhiệm vụ đào đoạn đường cuối cùng, có một chiến sĩ đạp xe lao về, vừa đạp xe vừa hô lớn: “Mường Thanh địch đầu hàng rồi, các đồng chí ơi! Điện Biên được giải phóng rồi!”. Bà Ngà nhớ lại, giây phút ấy, chẳng ai bảo ai, cả đoàn bỏ hết quang gánh, ôm nhau hò reo trong hạnh phúc.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Giơnevơ được được ký kết, đoàn văn công hành quân từ Điện Biên trở về ATK Thái Nguyên. Đại đoàn 308 sau đó cũng được lệnh trở về tiếp quản Thủ đô và đoàn văn công của bà Ngà vinh dự được đi cùng.

70 năm đã qua, Thượng tá Trần Thị Ngà vẫn xúc động: “Chưa bao giờ nghĩ đến việc mình được về Thủ đô, mà còn là về tiếp quản. Ôi… sướng lắm! Lúc lên Điện Biên chỉ hành quân vào buổi tối thôi, lại phải đi bộ. Chiến thắng được đi ban ngày, về tiếp quản Thủ đô còn được đi ô tô”.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 3.

Bà Ngà (người thứ 2 hàng đầu tiên trên ô tô) cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh: NVCC.

Bà Ngà cho biết, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đã về Hà Nội từ đêm 9/10. Tuy nhiên, đoàn giữ bí mật và xe vẫn được bọc bạt cho đến khi về đến Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là địa điểm nghỉ chân của đoàn. Đêm ấy, bà Ngà hồi hộp không thể ngủ được. Thiếu nữ văn công chỉ mong sao trời sáng thật nhanh để được gặp người dân và được dự lễ thượng cờ tại Cột cờ Hà Nội.

“Trước đó, tôi có hứa với gia đình là nhất định sẽ về nhưng chưa từng nghĩ là được trở về trong tư thế hiên ngang như thế”, bà Ngà bộc bạch.

Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, cánh quân phía Tây, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông.

“Xe văn công của chúng tôi lúc này cũng đang tiến vào Hàng Đào đi tiếp vào Hàng Ngang, Hàng Đường tới chợ Đồng Xuân… Không sao nói lên được nỗi bồi hồi, xúc động trong lòng mình về những địa danh đã đi vào lịch sử anh hùng của Thủ đô…”, bà Ngà hồi tưởng.

Bà Ngà kể lại khung cảnh của Hà Nội lúc bấy giờ, hai bên đường biển người reo hò với một rừng cờ nhuộm đỏ và đoàn quân tiếp quản Thủ đô đi ở giữa. Bà bảo hình ảnh vừa hào hùng vừa tráng lệ ấy đã in sâu vào tâm thức của mình và có lẽ tới hết cuộc đời cũng không thể quên được.

Đoàn xe tiếp tục hành trình, trong khi các nghệ sĩ văn công miệt mài tập luyện. Khi đến được địa điểm lý tưởng với đầy đủ “điều kiện” cần thiết, đoàn sẽ trình diễn trực tiếp. Thế là, đoàn xe đã đi qua khắp các ngõ phố của Hà Nội.

Đúng 15 giờ ngày 10/10/1954, một hồi còi dài từ Nhà hát Lớn vang lên. Dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, đoàn quân nhạc cử bài Quốc thiều, và lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên, hòa theo nhịp điệu khúc quân hành. Đây là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” sau 9 năm.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 4.

Bà Ngà (người thứ nhất bên trái, hàng đầu tiên) tham gia đồng diễn bài hát "Chiến thắng Điện Biên" do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. Ảnh: NVCC.

Mở đầu cho buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn, đoàn văn công đã trình diễn một màn đồng ca với hơn 50 người hát bài “Chiến thắng Điện Biên” do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác.

“Trước khi đến địa điểm biểu diễn, chúng tôi đã hành quân bộ trong bộ quân phục mới từ đầu đến chân: mũ kêpi, bộ quần áo Đại quân và đôi giày da đen bóng loáng. Chúng tôi vừa đi vừa hát khúc quân hành trên con đường từ nhà thờ Liễu Giai (nay là khách sạn La Thành) qua Đội Cấn, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Cửa Nam, Tràng Thi và Tràng Tiền để tới Nhà hát Lớn.

Nhân dân hai bên đường phố đổ ra chúc mừng, reo hò khích lệ, khiến tinh thần chúng tôi vô cùng phấn chấn và tự hào. Thế nhưng, không ai ngờ rằng sau đó, hầu hết chúng tôi đều bị sưng rộp và chảy máu ở chân. Dù vậy, khi lên sân khấu, chúng tôi vẫn tươi vui, quên đi mọi mệt nhọc…” bà Ngà hồi tưởng.

Điều khiến bà Ngà bất ngờ hơn cả trong ngày Tiếp quản Thủ đô, đó là bà thấy bố mình trong biển người đón tiếp đoàn quân khi ấy.

“Tôi không nghĩ ông cụ lại biết tôi được về đợt tiếp quản này vì thông tin thời đó không giống bây giờ. Có lẽ, ông cụ chỉ ra cùng dòng người rồi vô tình gặp. Nhưng lạ là ông cụ lại cầm sẵn theo mấy cuộn len kim tuyến đưa cho tôi, đến giờ tôi vẫn còn thắc mắc… Nhưng bấy giờ tôi không dám nhận bởi chúng tôi được dặn dò không được lấy bất kỳ cây kim sợi chỉ nào của dân”.

“Cô bé hạt mít” 8 năm phục vụ Bác Hồ

Lần đầu tiên Thượng tá Trần Thị Ngà được gặp Bác Hồ là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị được triệu tập về ATK Thái Nguyên để phục vụ hội nghị ký hiệp định Giơnevơ

Bà kể lại: “Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác chúng tôi vô cùng vui sướng, mải mê đứng ở cánh gà ngó xuống nơi Bác ngồi. Mải mê sung sướng quá mà quên mất đến tiết mục của mình phải ra sân khấu. Đêm hôm đó ra về chúng tôi bị đồng chí Đỗ Nhuận phê bình gay gắt. Sau đó, may là cũng được cho qua vì niềm vui được gặp Bác quá lớn…”.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 5.

Bà Ngà có vinh dự được cùng Bác đón tiếp anh hùng vũ trụ Titov đến thăm Phủ Chủ tịch. Ảnh: NVCC.

Sau này, bà Ngà có thời gian phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch từ năm 1961-1969. Nhiệm vụ của bà khi đó là hát, đọc báo, tài liệu cho Bác nghe; mang hoa tặng các đoàn khách quốc tế đến thăm Phủ Chủ tịch, rót nước cho Bác tiếp khách. Đó cũng là niềm vinh hạnh lớn nhất trong cuộc đời mà theo lời bà diễn tả là “hạnh phúc tột độ”. Trong số những người được lựa chọn, bà Ngà là người thấp bé và tròn trĩnh nhất nên được Bác đặt biệt danh là “cô bé hạt mít”.

Bà Ngà bồi hồi nhớ lại một lần đoàn văn công được mời vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn phục vụ cho đoàn đại biểu Tiệp Khắc. Trước giờ biểu diễn, Bác Hồ đã tận tình vào thăm hậu trường và ân cần hỏi: “Hôm nay biểu diễn phục vụ các bạn, các cháu có bài tủ nào mới không?”. Cả đoàn đều xôn xao và đồng thanh đáp: “Thưa Bác, chúng cháu có bài hát Tiệp Khắc, và chúng cháu sẽ hát bằng cả tiếng Tiệp và tiếng Việt ạ”.

Bác cười vui vẻ bảo: “Các cháu hát làm sao đừng để khi các cháu hát tiếng Tiệp thì các đồng chí bạn lại tưởng các cháu hát tiếng Việt, khi các cháu hát tiếng Việt thì Bác lại tưởng các cháu hát tiếng Tiệp đấy nhé!”. Cả đoàn ồ lên vui sướng vì lời nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc của Bác. Trước đó, đoàn vẫn thường bị khán giả chê là hát không rõ lời.

Trong quãng thời gian đó, có những lần bà Ngà được ăn cơm cùng Bác. "Bữa ăn của Bác rất thanh đạm một bát canh, khi thì mấy quả cà, khi thì đĩa dưa chua, khi thì khúc cá kho. Đồng chí Vũ Kỳ nói rằng bữa ăn của Bác chất lượng nhất là ở bát canh bởi canh ninh từ xương, thịt cá vì Bác không ăn được nhiều", Bà Ngà xúc động kể lại.

Ký ức xúc động của nữ văn công 86 tuổi về ngày tiếp quản Thủ đô - Ảnh 6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Ngà (bên trái người đàn ông đội mũ hàng 2) cùng đoàn văn công tiếp khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: NVCC.

Trong một bữa ăn được ăn chung với Bác, bà Ngà được Bác gắp cho một miếng nem. Bác bảo: “Ngày xưa, Bác cũng thích nem rán lắm, nhưng lúc đó không có mà ăn, bây giờ có thì lại không ăn được”. Nghe xong thì bà Ngà bật khóc…

Bà Ngà chia sẻ thêm, thời ấy, nhiều người vẫn coi nghề văn công là "xướng ca vô loài", khiến bà và đồng nghiệp cảm thấy tự ti. Tuy nhiên, qua những lần gặp gỡ và phục vụ Bác Hồ, bà hiểu rõ ý nghĩa của việc động viên tinh thần bộ đội thông qua lời ca tiếng hát. Từ đó tạo ra động lực để phấn đấu, hăng say luyện tập.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem