Lê Diệp Kiều Trang: Bậc thầy trong làng khởi nghiệp, vỡ mộng dự án xe đạp sợi carbon
Lê Diệp Kiều Trang: Bậc thầy trong làng khởi nghiệp, vỡ mộng dự án xe đạp sợi carbon
Khải Phạm
Thứ ba, ngày 04/07/2023 07:27 AM (GMT+7)
Arevo từng được coi là "Tesla ngành xe đạp" với việc sản xuất xe đạp in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới. Đặc biệt, đứng sau dự án này là vị CEO Lê Diệp Kiều Trang nổi tiếng trong làng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Lê Diệp Kiều Trang là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam với gia thế khủng, kinh nghiệm làm việc dày dặn khi từng kinh qua nhiều vị trí như CEO Facebook Việt Nam, CEO GoViet và hiện là CEO Arevo Việt Nam.
Theo đó, Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980, trong gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Được biết, bố là ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai Lê Trí Thông từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, hiện nay là CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Bà Lê Diệp Kiều Trang không chỉ có gia thế khủng mà thành tích học tập cũng đặc biệt ấn tượng mà nhiều người mơ ước. Bà Trang từng thủ khoa đầu vào và ra tại trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh. Ở các đại học danh tiếng như Oxford ở Anh và chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) ở Mỹ bà cũng là thủ khoa.
Lê Diệp Kiều Trang bắt đầu được nhiều người biết đến khi có thời gian gắn bó với Misfit - Công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (thánh địa khởi nghiệp công nghệ) khi đảm nhận cương vị Giám đốc tài chính và Giám đốc điều hành.
Đến năm 2018, Lê Diệp Kiều Trang chọn Facebook là nơi làm việc để kết nối cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn. Ở Facebook Việt Nam, bà Trang từng đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia phụ trách.
Trong quá trình làm việc tại đây, bà Trang đã gặp thách thức về vấn đề liên quan đến bảo mất tài khoản Faceboook và những chính sách liên quan tới nhiều tài khoản bị ngừng hoạt đồng. Chưa đầy 1 năm giữ chức Giám đốc Facebook Việt Nam, Lê Diệp Kiều Trang đã rời khỏi cương vị này.
Bên cạnh đó, bà Trang còn được biết đến khi đảm nhiệm vị trí CEO GoViet (bây giờ là Gojek Việt Nam) và là đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster, chuyên rót vốn vào các dự án khởi nghiệp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu.
Ngoài gia thế khủng, thành tích học tập xuất sắc, Lê Diệp Kiều Trang thực sự nổi bật trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam với dự án xe đạp in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới.
Cụ thể, năm 2020, Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng là Sonny Vũ khởi khởi nghiệp với công ty Arevo Việt Nam. Công ty này được quảng cáo là công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới.
Đáng nói, Startup xe đạp này được coi là "Tesla ngành xe đạp" này đã từng gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư dù mới thành lập.
Đến cuối tháng 1/2021, Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon tại khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn I trong quý IV năm 2022 và đưa giai đoạn II vào hoạt động 100% trong năm 2025.
Với việc xây dựng nhà máy với quy mô lớn, vợ chồng Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang không giấu tham vọng biến đây thành cơ sở sản xuất vật liệu composite sợi carbon lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang còn gây chú ý với dự án sản xuất xe scooter hoàn toàn bằng sợi carbon có tên Scotsman. Mẫu xe này giới thiệu là chiếc xe có trợ lực kép đầu tiên trên thế giới và đang trong giai đoạn nguyên mẫu, chưa sản xuất. Tính đến thời điểm này, dự án đã thu hút 301 người ủng hộ với số tiền 612.798 USD. Nhà đầu tư có hai gói tuỳ chọn đóng góp là 2.900 USD cho xe Scotsman 1000 và 3.900 USD cho chiếc Scotsman 2000.
Arevo từng là "Tesla ngành xe đạp" đến việc dừng hoạt động
Dự án xe đạp Superstrata sợi carbon của Lê Diệp Kiều Trang và chồng Sonny Vũ khi mới gọi vốn được giới thiệu mỹ miều về chất lượng.
Theo chia sẻ của bà Lê Diệp Kiều Trang từng giới thiệu: "Mỗi chiếc xe Superstrata được in 3D liền mạch để vừa làm quen với hình ảnh và cách đạp xe của từng người. Mỗi khung hình sẽ được làm vừa cho từng người, dù thấp hay cao. Xe đạp của chúng tôi, tôi được sản xuất bằng công nghệ laser và robot, do đội ngũ chuyên viên tốt nghiệp tiến hành sáng tạo và vận hành, để tạo khung xe đạp carbon fiber nguyên khối đầu tiên trên thế giới. Nghĩa là không sử dụng vít, không kết nối và không dán, chỉ là một khối sợi carbon chuẩn công nghiệp, làm từ hợp chất tổng hợp đẳng cấp nhất so với tất cả các loại xe đạp có mặt trên thị trường. Khung xe nhẹ nhàng đến mức nó nhẹ hơn cả 2 chai nước."
Chính vì thế, thời điểm năm 2020, dự án này từng được coi là "Tesla ngành xe đạp". Do đó, xe đạp Superstrata sợi carbon có giá bán đến 70 triệu đồng khi đến tay khách hàng Việt Nam. Mặc dù có mức giá cao nhất tại Việt Nam dành cho một chiếc xe đạp, nhưng Superstrata lại nhận lại những đánh giá thiếu tích cực của người dùng.
Theo chia sẻ của người dùng Trần Mạnh Hiệp – admin diễn đàn Tinhte.vn, chiếc xe được gửi về bao gồm thân xe đã lắp ráp với bánh sau, bánh trước rời cùng một bộ phụ kiện lắp ráp. Mặc dù vậy, cây ty phuộc bánh trước không thể lắp ráp vào để hoàn thiện chiếc xe, dẫn đến việc không thể sử dụng được.
Ngoài ra, các chi tiết như nước sơn, ốc vít được thiết kế không sắc nét, có phần lem nhem, chất lượng hoàn thiện kém. Khi thông tin đến hãng về lỗi kỹ thuật của bánh xe trước, anh Hiệp không nhận được phản hồi và sau đó phải tự đến cửa hàng sửa xe để xử lý.
Ngoài ra, một số khách hàng khác sau khi nhận chiếc xe đạp Superstrata sợi carbon của Lê Diệp Kiều Trang cũng có những chia sẻ tương tự. Thậm chí, người dùng từng liên hệ với nhà sáng lập nhưng đều không được giải quyết những vấn đề liên quan đến xe Superstrata và thậm chí bị "block".
Sau những sự việc trên, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM đã ghi nhận tình trạng chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Công ty TNHH Arevo Việt Nam trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trước đó, BQL KCN cao TP.HCM trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Arevo với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD.
Nguyên nhân dẫn đến chấm dứt hoạt động của Arevo Việt Nam là vì nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển.
Trong hồ sơ gửi ban quản lý SHTP (theo báo Lao Động), Tổng giám đốc Arevo Việt Nam Nguyễn Minh Thọ cho biết: "Arevo Việt Nam đã triển khai được các mục tiêu: xây dựng nhà máv sản xuất máy in 3D, sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in) nhưng công ty vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề cũng như triển khai các mục tiêu hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer (PEEK, Nylon…) dành cho in 3D và dịch vụ in 3D từ sợi carbon”.
Tuy nhiên, do vẫn chưa có quy định pháp luật rõ ràng để giải thích cụm từ “dịch vụ in 3D” trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp liệu có phù hợp với hoạt động của công ty hay không và việc giải thích áp dụng trong trường hợp này cần phải có quy trình tham vấn và lấy ý kiến từ Bộ Khoa học Công nghệ nên đến hiện nay Arevo Việt Nam vẫn chưa triển khai được mục tiêu hoạt động này của dự án.
Đến thời điểm hiện tại, Arevo cũng chưa thể sản xuất vật liệu sợi carbon - nguyên vật liệu chính trong việc tạo ra sản phẩm in bằng công nghệ 3D. Startup này cũng xuất hiện vào đúng thời điểm dịch Covid-19 nên trong suất thời gian dài, doanh nghiệp chống chọi với dịch bệnh nên đã không đủ khả năng để tiếp duy trì tiếp tục đội ngũ nghiên cứu và phát triển cho các vấn đề trên.
Sau một thời gian thông báo, đến nay, dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đã chấm dứt. Công ty Arero sẽ tiến hành việc thanh lý dự án đầu tư theo quy định pháp luật về thanh lý tài sản, giải thể, phá sản tổ chức kinh tế và các quy định pháp luật có liên quan khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.