Một triệu học sinh nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra vì quy định của Bộ GD&ĐT

Thứ bảy, ngày 03/04/2021 07:27 AM (GMT+7)
Gần một triệu học sinh đang học hai hệ tại các trường nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra, bị "đe dọa" tước mất quyền lợi chính đáng và hợp pháp khi Bộ GD&ĐT không cho phép các trường nghề dạy văn hóa.
Một triệu học sinh nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra vì quy định của Bộ GD&ĐT - Ảnh 1.

Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sĩ, quay lại học trung cấp nghề để xin việc làm.

Phấn đấu 40% học sinh học tại trường nghề

Trong nhiều năm qua, đất nước ta có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ": hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm trong lúc các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp lại thiếu trầm trọng người lao động có tay nghề trung cấp, cao đẳng.

Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sĩ, quay lại học trung cấp nghề để xin việc làm. Đó là một sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội.

Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05.12.2011 của Bộ Chính trị về nội dung tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đặt mục tiêu phấn đấu: "Đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề".

Bước đầu việc thực hiện Chỉ thị còn nhiều khó khăn do đa số phụ huynh chưa nhận thức được lợi ích của việc học nghề, do tâm lí cho rằng đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp. Tuy nhiên, tình hình ngày càng được cải thiện, số lượng học sinh đi học nghề ngày càng tăng.

Tiếp đó, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đặt mục tiêu đến năm 2025: "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng".

Lợi ích của việc vừa học nghề vừa học văn hóa

Trong 5 năm gần đây, số lượng học sinh đi học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu vừa học nghề vừa học văn hóa tăng cao, chiếm trên 90% học sinh học tại các trường trung cấp nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chủ trương phân luồng của Đảng và Chính phủ là đúng hướng và hợp với nhu cầu của người dân.

Điều này sẽ góp phần tích cực giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ" nhức nhối nhiều năm qua. Do đó, cần phải khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho học sinh được học song song hai hệ.

Một triệu học sinh nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra vì quy định của Bộ GD&ĐT - Ảnh 2.

Cần phải khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho học sinh được học song song hai hệ.

Vì sao vậy? Bởi vì việc học nghề song song với học văn hóa có những lợi ích rõ ràng sau đây:

Thứ nhất, vừa sức: Đối với những học sinh có học lực trung bình khó lòng vào đại học nên vào học trung cấp nghề là vừa sức và sẽ trở thành những người thợ lành nghề. Đây là điều thị trường lao động đang rất cần và giúp giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ".

Thứ hai, tiết kiệm được thời gian: Chỉ cần học ba năm các em sẽ có hai bằng trung cấp nghề và trung học phổ thông và có việc làm ngay; trong lúc các bạn học ở trường phổ thông sau ba năm chỉ có một bằng, muốn có bằng trung cấp thì phải học thêm 1-2 năm nữa; muốn có bằng cao đẳng thì mất 2-3 năm; muốn có bằng đại học thì phải mất thêm 4 năm nữa mà sau khi tốt nghiệp chưa chắc đã có việc làm!

Thứ ba, tiết kiệm tiền bạc: Học sinh học trung cấp được miễn hoàn toàn học phí. Đây là chính sách ưu việt kích thích việc phân luồng phát triển.

Thứ tư, có tính tự lập sớm: Học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề sẽ được rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp và tính tự lập, sau khi học ba năm có tay nghề có thể tìm việc làm ngay và tự lập sớm hơn các bạn chỉ học văn hóa ở các trường phổ thông sau khi tốt nghiệp chưa làm được gì.

Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và từ thực tế các trường đại học mở ra đào tạo tràn lan, nhiều sinh viên thất nghiệp, nhiều phụ huynh học sinh đã nhận thức được rằng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.

Nhiều học sinh học trung cấp nghề ra trường là có việc làm ngay, sớm có thu nhập, tự lập cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Do đó, học sinh vào học các trường nghề tăng lên. Đạt được điều này không dễ dàng gì nên cần phải duy trì và phát triển.

Một triệu học sinh nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra vì quy định của Bộ GD&ĐT - Ảnh 3.

Cả nước gần một triệu học sinh đang học hai hệ tại các trường nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra

Gần 1 triệu học sinh nghề đang bị "đe dọa" vì quy định của Bộ GD&ĐT

Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 2857/BGDĐT- GDTX ngày 31/7/2020 không cho phép các trường nghề dạy văn hóa, mà giao các trung tâm GDTX hoặc các trường THPT dạy văn hóa cho học sinh các trường nghề.

Điều này gây khó khăn trở ngại cho học sinh rất nhiều vì các em phải đi học hai nơi và thời khóa biểu khó sắp xếp hợp lý được vì phụ thuộc vào hai cơ sở giáo dục.

Trên cả nước gần một triệu học sinh đang học hai hệ tại các trường nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra, bị đe dọa tước mất quyền lợi chính đáng và hợp pháp; tâm lí học sinh và phụ huynh hoang mang. Đề nghị Chính phủ sớm có quyết định đúng đắn, kịp thời.

Theo ý kiến của nhiều người, giải pháp tốt nhất là học sinh học văn hóa hệ GDTX cấp THPT ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì những lí do sau:

Một là, phù hợp với qui định của pháp luật: Tại khoản1 Điều 44 Luật Giáo dục 2019 có qui định: "Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác".

Hai là, tại các trường nghề cũng có đội ngũ giáo viên dạy văn hóa đúng chuẩn. Thực tế, đội ngũ giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên rất mỏng, mỗi bộ môn chỉ có một hoặc cùng lắm là hai giáo viên nên không thể đáp ứng được số lượng học viên của mình và số học sinh các trường nghề đến học.

Nếu trung tâm GDTX nào không có học sinh thì giáo viên đến dạy cho các trường nghề, hoặc sáp nhập vào các trường nghề như một số địa phương đã làm rất hiệu quả.

Ba là, cơ sở vật chất của các trường nghề được đầu tư trang bị đầy đủ hơn so với các trung tâm giáo dục thường xuyên đã xuống cấp trầm trọng và không được đầu tư.

Bốn là, thuận tiện cho học sinh trong việc học tập, đi lại và sắp xếp thời gian.

Năm là, việc quản lí học sinh chỉ do trường nghề thực hiện sẽ thuận tiện và hiệu quả hơn việc phối hợp quản lí học sinh giữa hai đơn vị.

Sáu là, khi học văn hóa tại trường nghề học sinh không phải học thêm, tránh được sự lãng phí về thời gian và tiền bạc cho học sinh và phụ huynh.

Do đó, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào các trường nghề là hoàn toàn đúng đắn.

Đây là sự hội tụ của Ý Đảng và Lòng Dân. Do đó cần phải thực hiện kiên quyết và triệt để, phải đặt lợi ích chung của quốc gia lên trên hết, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh, phải vì quyền lợi hợp pháp và chính đáng của học sinh nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là:  "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", và chỉ tiêu phấn đấu: "Đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%".

TS Nguyễn Tiến Lợi (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem