Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng liên tục lan truyền những hình ảnh về lá cờ Việt Nam trên các mái nhà bằng tôn. Những ảnh, video này thu hút hàng triệu lượt xem, hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. Nhiều người không chỉ để lại những bình luận thể hiện lòng yêu nước, tự hào mà còn hăng hái rủ nhau tham gia, biến nó thành một hiện tượng trên không gian số.
Trong khi người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đang hưởng ứng "làn sóng" biến mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc, trên mạng xã hội ngày 14/8 lại có thông tin một người dân đã sơn bức tường nhà mình thành hình lá cờ Tổ quốc nhưng bị "cán bộ địa phương yêu cầu xoá".
Theo thông tin trên mạng xã hội, một người dân ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã có ý tưởng sơn bức tường trống của nhà mình thành hình lá cờ Tổ quốc. Gần đây, người dân ở nhiều nơi đã hưởng ứng phong trào sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà nên người đàn ông này đã triển khai ý tưởng của mình vì theo ông, sơn ở hông nhà thì không có ai đi được lên lá cờ Tổ quốc.
Cũng theo thông tin trên mạng xã hội, sau khi sơn xong, có cán bộ phường Yết Kiêu tới yêu cầu xóa đi. Chủ nhà đã thắc mắc việc làm trên có vi phạm pháp luật gì không, muốn được giải trình bằng văn bản mà cán bộ chưa đưa ra.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/8, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND phường Yết Kiêu, TP Hạ Long xác nhận có việc cán bộ phường Yết Kiêu yêu cầu một người dân trên địa bàn xóa cờ Tổ quốc được sơn trên tường nhưng xảy ra từ năm 2020. Tuy nhiên, lý do yêu cầu xóa hình sơn là do sơn lâu ngày nên hình sơn xuống cấp, bạc màu để tránh mất hình ảnh.
Trước sự việc trên, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc sơn lá cờ đỏ sao vàng trên tường là ý tốt của chủ nhà. Tuy nhiên, việc sơn kích thước lá cờ như vậy chưa phù hợp, cần vuông thành sắc cạnh và không nên có có thêm phần sơn thừa trên tường.
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ, những ngày qua người trẻ đã có ý thức tốt, biết cách thể hiện lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Họ đã lan toả hình ảnh văn hoá Việt Nam thông qua lá cờ Tổ quốc – một trong những biểu tượng mang tính thiêng liêng nhất.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, cách thể hiện thế nào chúng ta phải cân nhắc. Lý giải về việc này, bà cho rằng, lá cờ không đơn thuần chỉ là đồ vật mà là một biểu tượng của văn hoá Việt Nam. Đây là Quốc kỳ nên phải được ứng xử một cách tôn trọng, linh thiêng.
"Việc vẽ lên một bức tường tôi nghĩ đây không phải là vị trí để có thể có nét vẽ thể hiện lòng tôn kính đối với Quốc kỳ của Việt Nam. Bức tường đó theo tôi mọi người có thể làm cho nó đẹp bằng cách vẽ hình ảnh những bông hoa, cánh đồng quê hoặc hình ảnh sinh hoạt đời thường… Ở ngay tại Hà Nội cũng như nhiều nơi khác cũng có rất nhiều khu phố, phố cổ họ vẽ những hoạ tiết như vậy. Làm cho mọi người có cảm giác tươi mát. Vị trí của Quốc kỳ không nên đặt ở vị trí đó", bà Hồng nêu quan điểm cá nhân.
Bà Hồng cũng cho hay, luật pháp không có quy định nào chi tiết về việc cấm hay không nhưng rõ ràng đây là hành vi không phù hợp với chuẩn mực trong văn hoá giao tiếp, ứng xử.
"Tôi nghĩ gia chủ có ý tốt trong việc biểu dương vẻ đẹp của Quốc kỳ Việt Nam cũng như lan toả hình ảnh của Quốc kỳ như một thước đo về lòng yêu nước nhưng thể hiện không phù hợp lắm. Chúng ta cũng biết, tự do trên thế giới ai cũng khao khát, hướng tới, ngợi ca nhưng tượng Nữ thần Tự do được xem là biểu tượng văn hoá Mỹ nhưng khi những người làm du lịch đem nó đến với Sa Pa của Việt Nam thì lại không còn phù hợp", bà Hồng nói thêm.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, làm việc này sơn vẽ, treo cờ phải mang tính hiến định xem đúng pháp luật hay không.
"Theo quan điểm cá nhân tôi, việc sơn, treo Quốc kỳ phải mang tính thẩm mĩ, phải hài hoà cân đối, mang tính trang trọng với không gian môi trường, cảnh quan, thậm chí cả giao thông đô thị. Chúng ta đã sơn tường nhà ngay sát đường ảnh hưởng cả cộng đồng, tập thể chứ không phải ở nhà muốn sơn thế nào thì sơn.
Việc sơn lá cờ Tổ quốc là việc làm pháp luật không cấm nhưng phải đảm bảo sự hài hoà, đặc biệt có tính thẩm mĩ. Sơn lá cờ quá to, sơn toàn bộ hông nhà kể cả những nơi không hướng tới sự vuông vắn của lá cờ, cả tum là điều không nên. Nhìn hình ảnh vậy cá nhân tôi cảm thấy không gây cảm xúc thẩm mĩ nào cả. Tôi cho rằng cần xoá đi hoặc thu hẹp diện tích lá cờ lại để mang tính thẩm mĩ", ông Đức nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.