Nhìn lại hành trình TP.HCM vượt "bão" Covid-19

Năm 2021 là một năm khốc liệt chưa từng có, khi biến thể Delta bùng phát dữ dội, TP.HCM trở thành tâm dịch của cả nước. Chưa ai từng nghĩ rằng, TP.HCM phải gánh chịu một làn sóng dịch khủng khiếp với hậu quả vô cùng nặng nề như vậy. Với tinh thần quật cường của "đất thép thành đồng", TP.HCM đã kiên cường đi qua những tháng ngày giông bão.


Nhìn lại hành trình TP.HCM vượt "bão" Covid-19 - Ảnh 1.

Từ ca chỉ điểm chủng Delta đầu tiên, TP.HCM bắt đầu bước vào cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt nhất trong lịch sử. Ảnh: B.D

Từ những ca chỉ điểm đầu tiên

Biến chủng Delta được phát hiện tại TP.HCM vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 từ những ca chỉ điểm đầu tiên ở quận 7, sau đó là chùm ca nhiễm ở điểm truyền giáo Phục Hưng và bắt đầu lan rộng ra các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Có lẽ, ít ai có thể nghĩ rằng, từ đây TP.HCM bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ trong quá trình phát triển, để lại những hậu quả vô cùng to lớn, thậm chí đau thương, với hơn 20.300 trường hợp tử vong.

Những ngày cuối tháng 4/2021, khi hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn đang là ổ dịch của cả nước, TP.HCM ghi nhận ca nhiễm Covid-19 biến chủng Delta đầu tiên ở quận Bình Tân. Hơn nửa tháng sau, ngày 18/5, thành phố tiếp tục phát hiện hai ca mắc trong cộng đồng tại quận 7 và TP.Thủ Đức. 

Tối 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận bất ngờ bị phong tỏa. Cùng thời điểm ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục thông tin về hai ca dương tính khác tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Điều tra dịch tễ cho thấy, những ca mắc này đều sinh hoạt chung tại điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).

Những kinh nghiệm mà TP.HCM trải qua, với những vui và buồn, những điều đúng và chưa đúng, được và mất sẽ trở thành bài học quý báu cho chính thành phố và các địa phương khác trong phòng, chống dịch Covid-19"

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Từ những ca chỉ điểm đầu tiên này, biến thể Delta với đặc trưng siêu lây nhiễm, đã tạo một làn sóng ca nhiễm Covid-19 khó xác định nguồn lây. TPHCM - một đô thị sầm uất, chính thức bước vào những ngày tháng căng mình với đợt dịch lần thứ tư, trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.

Nếu như vào thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở một vài quận, huyện (tương đương dịch cấp độ 1) thì chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 ca đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần). Số ca mắc trong tuần tiếp tục tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. 

Giai đoạn này, thành phố đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 (4.238 giường).

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, đến ngày 7/7/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 ca đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần), đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết các địa phương trong thành phố, số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong bắt đầu có hiện tượng tăng dẫn mỗi ngày (từ 2 ca vào ngày 7/7/2021 tăng dần lên 17 ca vào ngày 17/7/2021).


img
img
img
img
img

Chùm ca bệnh bùng phát và lây lan nhanh từ nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ảnh: B.D

Đến ngày 16/7/2021, tình trạng dịch tại Thành phố tiếp tục chuyên sang cấp độ 4 (>150/100.000 dân/tuần), số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 2.000 ca/ngày. 

Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố đều bị quá tải, mặc dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi (4.238 giường). 

Số ca tử vong ở giai đoạn này tăng cao (từ 50 ca/ngày vào ngày 21/7/2021 đã tăng lên 114 ca/ngày chỉ sau 1 tuần, đỉnh điểm là 340 ca/ngày vào ngày 23/8/2021).

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, thành phố đã chuyển sang trạng thái mới từ công tác chỉ đạo, điều hành đến cách thức tổ chức phòng, chống dịch. Đó là có sự phân công rõ ràng, cụ thể theo từng công đoạn, công việc từ xét nghiệm, thu thập dữ liệu xử lý, điều trị thu dung; nhất là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương; huy động được nhiều nguồn lực xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ của nhiều tỉnh, thành phố. 

Đồng thời, tập trung thực hiện tương đối đồng bộ chiến lược phòng, chống dịch về xét nghiệm khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị, tiêm vaccine… quyết liệt, hiệu quả và có trách nhiệm cụ thể hơn.

Đáp ứng diễn tiến của tình hình dịch bệnh, số bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập, tính đến ngày 17/8/2021, thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường). 

Trong vòng 1 tháng sau đó, thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng, thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường). 

Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.

Nhìn lại hành trình TP.HCM vượt "bão" Covid-19 - Ảnh 4.

Các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức Covid-19 được thiết lập khẩn cấp. Ảnh: B.D

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho các bệnh viện và bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến, thành phố triển khai 4 đợt giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, từ Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 10/CT-UBND, Chỉ thị số 11/CT-UBND, Chỉ thị số 16/CT-TTg ở mức độ nghiêm ngặt nhất.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Từ đầu tháng 1/2022 đến ngày 30/1, TP.HCM đã có 3 tuần liên tiếp là ở cấp độ 1 - vùng xanh. Đến ngày 30/1, số ca mắc mới đã giảm xuống mức 148, số ca tử vong còn 5 ca, trong đó có 1 ca từ tỉnh khác chuyển về.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đại dịch Covid-19 được xem là một trong những biến cố lớn nhất, thử thách nhất và làm xáo trộn nghiêm trọng mọi mặt của đời sống xã hội. Đến nay, TP.HCM đã vượt qua giai đoạn cam go, khó khăn, gian khổ, khốc liệt nhất nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước đặc biệt là biến chủng mới.


img
img
img
img
img

Với việc áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, cùng sự hỗ trợ của cả nước, TP.HCM đã vượt qua đỉnh dịch, trở về "vùng xanh". Ảnh: B.D

Thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể mới xâm nhập, đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại thành phố; chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại Thành phố.

Thực tế, những ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron trong thời gian qua cho thấy sự chủ động của thành phố, đặc biệt là ngành y tế đã phát huy hiệu quả, bước đầu "khắc chế" sự lây lan của biến chủng này trong cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, đến ngày 30/1, Thành phố ghi nhận 92 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 5 ca cộng đồng, còn lại là nhập cảnh và được cách ly theo dõi.

Trong kế hoạch, UBND Thành phố đã tập trung triển khai tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại thành phố; tăng cường cập nhật thông tin trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm; chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả. 

Nhìn lại hành trình TP.HCM vượt "bão" Covid-19 - Ảnh 6.

TP.HCM đã chuẩn bị các thế trận ứng phó biến thể Omicron trong tình hình mới. Ảnh: B.D


Thành phố triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp Thành phố đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra. 

Thành phố tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid -19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động khi có yêu cầu.

Củng cố các thế trận y tế

TP.HCM xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm Chiến lược bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân; kiểm soát dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Năm 2021 đang dần lùi xa cùng những hậu quả đau thương, những mất mát, bi hùng nhưng trách nhiệm, tình người, lòng trắc ẩn, sự tri ân, kinh nghiệm, cả niềm tin và bổn phận phải phục hồi và phát triển vẫn còn là vốn quý trong hành trang bước vào năm 2022"

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên

UBND TP.HCM cho biết, việc xác định và phát triển các chiến lược y tế trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch. 

Những nguyên tắc khi xây dựng và triển khai các chiến lược y tế là đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, huy động hệ thống chính trị cùng tham gia, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. 

Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại phường, xã, thị trấn; trong tổ chức thực hiện, phường, xã, thị trấn phải thật sự là "pháo đài", người dân phải thật sự là "chiến sĩ, người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Các chiến lược cũng tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; phát huy vai trò trung tâm của người dân trong phòng, chống dịch. 

Công tác phòng, chống dịch phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài trên cơ sở áp dụng đồng bộ công tác tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, tuân thủ 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin.


img
img
img
img
img

Hàng ngàn người đã ra đi khi bão Covid-19 đi qua, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 với mong muốn đưa tiễn người ra đi, thuyên giảm nỗi đau cho người ở lại. Ảnh: B.D

Cơn bão Covid-19 quét qua, hàng ngàn người đã không may đã không qua khỏi. Nhưng bằng sự tận tâm, chu toàn, các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TP.HCM với nhiệm vụ hỏa táng, trao lại tro cốt cho thân nhân người tử vong vì Covid-19, đã nghiêm trang đưa họ về với gia đình. 

TP.HCM đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 với nhiều hoạt động trong mong muốn đưa tiễn người ra đi, thuyên giảm nỗi đau cho người ở lại.

Khi nhận định về giai đoạn thành phố đứng trước nhiều tình huống hết sức khó khăn, với số ca bệnh và tử vong tăng cao, các bệnh viện trong tình trạng quá tải, toàn bộ nhân viên ngành y tế làm việc ngày đêm vẫn không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói: "Những kinh nghiệm mà TP.HCM trải qua, với những vui và buồn, những điều đúng và chưa đúng, được và mất sẽ trở thành bài học quý báu cho chính thành phố và các địa phương khác trong phòng, chống dịch Covid-19".

Sau tất cả, TP.HCM quyết tâm "biến đau thương thành hành động". Đây chính là lời cam kết, khẳng định của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong kiểm soát hiệu quả dịch dịch bệnh, đưa thành phố quay lại nhịp phát triển vốn có.

"Năm 2021 đang dần lùi xa cùng những hậu quả đau thương, những mất mát, bi hùng nhưng trách nhiệm, tình người, lòng trắc ẩn, sự tri ân, kinh nghiệm, cả niềm tin và bổn phận phải phục hồi và phát triển vẫn còn là vốn quý trong hành trang bước vào năm 2022. Tất cả những điều đó đặt sứ mệnh lên vai của tất cả chúng ta ở các cấp, các ngành. Chúng ta cần huy động cả xã hội cùng chung sức, nỗ lực quyết tâm tối đa, hành động quyết liệt, mang lại hiệu quả", ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem