Nụ cười và giọt nước mắt trong bữa cơm tất niên bên ống truyền hóa chất trị ung thư

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 30/01/2022 08:30 AM (GMT+7)
75 bệnh nhân Khoa Ung bướu phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã mang theo cọc bình truyền hóa chất trên tay cùng nhau ăn bữa cơm tất niên chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần.
Bình luận 0
Nụ cười và giọt nước mắt trong bữa cơm tất niên bên ống truyền hóa chất trị ung thư - Ảnh 1.

Các chị mang theo cả dây truyền hoá chất để dự bữa ăn tất niên. Ảnh: B.D

Mang theo dây truyền hoá chất, chị Đ.T.H (47 tuổi, quê Tây Ninh) đi từng bước ra hành lang, ngồi xuống cùng các chị em khác trong khoa chuẩn bị cho bữa ăn tất niên cuối năm. Chị được chẩn đoán ung thư buồng trứng, đã phẫu thuật cắt khối u và truyền hoá chất định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

"Lúc đầu tôi không biết mình ung thư, thấy tắt kinh cả năm chỉ nghĩ rằng có lẽ mình mãn kinh sớm, nhưng thấy người lúc nào cũng mệt, đuối sức. Đi khám lúc đầu không ra bệnh, khám đi khám lại mới phát hiện khối u. Lúc mới biết tin, tôi hẫng hụt lắm, nhưng được gia đình động viên nên gắng bình tâm lại. Mổ xong, lên khoa để truyền hoá chất, nhìn tất cả chị em đầu trọc lóc, tôi sốc thật sự. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng tôi vẫn sốc", chị H. nhẹ giọng tâm sự.

Vào khoa Ung bướu phụ khoa rồi, các chị em ở đây đều coi nhau như người thân. Người vào trước truyền kinh nghiệm, an ủi, động viên tinh thần người vào sau. Dần dần, chị H. lấy lại được niềm tin, cùng với sự chăm sóc hết lòng của các y bác sĩ, chị H. tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, cứ 21 ngày chị lại từ Tây Ninh lên bệnh viện để truyền hoá chất.

"Dù đang truyền thuốc mệt người nhưng ai cũng muốn ra bàn ăn quây quần cùng nhau dùng cơm", chị H. nói và bày tỏ sự ngạc nhiên trước bữa cơm tất niên do bệnh viện chuẩn bị, dù bữa ăn chỉ là mỳ xào bò, chai nước mủ trôm và phong bao lì xì nho nhỏ.

Ánh mắt sáng ngời, dáng đi nhanh nhẹn, tiếng cười luôn rộn rã, không ai nghĩ chị N.T.T.H là bệnh nhân ung thư. Một năm trước chị phát hiện khối u buồng trứng, phẫu thuật, sinh thiết cho thấy u ác tính, từ đó chị gắn bó với khoa Ung bướu phụ khoa. Không bỏ một lần truyền thuốc nào, dù nhiều lần lịch truyền thuốc vào đúng đợt cao điểm của dịch Covid-19, chị đều đặn từ Bình Dương lên Bệnh viện Từ Dũ. Không chỉ điều trị, chị còn luôn động viên, khích lệ tinh thần của các chị em khác, nhất là những người mới vào.

"Bác sĩ nói tôi vẫn ổn thì tại sao phải buồn? Mình phải vui, phải có niềm tin thì mới thắng được bệnh. Tôi còn 7 lần vào thuốc nữa, cố lên rồi sẽ qua", chị H. vui vẻ.

Nụ cười và giọt nước mắt trong bữa cơm tất niên bên ống truyền hóa chất trị ung thư - Ảnh 3.

BS Hồng Công Danh tặng quà lì xì đến tận tay từng bệnh nhân nặng. Ảnh: B.D

Đi từng bàn, nắm tay từng người, BSCKII Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ luôn miệng động viên các chị giữ vững niềm tin điều trị. "Các chị cứ thực hiện đúng theo yêu cầu của bác sĩ, đừng nghe người ngoài nói thuốc này thuốc kia mà hại người ra. Ung thư không phải là dấu chấm hết, các chị hãy tin vào bác sĩ, truyền thuốc đúng ngày đúng hẹn, có niềm tin rồi sẽ khoẻ mạnh trở lại", BS Danh khuyên nhủ.

Theo điều dưỡng trưởng khoa Đào Thị Thanh Thuý, các bệnh nhân ung thư khi vào khoa này đều có tâm trạng rất nặng nề. Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện cũng rất cố gắng nỗ lực cải thiện bữa ăn, động viên tinh thần người bệnh bằng những bữa cơm thân mật. Bữa ăn tất niên này là do các y bác sĩ bệnh viện tự đóng góp tổ chức.

Nụ cười và giọt nước mắt trong bữa cơm tất niên bên ống truyền hóa chất trị ung thư - Ảnh 4.

Dù chật hẹp, các y bác sĩ khoa Ung bướu phụ khoa vẫn cố gắng trang trí tết để các bệnh nhân vơi bớt nỗi buồn. Ảnh: B.D

Theo chị Thúy, đây chỉ là những bữa ăn bình thường nhưng chủ yếu là tình cảm, tấm lòng của y bác sĩ đối với bệnh nhân, giúp các chị thêm niềm vui, thêm sự sẻ chia chiến đấu bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có tinh thần tốt, lạc quan thì tỷ lệ hồi phục, khỏi bệnh cao hơn người bi quan, yếu đuối.

Bác sĩ Hồng Công Danh chia sẻ: "Hy vọng những bữa cơm thân mật có thể góp phần

 giúp các chị em thêm động lực, hiểu rằng bệnh viện luôn ủng hộ, quan tâm đến bệnh nhân. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp chị em về nhà, về quê, nghe lời người này người khác bỏ truyền, bỏ thuốc, sử dụng các loại thuốc nam thuốc bắc truyền miệng gì đó, khi bệnh trở nặng, di căn phổi mới vào lại bệnh viện. Lúc đó, chúng tôi rất thương nhưng cũng đành bất lực, vì thế, mong mỏi lớn nhất của bác sĩ là các chị em kiên trì theo đuổi đúng chỉ định điều trị, mau chóng hồi phục".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem