Cơ hội làm thêm cho sinh viên càng về cuối năm càng lớn nhưng "bẫy" cũng càng nhiều....

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 15/10/2022 09:46 AM (GMT+7)
Dịp cuối năm, trùng vào nhiều ngày lễ lớn nên các đơn vị tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông.
Bình luận 0

Tăng chỉ tiêu tuyển dụng lao động phổ thông

Gần cuối năm, nhiều doanh nghiệp tăng tuyển dụng người mới, kể cả sinh viên đang đi học để phục vụ nhiều dịp lễ lớn như Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch... Cơ hội việc làm thêm cho sinh viên là rất lớn. Tuy vậy, không phải đơn vị nào cũng tuyển dụng được lao động.

Nguyễn Văn Nam (18 tuổi), Thanh Hóa vừa ra Hà Nội học đại học. Nhà nghèo nên Nam tìm công việc làm thêm tại một quán ăn, nhưng công việc áp lực, Nam làm được 1 tháng thì nghỉ việc.

"Em mong muốn tìm được công việc bán thời gian ổn định, nhưng thực sự rất khó vì thời gian làm không phù hợp, công việc lại áp lực, mức lương thấp chỉ 20 nghìn đồng/1 giờ", Nam nói.

Cũng theo Nam, đây là công việc thứ 2 kể từ khi em ra Hà Nội học đại học. Nam cho biết, trước đó em xin đi nhặt bóng tennis nhưng chỉ được một thời gian thì nhận thấy công việc không phù hợp với thời gian học vì thế em xin nghỉ làm. Tuy nhiên, người chủ không trả tiền thuê với lý do chưa làm đủ tháng.

việc làm

Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm bán thời gian, đây là cơ hội tìm việc làm thêm cho sinh viên Ảnh: N.T

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết các dịp lễ lớn sắp tới như Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch gắn với nhu cầu việc làm bán thời gian và toàn thời gian.  

Xu hướng tuyển dụng tập trung vào khu vực thương mại - dịch vụ với các vị trí nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim... Nhu cầu tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước.

Dự báo quý 4/2022, số lượng việc làm tại Hà Nội đáp ứng cho khoảng 4,1 triệu lao động. Tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021 và giảm 3,39% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19).

Nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 - 120.000 lao động do nhu cầu doanh nghiệp tăng mạnh, sinh viên từ nhiều nơi về nhập học tại Hà Nội, nhiều lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp...

"Lao động tuyệt đối cảnh giác với các chiêu trò giữ giấy tờ tùy thân, cọc tiền giữ việc hoặc làm các công việc trong môi trường khép kín... Đây là những hành vi ẩn chứa dấu hiệu lừa đảo. Lao động nên tìm qua các trung tâm dịch vụ việc làm hoặc các đơn vị giới thiệu việc làm uy tín để được tư vấn, giới thiệu việc làm".

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Ông Thành cũng cho biết, hiện, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 9,1 triệu đồng/tháng, tăng cao so với giai đoạn trước và trong đại dịch (thu nhập bình quân lao động làm công ăn lương năm 2019 là 8,2 triệu đồng/tháng, năm 2021 là 8,0 triệu đồng/tháng).

Sau đại dịch Covid-19, thu nhập tăng do doanh nghiệp ưu tiên tăng lương giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi... Vì thế nếu chế độ tiền lương không đảm bảo thì sẽ rất khó tuyển được lao động.

Nhu cầu cao nhưng tuyển dụng lao động khó

Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Hồng Nhung - giám đốc chuỗi cửa hàng ăn tại Hà Nội cho biết: từ đầu năm tới nay công ty bà đã tuyển dụng 30 nhân viên bán thời gian. Hiện nay, công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 20 lao động phục vụ chủ yếu làm bưng bê; thu ngân, bảo vệ... Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa tuyển đủ.

"Từ giờ tới cuối năm do nhu cầu dịch vụ tăng lên, khách hàng nhiều hơn nên các cửa hàng cũng cần nhiều nhân sự. Tuy nhiên, lao động làm việc bán thời gian thường không có ý định làm việc lâu dài nên cứ tuyển liên tục", bà Nhung nói.

Theo bà Nhung, công ty tuyển nhân viên phục vụ tuổi từ 18 - 25, với công việc bảo vệ có thể tuyển người đã 40-50 tuổi, không yêu cầu kinh nghiệm. Mức lương cho lao động làm toàn thời gian là từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, với công việc bán thời gian, mức lương từ 2,5 -3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, lao động làm đủ 1 năm sẽ được thưởng vào ngày lễ, Tết.

Không chỉ các cửa hàng, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ chuyên sản xuất hàng dịch vụ cung ứng dịp Tết cũng tăng cường tuyển dụng lao động. Hầu hết các công ty đều đưa ra mức lương, chế độ phúc lợi tốt nhưng thực tế việc tuyển dụng cũng không hề đơn giản.

tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên

Việc làm thêm cho sinh viên vào cuối năm rất nhiều do nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp tăng cao. Ảnh: N.T

Anh Nguyễn Minh Hoàng Anh - chuyên viên tuyển dụng một công ty thời trang tại Hà Nội cho hay doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển nhiều vị trí. Mức lương dao động từ 6-9 triệu đồng tùy từng vị trí. Tuy nhiên, việc tuyển dụng rất khó khăn.

"Nhiều lao động than lạm phát, lương 6-7 triệu đồng/tháng không đủ chi tiêu. Bởi vậy với công việc này chúng tôi rất khó tuyển dụng. Trong khi đó, với những công việc có mức lương 9-10 triệu đồng/tháng lại đòi hỏi lao động cần có kỹ năng và ít lao động đáp ứng được", ông Hoàng Anh nói.

Để kết nối cung cầu lao động, thời gian này Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Sở LĐTBXH đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn kết nối cung - cầu lao động.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - phó giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho hay từ nay tới cuối năm kinh tế tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh, nhất là với các ngành sản xuất, dịch vụ, vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Ngoài việc kết nối, tư vấn tạo việc làm cho lao động phổ thông, lao động kỹ năng nghề thì các đơn vị cũng nên tăng cường tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm cho nhóm lao động trẻ, nhất là sinh viên. Điều này sẽ góp phần giảm tải áp lực thiếu lao động làm thời vụ hiện nay.

"Dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng lao động cũng nên thận trọng trước thông tin tuyển dụng tràn lan trên mạng. Nên tìm tới các trung tâm dịch vụ việc làm hoặc các đơn vị uy tín để được tư vấn giới thiệu việc làm. Tránh việc bị lừa đảo, tiền mất việc không tìm được", ông Khánh cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem