Những người làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở phố cổ Hà Nội
Đôi vợ chồng làm hơn 2.000 mặt nạ giấy bồi dịp Trung thu mỗi năm ở phố cổ Hà Nội
Thứ tư, ngày 24/08/2022 14:45 PM (GMT+7)
Trong con ngõ nhỏ ở số 73 phố Hàng Than, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cùng vợ vẫn cặm cụi tô vẽ từng đường nét tỉ mẩn để cho “ra đời” những chiếc mặt nạ giấy bồi đậm chất truyền thống vào dịp Trung thu.
Video: Gặp gỡ đôi vợ chồng làm hơn 2.000 chiếc mặt nạ giấy bồi thuyền thống mỗi năm.
Mặt nạ giấy bồi là mặt hàng thủ công dễ làm nhưng đòi hỏi sự cẩn thận trong từng công đoạn từ bước phơi khô hồ dán đến vẽ màu. Sở dĩ được gọi là mặt nạ giấy bồi là từ cách làm mặt nạ giấy bồi trung thu này. Những chiếc mặt nạ này được làm từ giấy xé vụn và đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính.
Trong căn nhà của mình ông Nguyễn Văn Hòa (Hàng Than, Hà Nội) miệt mài, tỉ mỉ vẽ những họa tiết lên chiếc mặt nạ mà không cần nhìn bất cứ hình mẫu nào vì ông đã gắn bó rất lâu với công việc này.
Theo lời ông Hòa thì làm chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết.
Cách làm mặt nạ giấy bồi trung thu trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm.
“Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo; cần một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn”, ông Hòa chia sẻ.
Mặt nạ giấy bồi được phủ bằng lớp sơn tổng hợp. Mỗi lần chỉ được tô một màu, nếu mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền.
Sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ phải được phơi nắng tự nhiên; không được dùng máy sấy nhằm tránh làm biến dạng, cong vênh.
"Nghề ngày cũng kén chọn người làm vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu, đồng thời phải thật yêu nghề. Nhiều người học nghề chỉ quan tâm đến số lượng hơn chất lượng, vì thế chúng tôi đã từ chối dạy. Tôi sẽ chỉ nhận dạy cho những người thật sự tâm huyết với nghề, thật sự yêu nghề", ông Hòa nói thêm.
Trong nhà ông Hòa hiện nay có gần 30 chiếc khuôn mẫu các hình thù được đúc bằng xi măng, để tạo nên những ''khuôn mặt'' truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn….
Bà Lan (vợ ông Hòa) cho biết mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi được yêu thích của trẻ em Hà thành. Từ khi mặt nạ giấy của Trung Quốc tràn vào thị trường, sản phẩm truyền thống không còn được ưa chuộng nữa. "Hàng hóa ế ẩm làm mọi người cũng nản, dần bỏ nghề. Chỉ có nhà bà là vẫn cố gắng vượt qua". Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Hòa sản xuất được 2.000 mặt nạ giấy bồi, giá từ 30.000 - 45.000 đồng/chiếc, tùy vào kích cỡ màu sắc.
Hiện nay, vẫn nhiều người trẻ đến tìm nhà ông bà để mua mặt nạ, chị Minh Phương chia sẻ: "Mình là người rất thích những giá trị truyền thống, khi tiếp xúc với những chiếc mặt nạn này mình cảm thấy toát lên hồn dân tộc".
Hiện nay mặt nạ giấy bồi không còn được ưa thích như trước kia, bởi trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mặt nạ mẫu mã đẹp và rẻ do được sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, với niềm đam mê với nghề và muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng ông vẫn tiếp tục duy trì công việc này.
Viết Niệm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.