Mạng xã hội sáng hôm đó ngập tràn tin một hot girl Hải Phòng ra đi mãi mãi ở tuổi 26 vì căn bệnh ung thư dạ dày. Ai cũng biết ung thư là án tử, là nỗi đau tàn khốc nhưng luôn nghĩ nó chỉ có ở ngoài đường hay trên ti vi chứ chẳng phải chuyện của mình.

Cho đến khi thấy một gương mặt thân quen, mấy tháng trước còn đăng ảnh xinh đẹp nay đã không còn trên đời, họ mới thấy ung thư quá… thật.

Ung thư ở người trẻ khiến người ta ám ảnh hơn cả. Họ đang sống trong những năm tháng đẹp nhất cuộc đời. Có người vừa bước vào cánh cổng trường đại học, có người chỉ còn vài tháng nữa là cầm trong tay tấm bằng cử nhân, có người đang tận hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu … Nhưng khi các tế bào ung thư xuất hiện và đi đến cái đích cuối cùng của nó, tất cả đều dang dở.

Khi ấy, họ mơ ước nhất điều gì? Một nữ sinh Ngoại thương mắc bệnh ung thư từng nói: “Mình mơ được trở lại cuộc sống bình thường, được gặp người thương, được mặc váy cưới… Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ có nữa”.

img

Trong một góc phòng của bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), Nguyễn Bảo Ngọc (22 tuổi) nằm quay mặt vào tường, mắt chăm chăm nhìn ra phía ngoài ô cửa sổ. 24 ngày trước, Ngọc còn là sinh viên của trường Đại học Bách khoa và chỉ còn nửa kỳ nữa là tốt nghiệp. Nhưng bây giờ, thay vì đăng ký tín chỉ, ôn thi, làm khóa luận… cậu lại nằm trên giường bệnh.

Bảo Ngọc được chẩn đoán mắc ung thư ruột non vào đúng ngày 31/8. Trước đó, cậu chỉ thấy đau vùng bụng, đi tiểu khó, ăn không ngon miệng, vào viện khám đôi lần, bác sĩ nói là viêm bàng quang.

Nhưng uống bao thuốc mà cái viêm không hết. Ngọc tự tra Google thì thấy đó là những triệu chứng nghiêm trọng. Cậu đùa với đám bạn: “Chúng mày chuẩn bị tinh thần đi, tao sắp ung thư rồi”. Vậy mà chính cậu cũng chẳng ngờ, nó đến thật và lại đến nhanh như vậy.

img

Có kết quả sinh thiết, bố mẹ Ngọc khóc to, còn cậu lại khá bình thản. Chỉ đến trước ngày phẫu thuật, nghe bác sĩ bảo có ba khả năng sẽ xảy ra, trong đó khả năng xấu nhất là chết trên giường mổ, cậu mới run run. Ngọc chết thì bố mẹ ở với ai, họ chỉ có một người con là cậu. Suốt 22 năm qua, họ dồn mọi công sức, tiền bạc, tình yêu thương và niềm hy vọng vào cậu con trai này.

Và thật là bố mẹ Ngọc sẽ cô đơn lắm. Cô Bình (mẹ Ngọc) bảo, bao năm qua, Ngọc vừa là con trai, vừa là con gái trong nhà. Ngọc đứng ra bàn bạc với bố những chuyện quan trọng nhưng cũng cùng nấu ăn, giặt giũ, tâm tình với mẹ. Cơ thể Ngọc yếu ớt từ nhỏ, bản thân cậu và bố mẹ phải nỗ lực rất nhiều mới có Bảo Ngọc của bây giờ.

24 ngày qua, khoảnh khắc Ngọc suy sụp nhất là khi chờ phẫu thuật. “Căn phòng lạnh toát, một mình em nằm đợi. Bác sĩ nói, một lát mẹ sẽ vào thăm mà em đợi trắng một đêm không thấy. Một mình em, vừa đau vừa sợ”.

img

Mẹ Ngọc rớt nước mắt phân trần: “Bác sĩ không cho cô vào, cô ngóng bên ngoài từ 9 giờ tối hôm trước đến 5 giờ chiều hôm sau. Lúc em tỉnh trách cô: “Qua con đợi mẹ một đêm mà mẹ không vào”. Cô mừng quá vì em nó vẫn nhận ra mẹ”.

Ngọc đã sẵn sàng tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Điều cậu mong mỏi nhất giờ đây là: “Bố mẹ thật khỏe mạnh vì em quá yếu ớt rồi”. Tôi hỏi: “Em có mong gì cho riêng em?”, Ngọc cười mơ hồ: “Em mong được một lần đi chơi xa với bạn bè, được lang thang Hà Nội một đêm và được một lần cầm tay bạn gái”.

img

Dường như đối với riêng các chàng trai, ung thư giúp họ trưởng thành hơn. Cũng như Bảo Ngọc, trong suốt cuộc trò chuyện, Kiều Văn Hải (24 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang điều trị tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều) chỉ nhắc đến bố mẹ.

22 tuổi, Hải sang Nhật xuất khẩu lao động. Đến 24 tuổi, Hải mới về Việt Nam thăm bố mẹ lần đầu, lại là khi cậu vừa trải qua một ca phẫu thuật não. Bác sĩ Nhật gửi bệnh án về, trong đó chẩn đoán bệnh ung thư não, cả nhà Hải rơi vào khủng hoảng. Riêng Hải nghĩ: “Bố mẹ sắp mất con rồi…”.

Chàng trai 24 tuổi khóc nấc kể về bố mẹ. Hai năm trước, cậu tự mày mò chỗ học tiếng Nhật, rồi sang đó làm việc với mong muốn cất cho bố mẹ căn nhà. Hàng tháng, Hải tiết kiệm gửi tiền về cho bố mẹ, 2 năm liền không dám về thăm nhà một lần vì sợ tốn kém. Cậu vốn định làm thêm ít nữa rồi về hẳn, ai ngờ, cho đến lúc đổ bệnh mới được gặp lại gia đình.

img

Căn bệnh giày vò Hải ngày đêm, những lúc không kìm được mà nóng nảy, cáu gắt. Tôi hỏi: “Giờ mà được thay đổi quá khứ, em chọn đổi điều gì?”. Hải dứt khoát đáp: “Nóng tính với bố mẹ, em sẽ bỏ”.

Hải không nuối tiếc vì chưa kịp cưới vợ, làm nhà, chỉ tiếc không được ở với bố mẹ lâu nữa. Chỗ yếu đuối nhất trong con người chàng trai 24 tuổi chính là người làm cha làm mẹ, đến giờ vẫn phải rơi nước mắt vì con.

img

Hà Ngọc Ánh đang tận hưởng cuộc sống màu hồng. 19 tuổi, Ánh nổi bật trong nhóm bạn bởi gương mặt đẹp, làn da trắng nhẵn nhụi ai nấy đều xuýt xoa, mái tóc dài đen nhánh nuôi 10 năm chưa cắt.

Ánh sắp trở thành tân sinh viên khoa Quản lý Khách sạn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Năm trước, Ánh cũng thi khoa đó mà thiếu điểm. Kiên trì ôn lại suốt 1 năm, Ánh thi được 25,5 điểm khối C và trúng tuyển.

img

Nhưng chưa kịp nhập học, Ánh đã phải nhập viện. Ánh nhớ mãi buổi trưa tháng 5 oi ả, nghe bác sĩ nhắc đến căn bệnh ung thư xương, tai cô ù đi, trống rỗng rồi suy sụp. Ánh chẳng được ai báo trước, vội vã bước vào hành trình chiến đấu với băng chuyền, thuốc, nước mắt và nỗi đau.

Ánh kể cho tôi nghe về những ngày ở viện, liên tục trải qua xét nghiệm, sinh thiết, chọc tủy… Những cơn đau nhức khắp người.

Một tuần sau ca phẫu thuật đầu tiên, Ánh nằm liệt giường. Cả thể xác lẫn tinh thần đều bị cơn đau hành hạ. Những đêm không ngủ, những lần ăn vào nôn ra… Ánh nhớ mãi một lần khao khát ra ngoài hít vài hơi không khí trong lành nhưng toàn thân gắng gượng mà không dậy nổi. Tay cầm ông truyền, Ánh bất lực ngồi nhìn bốn bức tường, hít thở thứ không khí vương đầy mùi hóa chất.

img

Biết tóc sẽ rụng, Ánh cắt phăng mái tóc dài, đem đi làm thành tóc giả để đội khi cần. Nhưng khi chứng kiến nhúm tóc ngắn còn lại rụng dần, để lộ những mảng da đầu trắng bệch, Ánh vẫn tiếc đứt ruột. Sau 1 tuần, Ánh sút đến 6 cân.

Suốt 4 tháng, Ánh trải qua 4 đợt điều trị, mỗi ngày truyền 4 chai hóa chất và 3 chai dịch. Trên người chi chít những vết tím bầm do chọc kim tiêm.

“Ở đây buồn lắm, cả ngày chỉ nhìn thấy những viên thuốc và chai hóa chất, nhìn thôi đã thấy buồn nôn rồi. Em muốn thoát khỏi nơi này thật nhanh”, Ánh cúi mặt than thở.

img

Ánh là bệnh nhân duy nhất tôi trò chuyện trong ngày hôm đó, không rơi một giọt nước mắt. Cô gái tuổi 19 cười cười nói: “Nếu chị gặp em 3 tháng trước, sẽ thấy một Ngọc Ánh hoàn toàn khác. Nhưng vào đây thấy nhiều người còn khổ hơn mình mà họ vẫn lạc quan, em không sợ ung thư nữa”.

Dẫu là thế, Ánh vẫn có quá nhiều tiếc nuối. Cô tiếc mái tóc dài, tiếc cả ước mơ học đại học đã chạm đến tay mà bị ung thư cướp mất, tiếc cả niềm đam mê bóng chuyền sắp không còn...

img

“Em mê nhất thể thao, nhất nữa là bóng chuyền. Nhưng em sắp phải cưa chân rồi”.

Bệnh viện còn quá nhiều những Ngọc, Hải, Ánh… đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Những ước mơ dang dở, những nuối tiếc của họ khiến người ta ám ảnh.

Chàng trai, cô gái ấy không nói nhiều về cái chết hay nỗi sợ chết, họ nhắc đến nhiều hơn những thứ muốn làm mà chưa kịp làm. Người ta xót xa cho người trẻ mười tám, đôi mươi mà mắc bệnh hiểm nghèo là vì vậy. Họ lại phải nằm trên giường bệnh, đối mặt với cái chết cận kề giữa lúc dám ước mơ và dám thực hiện nhất.

Đối với Ngọc, Hải, Ánh, ung thư đều đến quá nhanh. Không ai biết vì sao mình mắc bệnh, chỉ biết “trời gọi ai nấy dạ”. Thế nhưng, họ biết rõ nếu được quay lại cuộc sống bình thường, mình sẽ làm gì.

“Vứt chiếc điện thoại đi, ngủ sớm hơn, ăn nhiều trái cây và sinh hoạt thật điều độ”, Ngọc nói.

“Chăm chỉ tập thể dục và không nóng nảy với bố mẹ”, Hải dứt khoát. “Em sẽ chạy thật nhiều, ngắm nhìn thế giới thật nhiều. Và em sẽ thả lỏng mà sống”, Ngọc Anh cười.

 

Nội dung: Hạ Nhiên

Ảnh: Thế Đại

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem