Nuôi heo rừng lạ mắt dưới chân núi Cấm ở An Giang, hễ nói bán là thương lái khuân hết sạch
Thứ heo lông vằn vện lạ mắt nuôi ở một xã của An Giang, trông mãi mới lớn, hễ nói bán là đắt hàng
Thứ ba, ngày 12/03/2024 15:20 PM (GMT+7)
Một trang trại nuôi heo rừng đầu tiên ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hình thành, phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân đầu tư mô hình nuôi heo rừng này là anh Bùi Tuấn Anh, ấp Đây Cà Hom.
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL nuôi heo rừng quy mô hộ gia đình hoặc bán hoang dã đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đúc kết từ những mô hình trên, một trang trại heo rừng đầu tiên ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hình thành, phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trại heo rừng Trung Hiếu tại ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, được xem là mô hình nuôi heo rừng quy mô trang trại lớn đầu tiên tại An Giang.
Với hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản cùng với kỹ thuật nuôi heo sinh sản tốt đã giúp trại heo rừng trên ngày một nhân rộng. Anh Bùi Tuấn Anh, Quản lý trang trại heo rừng Trung Hiếu, cho biết: “Chúng tôi đầu tư trang trại khoảng 4 năm nay.
Ban đầu chỉ có 4 heo cái và 2 heo đực giống được mua từ Đồng Nai về với tổng số tiền khoảng 30 triệu đồng.
Nhờ tham khảo trước từ sách kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm của các trang trại heo rừng tại Đồng Nai nên việc nuôi heo rừng cũng không quá khó. Nuôi heo rừng phải có không gian rộng đảm bảo đủ chỗ để heo di chuyển và nhất là tạo không khí luôn thoáng mát cho chuồng trại”.
Hệ thống chuồng trại được anh Bùi Anh Tuấn, ấp Đây Cà Hom, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đầu tư khá bài bản giúp trại heo phát triển tốt.
Hệ thống chuồng trại tại trại heo Trung Hiếu được đầu tư đúng kỹ thuật. Mỗi chuồng được tách biệt nhau bằng hệ thống rào, cửa sắt, có diện tích trung bình khoảng 12m2 trở lên cho một đàn heo.
Chuồng có hai phần, phần chuồng có mái che, sân xi măng cho heo nghỉ ngơi, tránh nắng, mưa và ngủ về đêm. Phần sân bằng cát có một bồn nước nông cho heo sinh hoạt, di chuyển. Phần trên mái trang trại còn gắn thêm hệ thống quạt thông gió giúp không khí trong chuồng luôn thông thoáng, tránh nhiệt cục bộ.
“Nuôi heo rừng theo quy mô công nghiệp, hình thức trang trại khác với mô hình nuôi heo bán hoang dã nên cần chú ý đến việc xây dựng chuồng trại cho heo.
Heo rừng là loài vật hoang dã nên chuồng phải có sân cho heo di chuyển và nguồn nước cho heo trầm mình. Có như vậy heo mới khỏe, ít bệnh và nhanh lớn, thịt chắc như heo nuôi thả lan bán hoang dã” - anh Tuấn Anh chia sẻ.
Với 4 con nái ban đầu, chỉ sau vài tháng, đàn heo của anh Tuấn Anh đã bắt đầu cho sinh sản lứa đầu khoảng 6-8 con/ lần sinh, từ lứa thứ hai trở đi khoảng 10 con/lần sinh. Chu kỳ sinh sản của heo rừng khoảng 2 năm cho 5 lứa.
“Phối giống heo rừng cũng như các loại động vật bốn chân khác, khá dễ. Chủ yếu là phối giống tự nhiên. Đặc điểm chủ yếu là do heo rừng vẫn còn những bản năng hoang dã cao nên việc hạn chế những tác động của con người càng ít chừng nào, càng tốt chừng đó”, anh Tuấn Anh nêu kinh nghiệm.
Sau khi cho phối giống tự nhiên, heo mẹ cần cho ăn đều hơn, có thể bổ sung thêm cám, trái cây... nhất là giai đoạn gần sinh và cho con bú trong tháng đầu. Sau khoảng một tháng rưỡi, heo con đã khỏe, tự kiếm ăn riêng thì heo mẹ sẽ được tiếp tục cho phối giống lứa sau.
Hiện trại heo Trung Hiếu đang có 18 chuồng với 18 heo cái đang trong chu kỳ sinh sản. Còn số heo con từ vài ngày tuổi đến hơn hai tháng tuổi trên dưới 100 con. Heo rừng thường mắc các bệnh như: tụ huyết trùng, thương hàn, tả... nên việc ngừa bằng tiêm vắc-xin cho heo con cũng không khó.
Heo rừng chủ yếu ăn rau cải, lá cây, cỏ..., do vậy, nguồn thức ăn hiện tại chủ yếu mua hoặc từ nguồn rau phế thải của chủ vựa rau ở các chợ với giá khá rẻ. Theo chiết tính của anh Tuấn Anh, với một con heo từ khi sinh ra đến đạt trọng lượng xuất heo hơi, tức trên 12kg, vào khoảng 1 triệu đồng/con.
Giá heo rừng tại An Giang hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg (heo hơi), heo giống khoảng 250.000 đồng/kg. Năm 2010, chỉ riêng heo giống, trại heo do anh Tuấn Anh quản lý đã thu về trên 150 triệu đồng.
Anh Tuấn Anh cho biết: “Do số lượng trang trại nuôi heo rừng ở An Giang chưa nhiều trong khi nhu cầu của thị trường lớn nên đầu ra đang rất tốt. Hiện nay, trang trại gần như không còn đủ nguồn heo thịt bán ra thị trường. Từ đầu năm đến nay, trại chủ yếu bán heo giống”.
Về định hướng tiếp theo cho trang trại, anh Tuấn Anh, cho biết: “Diện tích trang trại còn khá lớn, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại ra thêm tùy vào điều kiện và nhu cầu thị trường, nhưng sẽ tập trung bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Bên cạnh, sẽ tiếp tục đầu tư trồng vườn cây ăn trái và hướng đến xây dựng mô hình trang trại nuôi heo rừng kết hợp du lịch sinh thái để thu hút khách đến nhân lễ hội vía Bà và du lịch núi Cấm...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.