Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ocean Vương (Vương Quốc Vinh), sinh ngày 14/10/1988, là một nhà thơ, nhà tiểu luận và tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt. Năm 2014, Vương nhận được học bổng Ruth Lilly/Sargent Rosenberg từ Poetry Foundation. Đến năm 2016, anh nhận được Giải thưởng Whites. Năm 2017, Night Sky With Exit Wounds đã đưa chàng trai trẻ trở thành nhà thơ thứ hai giành Giải thưởng TS Eliot ngay với tập thơ đầu tiên.
On Earth We're Briefly Gorgeous, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vương, được phát hành vào năm 2019 ngay lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi và trở thành cuốn sách bán chạy nhất của Sunday Times. Được Max Porter ca ngợi là cuốn "Tiểu thuyết tuyệt vời của Mỹ", câu chuyện đề cập đến các vấn đề về tổn thương, nghiện ngập, giới tính và tình dục, dưới dạng một bức thư của một cậu con trai người Mỹ gốc Việt tên Little Dog gửi cho người mẹ không biết đọc của mình. Vương cho biết: "Đây là một ý tưởng thú vị, mặc dù nó có vẻ lạ lùng đối với một số độc giả".
Bên cạnh đó, Vương cũng cho rằng việc sử dụng tiếng Anh để viết ra các tác phẩm cũng là một thử thách lớn: "Sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ khiến tôi phải viết cẩn thận hơn, từng chữ một, một cách chậm rãi".
Trong tiểu thuyết, ngôn ngữ cũng có những sắc thái riêng, được thể hiện giữa những hoàn cảnh khác nhau. Trong tiểu thuyết "On Earth We're Briefly Gorgeous", khi khả năng sử dụng tiếng Anh của Little Dog tăng lên, thì khoảng cách giữa anh ấy và mẹ cũng tăng theo.
Đối với Vương, ngôn ngữ trở thành một công cụ để vừa kết nối và vừa phân chia - giống như cách một đại dương vừa kết nối cũng như phân chia các vùng đất. Ngôn ngữ cho phép Little Dog trở thành người phiên dịch và bảo vệ mẹ mình, người đưa bà đến với Giấc mơ Mỹ. Anh đặt hàng quần áo cho bà từ Victoria's Secret Catalog; thương lượng giờ làm việc của bà với cấp trên…
"Đó là một trong những điểm nổi bật của cuốn sách cũng như điều mà tôi luôn suy nghĩ", Vương nói. "Mặc dù tôi có vốn tiếng Anh tốt và sử dụng thành thạo tiếng Anh, tôi vẫn phải cân nhắc về cách dùng nó với tư cách là một nhà văn".
Sinh ra ở Sài Gòn trong một gia đình làm nông, Vương và gia đình đã rời Việt Nam khi anh mới hai tuổi, họ đến Mỹ và định cư ở Hartford, Connecticut. Hiện tại, anh đang sinh sống ở Northampton, Massachusetts, anh làm công việc giảng dạy tại Đại học Massachusetts gần đó. "Cuộc sống của tôi hiện tại cũng không khác biệt gì nhiều ngoài việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Ngoại trừ một điều là bây giờ tôi không cần phải giải thích gì khi muốn ở trong nhà", anh cười và nói.
Tuổi còn trẻ nhưng Ocean Vương rất nổi tiếng tại các văn đàn Mỹ.
Ở tuổi 33, chỉ trong vài năm, Ocean Vương đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của Văn học Mỹ gốc Á - điều mà anh coi là niềm vui hơn là gánh nặng. Anh nói: "Nó chỉ là gánh nặng nếu bạn xem mình đại diện cho tất cả người châu Á, hay tất cả người Việt Nam, và tôi chưa bao giờ thấy mình như vậy. Tôi viết về những câu chuyện xảy ra trong cộng đồng của chúng ta, nhưng đây không phải tiếng nói của toàn bộ người dân Việt Nam".
Vương nhấn mạnh: "Tôi muốn đảm bảo mình không phải là người cuối cùng đạt được những thành tựu này. Tôi không muốn mọi người đọc sách của tôi và nói: 'Hóa ra người Việt Nam nghĩ như vậy!'"
Trước khi trở thành một nhà thơ, Vương từng đăng ký một khóa học Tiếp thị Quốc tế tại Đại học New York's Pace. Sớm nhận ra lĩnh vực này không dành cho mình, anh đã bỏ học chỉ sau 2 tháng. "Những định kiến đã khắc sâu vào tâm trí của người châu Á, mọi người luôn muốn chúng ta trở thành bác sĩ thay vì nhà văn. Chúng ta phải trở thành luật sư, doanh nhân, kỹ sư để làm hài lòng và giúp đỡ cha mẹ. Và do đó, chúng ta phải gác lại ước mơ của mình, và đôi khi là không bao giờ nhắc đến nữa. Đây là một thực trạng đáng buồn!"
Nói việc việc chuyển từ thơ sang viết tiểu thuyết, Vương thừa nhận đây là hai lĩnh vực khác nhau. Anh nói: "Đối với tôi, những bài thơ thú vị hơn nhiều, chúng không tốn quá nhiều thời gian. Bạn có thể viết một bài thơ, sau đó cất nó vào ngăn kéo và quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong khi đó, việc viết một cuốn tiểu thuyết không như vậy. Một cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn toàn chiếm lấy tâm trí bạn, bạn không thể thực sự sống trọn vẹn. Trong suốt ba năm tôi viết On Earth We're Briefly Gorgeous, tôi đã sống trong một cảm giác bàng hoàng. Tôi đã không chuẩn bị cho điều đó".
Anh nói thêm: "Tôi bị ám ảnh bởi những gì tôi viết về và nghĩ về nó mọi lúc - kể cả khi tôi không viết. Rất nhiều thứ diễn ra trong đầu tôi, và viết chỉ là phần cuối cùng. Tôi viết gần như mỗi ngày cho đến khi cuốn sách được hoàn thành".
Năm 2020, Vương trở thành nhà văn thứ bảy tham gia Dự án Thư viện Tương lai, cùng với Margaret Atwood, Han Kang và Karl Ove Knausgård. Mỗi tác giả sẽ phải đóng góp một tác phẩm chưa ai từng đọc và được niêm phong cho đến năm 2114, lúc đó các tác phẩm sẽ được phát hành và in trên những cái cây hiện đang mọc trong một khu rừng ngay bên ngoài Oslo. Vương cho biết: "Tôi thích ý tưởng này. Là một Phật tử, tôi luôn suy nghĩ thiền định về cái chết, tức là thiền định về việc tưởng tượng ra cái chết và bình thường hóa nó".
Vương cho rằng thiền giúp chúng ta sống tốt hơn. "Khi bạn nghĩ rằng cái chết là không thể tránh khỏi, mọi lý lẽ nhỏ nhặt và vụn vặt đều tan biến. Tôi nghĩ rằng việc suy nghĩ về cái chết sẽ giúp con người chúng ta biết trân trọng cuộc sống hơn".
Nói về tương lai của văn học, Vương bày tỏ sự hào hứng, anh cho rằng Eduardo Corral, Natalie Diaz, Bryan Washington, Jia Tolentino và Mahogany Brown là những tác giả rất đáng chú ý. "Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có sắc thái và màu sắc khác nhau. Ngoài ra, tôi muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều biên tập viên da màu hơn, và những người da màu nên được tham gia mọi công đoạn, chứ không phải chỉ là tác giả. Đây là điều rất khó, bởi xã hội hiện đại vẫn còn chưa quá cởi mở về vấn đề này, tuy nhiên tôi nghĩ quan trọng là chúng ta cố gắng hết mình để nó trở thành hiện thực".
Oncean Vương là một nhà văn đã vượt qua tất cả những kỳ vọng và rào cản đặt ra theo cách của mình. Quyết tâm sử dụng ảnh hưởng của mình để cổ vũ cho một thế giới văn học hấp dẫn hơn, anh có một thông điệp cuối cùng muốn truyền lại: "Tôi chỉ muốn độc giả và các nhà văn trẻ biết rằng, việc viết văn không hề dễ dàng, đặc biệt là khi viết bằng tiếng Anh. Vì vậy, bạn phải thật sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là không bao giờ được bỏ cuộc, vượt qua những sai lầm, cho bản thân can đảm và tiếp tục cố gắng tìm ra con đường của mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.