Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Huyện nông thôn mới Củ Chi được mệnh danh là "vành đai xanh" của TP.HCM với rất nhiều mô hình, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Vận dụng các mô hình đang triển khai vào làm du lịch, thời gian qua, Củ Chi có rất nhiều sản phẩm du lịch nông thôn sáng tạo, vừa mang tính đặc trưng của địa phương vừa thu hút du khách.
Đó là các điểm đến như vườn trái cây Trung An, vườn bưởi Tam Tân, khu nông nghiệp công nghệ cao. Khách sẽ được tham quan vườn trái cây với các dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm làm vườn, đạp xe tham quan làng trái cây, ngồi xe ngựa thưởng lãm ven sông Sài Gòn, thưởng thức đờn ca tài tử, mua đặc sản địa phương.
Về Củ Chi không tham quan làm bánh tráng, trực tiếp làm bánh tráng là một thiếu sót lớn. Các trải nghiệm làm bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và nhiều làng nghề khác tại Củ Chi như sản xuất mây tre, mành trúc, đan lát, gốm sứ đang thu hút nhiều du khách.
Để thúc đẩy du lịch nông thôn, đầu tháng 9/2022, huyện Củ Chi đã tổ chức Ngày hội "Hương sắc vùng đất Đất Thép", các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng nhất đã được quảng bá tới du khách và được du khách, các công ty du lịch đánh giá cao, có tiềm năng tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Các lợi thế du lịch biển, du lịch sinh thái của huyện nông thôn mới Cần Giờ cũng vừa được huyện này khai thác hiệu quả thông qua tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu, lồng ghép trong Lễ hội Nghinh Ông.
Đó là chuỗi chương trình lễ hội, quảng bá về du lịch biển, các điểm du lịch sinh thái Vàm Sát, Đảo Khỉ, khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ cùng với các hoạt động đậm chất văn hóa đặc của người dân địa phương trong dịp lễ hội.
Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, huyện tập trung phát triển loại hình du lịch nông thôn nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch cho người dân. Củ Chi là một địa phương có nhiều thuận lợi về nông nghiệp, do đó, phát triển du lịch nông thôn rất tiềm năng.
Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết để tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, duy trì tốc độ phục hồi kinh tế đến cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, huyện đề ra 17 nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội đến cuối năm. Đồng thời, xây dựng các giải pháp nâng tầm du lịch tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, không chỉ số lượng du khách mà còn tính đến giá trị nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Huyện Cần Giờ đã ra mắt mô hình phát triển du lịch xã Thạnh An. Mô hình này nhằm từng bước xây dựng phát triển các mô hình du lịch, tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ phát triển du lịch. Xã đảo Thạnh An gần đây nổi lên khi thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm khi được đi đảo ngay TP.HCM.
Tại hội nghị triển khai "Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", do Bộ NNPTNT chủ trì hôm 9/9, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh dân tộc này với dân tộc khác, thì nông thôn là nơi so sánh bản sắc của dân tộc này với dân tộc khác".
Ông cho rằng phát triển du lịch nông thôn là kéo người đô thị về với nông thôn, khách nước ngoài đến nông thôn, đưa các chuyên gia, người trí thức về nông thôn Việt Nam để vừa kích thích sự phát triển khu vực nông thôn, vừa có cơ hội quảng bá du lịch nông thôn.
Bộ trưởng cho biết thời gian qua, một số tỉnh thành đã làm du lịch nông thôn tốt, được thế giới ghi nhận, có thể nói là để lại "di sản nông thôn" trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.
"Chúng ta cùng nhau làm dấu ấn cho giai đoạn mới, để cuối nhiệm kỳ không phải báo cáo bao nhiêu địa phương đạt nông thôn mới mà là có những di sản nông thôn nào, tự hào giới thiệu thế giới những di sản nông thôn của Việt Nam từ các chương trình sắp tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.