Theo bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), chùm ruột có tên khoa học Phyllanthus distichus Meull, Arg. (Phyllanthus acidus Skeels, Cicca disticha L.), thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.
Chùm ruột thường mọc hoang hoặc được trồng làm cây ăn quả ở khu vực miền Nam. Tại miền Bắc chùm ruột được một số gia đình trồng làm cây cảnh. Vỏ quả chùm ruột khi chưa chín có màu trắng vàng nhạt, trông như sáp, quả có vị chua ngọt.
Bác sĩ Vũ cho biết, quả chùm ruột chứa nhiều vitamin C, gluxit, axit axetic. Vỏ rễ cây chùm ruột chứa saponin acid gallic và một chất kết tinh. Theo y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của cây chùm ruột đều có tác dụng chữa bệnh nhưng được dùng phổ biến nhất là quả và lá cây. Quả chùm ruột có vị chua ngọt, tính mát.
"Quả chùm ruột dùng để ăn sống hoặc nấu canh giúp làm mát cơ thể, giải nhiệt, chữa được chứng nhức đầu. Quả chùm ruột không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn có tác dụng làm thuốc điều trị tan huyết ứ, tiêu độc, tiêu đờm và sát trùng. Quả cũng có tác dụng giải nhiệt và làm se vết thương, bổ gan, bổ máu, có tác dụng tích cực với bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý về gan. Quả chùm ruột cũng giúp cải thiện chức năng gan, hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan rất hiệu quả", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, lá và rễ cây chùm ruột có tính nóng, dùng để bôi ngoài da có tác dụng tan ứ huyết, tiêu độc, sát trùng, chống nọc độc rắn. Lá chùm ruột có vị chua nhẹ, tính nóng, có tính sát khuẩn cao. Lá cây khi nấu chín còn giúp trị mụn nhọt, hút mủ mụn. Nhai lá chùm ruột có thể giúp chữa viêm họng, viêm miệng. Đun nước lá chùm ruột dùng để tắm có thể giúp chữa lở, nổi mề đay và các bệnh lý ngoài da.
Vỏ thân cây chùm ruột dùng ngâm rượu có thể chữa thối tai, tiêu mủ, chữa ghẻ, loét, vết thương chảy máu ngoài da, chữa đau răng.
Một số bài thuốc từ chùm ruột như chữa lở ngứa, mề đay, ghẻ loét, vết thương ngoài da: Vỏ thân cây phơi khô, tán bột, chưng với dầu dừa dùng để bôi ngoài da.
- Chữa hen suyễn: Lấy 6 quả chùm ruột, 2 củ hành đỏ, một nắm hạt đậu biếc, 8 quả long nhãn, rửa sạch và nghiền nhỏ. Sau đó thêm vào 2 tách nước và đun đến cạn còn 1/3, để hơi nguội, lọc và uống với ít đường. Sử dụng 2 lần/ngày.
- Chữa thối tai, tiêu mủ, chữa ghẻ, loét, vết thương chảy máu ngoài da: Dùng rượu ngâm chùm ruột nhỏ vào tai, bôi vào các chỗ ghẻ hoặc vết thương ngoài da.
- Chữa vảy nến: Dùng nước sắc vỏ cây chùm ruột (được cô lại cho đặc) và rượu rễ cây chùm ruột bôi vào vị trí bị vảy nến.
Bác sĩ Vũ lưu ý rễ chùm ruột có độc, có thể gây ngộ độc, đau nhức đầu, đau bụng, thậm chí là tử vong do đó người dân chỉ dùng để bôi ngoài da, tuyệt đối không được uống nước sắc cũng như rượu ngâm vỏ rễ cây chùm ruột. Ngoài ra, những người mắc bệnh gout và sỏi thận không nên ăn quả chùm ruột, vì trái cây chứa nhiều axit oxalic.