Rừng pơ mu quý hiếm bị tàn phá: Bảo vệ rừng chốt một đường, lâm tặc đi một nẻo (?!)

Duy Hậu Thứ hai, ngày 22/02/2021 10:37 AM (GMT+7)
Trong dịp Tết Nguyên đán, rừng pơ mu trăm tuổi quý hiếm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk) một lần nữa bị lâm tặc tấn công. Cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không sự tiếp tay cho lâm tặc.
Bình luận 0

Chủ rừng chốt một đường, lâm tặc chốt một nẻo(?!)

Ngày 22/2, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho công an địa phương và các lực lượng liên quan gấp rút triển khai các phương án truy quét lâm tặc, giữ rừng bằng mọi giá. Chỉ đạo này một phần xuất phát từ vụ phá rừng pơ mu ở huyện Krông Bông vừa xảy ra trong những ngày Tết.

Rừng pơ-mu quý hiếm bị tàn phá: Lâm tặc đi một đường, bảo vệ rừng chốt một nẻo(?!) - Ảnh 1.

Các đối tượng vận chuyển gỗ pơ mu trong dịp Tết bị công an bắt quả tang.

Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an huyện Krông Bông thành lập tổ công tác đặc biệt với 25 cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều nhóm tiến hành theo dõi, mật phục các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông).

Sau một thời gian mật phục, từ tối 12/2 (mùng 1 Tết) đến rạng sáng 14/2 (mùng 3 Tết), tổ công tác đã bắt quả tang 6 đối tượng đang dùng 5 con trâu kéo khoảng 7m3 gỗ pơ mu trái phép. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành vây bắt và thu giữ tang vật.

Rừng pơ-mu quý hiếm bị tàn phá: Lâm tặc đi một đường, bảo vệ rừng chốt một nẻo(?!) - Ảnh 2.

Lâm tặc dùng trâu để kéo gỗ ra ngoài.

Đại tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng Công an huyện Krông Bông cho biết, vụ việc vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Trước mắt, cơ quan công an xác định ngoài 6 đối tượng bị bắt quả tang còn có 3 đối tượng liên quan tới vụ phá rừng này. Ngoài việc làm rõ hành vi phá rừng của lâm tặc, cơ quan công an cũng đang làm rõ trách nhiệm của chủ rừng.

Cũng theo đại tá Nguyễn Quang Trung, đây là chuyên án do công an độc lập triển khai, không hề có sự phối hợp của đơn vị nào khác nhằm đảm bảo tính bất ngờ, bảo mật thông tin, tránh "bứt dây động rừng". Các cán bộ, chiến sĩ công an phải bí mật nắm bắt theo dõi diễn biến hoạt động của lâm tặc để phục kích bất ngờ, bắt tại trận và kiểm đếm số gỗ lậu ngay tại hiện trường.

Rừng pơ-mu quý hiếm bị tàn phá: Lâm tặc đi một đường, bảo vệ rừng chốt một nẻo(?!) - Ảnh 3.

Gỗ rừng bị phá được xác định là pơ mu quý hiếm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong những năm gần đây, rừng pơ mu trăm tuổi quý hiếm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk) liên tiếp bị tàn phá. Điều đáng nói, hầu hết các vụ việc không được phát hiện bởi chủ rừng mặc dù có những vụ phá rừng quy mô rất lớn, lâm tặc ngang nhiên dựng lán trại, đưa trâu bò, máy móc vào khai thác.

Nói về vụ phá rừng trên, lý giải việc lâm tặc đi khá "rầm rộ" nhưng chủ rừng không biết, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, nói: "Hôm đó, anh em nghĩ lâm tặc sẽ đi tuyến khác nên tổ chức chốt chặn ở nơi khác". 

Theo ông Tuấn, vụ phá rừng xảy ra tại TK 1219. Nơi đây được bố trí tổng cộng 14 cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Hôm xảy ra vụ việc, tại phân trường này có 5 người trực (một phân trường quản lý nhiều tiểu khu, trong đó có tiểu khu 1219 - NV). Cũng theo ông Tuấn, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị cũng phát hiện được hai vụ vận chuyển gỗ lậu nhưng chỉ bắt được 2 phách gỗ chứ không bắt được người.

Về câu hỏi liệu có hay không sự tiếp tay của lực lượng quản lý bảo vệ rừng, ông Tuấn nói: "Việc này tôi cũng mong cơ quan chức năng làm rõ". Ông Tuấn cho biết chưa khẳng định có hay không việc tiếp tay nhưng sẽ cho luân chuyển các trường hợp trong diện nghi vấn.

Chủ tịch huyện báo tin cũng bị lộ

Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, Hạt kiểm lâm Krông Bông vừa được kiện toàn lãnh đạo mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp khá tốt với công an để truy quyét lâm tặc. Ngoài ra, vai trò phối hợp của chủ rừng cũng rất quan trọng. Trong năm 2020, một số chủ rừng ở huyện Krông Bông đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử lý kỷ luật do để lâm tặc hoành hành.

Rừng pơ-mu quý hiếm bị tàn phá: Lâm tặc đi một đường, bảo vệ rừng chốt một nẻo(?!) - Ảnh 4.

Toàn bộ số gỗ đã được cưa xẻ từ trong rừng sau đó mới được chuyển ra ngoài.

Trong khi đó, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông thì cho biết, trước đây huyện chỉ đạo các chủ rừng phối hợp với nhau để quản lý bảo vệ rừng nhưng thực tế không hiệu quả. Có nhiều tin báo bị lộ, lọt ra ngoài.

"Tôi từng tiếp nhận thông tin người dân báo có 4 xe, có biển số rõ ràng đang chở gỗ lậu ra ngoài. Ngay sau đó, tôi điện thoại chỉ đạọ cho 4 người thuộc 4 đơn vị có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ rừng. Tuy nhiên, 2 tiếng sau, 4 chiếc xe trên chạy xe không ra ngoài" - ông Long nói.

Ông Long cho biết, từ thực tế này, mới đây UBND huyện thống nhất các đơn vị hoạt động độc lập để giữ rừng. Quan điểm chỉ đạo thời gian tới là giao ai thì giao 1 người. Ví dụ, giao công an thì chỉ đạo thẳng cho Trưởng Công an huyện và thông báo thông tin này chỉ một mình ông biết. Nếu lộ ra ngoài là ông phải chịu trách nhiệm, từ đó mới bắt được gỗ.

Rừng pơ-mu quý hiếm bị tàn phá: Lâm tặc đi một đường, bảo vệ rừng chốt một nẻo(?!) - Ảnh 5.

Lâm tặc dùng cả đàn trâu để kéo gỗ ra ngoài nhưng chủ rừng không phát hiện được.

"Trước và sau Tết, tôi đã gọi cho Trưởng Công an huyện tới giao nhiệm vụ và bắt được gỗ, còn giao cho 4 ông thì không bắt được. Sau khi bắt giữ được các đối tượng phá rừng, UBND huyện đã tặng bằng khen và thưởng nóng 30 triệu đồng cho lực lượng công an. Chưa thể khẳng định có sự tiếp tay của lực lượng bảo vệ rừng nên UBND huyện đang giao cho công an làm rõ. Nếu phát hiện ra trường hợp nào bảo kê, tiếp tay thì xử lý ngay. Một con trâu đi thì không nói chứ 5 con trâu đi ngang qua 1 phân trường để vào rừng chở gỗ ra thì phải biết" - ông Long nói.

Lâm tặc tố...được kiểm lâm tiếp tay

Tháng 1/2021, một người tại huyện Krông Bông đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Điều ngược đời là đơn người này tố việc mình không bị kiểm lâm bắt gỗ lậu (Dân Việt đã phản ánh). Đơn tố cáo 1 kiểm lâm viên và 2 lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông khi phát hiện gỗ lậu chỉ lập biên bản, thu giữ một nửa số gỗ. Số gỗ còn lại là của chính người tố cáo đã được bỏ qua. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã xác minh đơn và khẳng định một số nội dung trong đơn tố cáo là có căn cứ. Đơn vị này đang tiếp tục làm rõ các nội dung trong đơn tố cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem