Sâm Lai Châu đặc sản đang được trồng ở vùng cao biên giới Mường Tè
Sâm Lai Châu là loài sâm quý
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư thường trực huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên lớn trên 267.000ha, có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với nhiều loại dược liệu quý hiếm, tiêu biểu là sâm Lai Châu.
Từ lâu cây sâm Lai Châu đã được phát hiện ở các xã biên giới; theo đánh giá của của các chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu khoa học của Viện Dược liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam sâm Lai Châu thuộc sâm Panax Vietnamensis fodicus var, với 52 loại Saponin được đánh giá quý hiếm trên thế giới.
Thời gian qua, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế dưới tán rừng của TW và của tỉnh Lai Châu, chúng tôi đã tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền huyện tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và thu hút các nhà đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu.
Để việc phát triển vùng nguyên liệu đạt hiệu quả, huyện đồng hành cùng các nhà đầu tư và người dân giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp các hộ gia đình và nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển sâm Lai Châu và ngành nông nghiệp.
"Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng; bên cạnh đó chúng tôi thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổ giúp việc thực hiện các nghị quyết, chính sách theo đề án phát triển nông nghiệp của huyện. Cùng với đó huyện tổ chức các hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và tìm hướng giải quyết; khi sâm Lai Châu được phát triển và nhân rộng trên địa bàn huyện Mường Tè, sẽ góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân", ông Hiển nhấn mạnh.
Tim hiểu chúng tôi được biết, trước kia trên dãy núi Pu Si Lung thuộc xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè cây sâm Lai Châu có rất nhiều, nhưng đã mai một do khai thác không hợp lý, hiện nay ở một số bản như Chà Gá, Sín Chải B… bà con đã phát triển trồng và thuần hóa cây sâm Lai Châu nhưng với quy mô rất nhỏ lẻ.
Sâm Lai Châu đang được đầu tư phát triển
Thời gian gần đây cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè được các nhà đầu tư biết đến và bước đầu phát triển, tiêu biểu như Công ty Pusilung Center có địa chỉ tại Bản Sín Chải C, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết: Tính đến nay chúng tôi có khoảng 4.000 cây sâm Lai Châu đầu dòng, độ tuổi từ 10 – 25 năm, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật mỗi năm chúng tôi thu được 25 nghìn hạt, sau khi gieo trồng sẽ cho ra khoảng 20 nghìn cây con, đây sẽ là nguồn cây giống để chúng tôi nhân rộng quy mô trong những năm tới.
Ông Tuấn cũng cho biết, việc trồng sâm Lai Châu đòi hỏi đầu tư rất lớn, bên cạnh đó trồng sâm Lai Châu đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vì phải ở độ cao từ 800m trở lên (so với mực nước biển) sâm Lai Châu mới phù hợp để phát triển; để mở rộng quy mô và diện tích nhà đầu tư cần có phương án, lộ trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống để người dân địa phương có thể tham gia trồng sâm Lai Châu; hiện tại chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật trồng cây sâm Lai Châu cho bà con trong vùng; nếu trồng theo phương pháp truyền thống của bà con tỷ lệ sống chỉ khoảng 30%, nhưng nếu áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tỷ lệ sống lên tới 80%.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu; trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu, nguồn giống và triển khai dự án xây nhà máy chế biến trên địa bàn sẽ tạo công ăn, việc làm cho bà con địa phương, giúp bà con tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống", ông Tuấn nhấn mạnh.
Được biết, trên địa bàn huyện Mường Tè có 9 doanh nghiệp đang khảo sát và xin chủ trương đầu tư trồng sâm Lai Châu, hiện có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 30 hộ nông dân đang liên kết trồng cây dược liệu, trong đó diện tích sâm Lai Châu đã phát triển được trên 5,6ha ở các xã như Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ và Pa Ủ.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư thường trực huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Sâm Lai Châu trồng sau 5 năm là có thể bán, mục tiêu hướng đến là sản xuất sản phẩm hàng hóa được chế biến sâu có giá trị kinh tế cao tiêu thụ tại các thị trường trong nước cũng như các thị trường tiềm năng ở nước ngoài.
Cây sâm Lai Châu hứa hẹn sẽ trở thành một trong những cây nông nghiệp chủ lực của huyện Mường Tè, nhờ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân và xây dựng mảnh đất biên giới Mường Tè giàu mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.