Trồng bạt ngàn cây rừng, 3 năm nữa tỉnh Thái Nguyên dự tính thu về hơn 2.400 tỷ đồng

Hà Thanh – Trần Trang Chủ nhật, ngày 20/02/2022 05:22 AM (GMT+7)
Từ trồng rừng, sản xuất gỗ bóc và ván ép, nhiều hộ gia đình ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên không chỉ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giúp nhiều lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Trồng rừng, sản xuất gỗ bóc, ván ép tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi

Nhờ tận dụng và phát huy lợi thế từ trồng rừng, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã mở xưởng sản xuất gỗ bóc, làm ván ép, điển hình như gia đình anh Trương Văn Phương ở xóm Đèo Khê, xã Tân Kim, hiện có tới 23ha diện tích đất trồng keo.

Anh Phương cho biết, gia đình anh bắt đầu trồng rừng từ năm 2015. Ngoài 3ha đất trồng rừng tại xã Tân Kim, anh còn mua thêm 20ha tại xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ và trồng keo trên toàn bộ diện tích đất đó.

Trồng rừng, làm gỗ bóc, nhiều hộ thoát nghèo - Ảnh 1.

Xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình ông Lê Văn Bằng (xóm Trại, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hà Thanh

Theo đúng quy trình, sau 7 năm, cây keo sẽ cho thu hoạch gỗ. Tuy nhiên do gia đình anh đang có xưởng bóc gỗ, làm ván ép nên anh thu hoạch sớm để lấy nguyên liệu. Anh Phương cho biết xưởng ép ván có diện tích 1.400m2, chi phí đầu tư ban đầu hơn 4 tỷ đồng, gồm cả xây dựng nhà xưởng mà mua máy móc thiết bị. Mỗi tháng nếu hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, xưởng ép được khoảng 300m3 gỗ, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Phương, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng tuy thấp hơn so với dịch vụ thương mại nhưng ít rủi ro, mang lại lợi nhuận lâu dài hơn. Đối với gia đình anh, nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ nên rất thuận lợi cho sản xuất, chế biến gỗ tại xưởng. Nếu hoạt động ổn định và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xưởng gỗ của anh cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng/tháng. Sản phẩm được sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách và xuất bán đi Bình Dương.

Tương tự, gia đình ông Lê Văn Bằng (xóm Trại, xã Tân Kim) cũng là một trong những hộ phát triển mô hình sản xuất gỗ bóc lớn ở địa phương. Trước đây, gia đình ông chăn nuôi và làm dịch vụ ấp nở trứng gia cầm. Từ năm 2021, gia đình ông đã quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất gỗ bóc.

Trồng rừng, làm gỗ bóc, nhiều hộ thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên phát dọn thực bì tại cánh rừng gỗ lớn mới trồng được 2 năm tại xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Lương Hạnh

Thái Nguyên đang nỗ lực đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lâm sản, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng… bằng một số giải pháp như hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển hóa rừng keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn, công khoán bảo vệ rừng…

Khác với gia đình anh Phương, ông Bằng chủ yếu thu mua gỗ từ các hộ gia đình trong xã Tân Kim và trên địa bàn huyện Phú Bình về để sản xuất.

Hiện gỗ được ông thu mua với giá 1.000 – 1.500 đồng/kg, tương đương 700.000 – 800.000 đồng/m3. 

Mỗi tháng, gia đình ông sản xuất được khoảng 500m3 gỗ bóc, tùy thời điểm và thời tiết. Sản phẩm được ông Bằng xuất bán đi một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, với giá 1,5 triệu đồng/m3; tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều bà con trên địa bàn với thu nhập từ 7- 8 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao chất lượng rừng trồng

Năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) từ 46% trở lên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh...

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua rừng sản xuất trên địa bànchủ yếu là trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, tuổi khai thác từ 5 - 7 năm. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, manh mún; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm chế biến thô là chính. 

Vì vậy, năng suất rừng trồng thấp, chưa được cấp chứng chỉ rừng trồng cũng như ít có sự tham gia của doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ.

Để hỗ trợ kinh tế rừng phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha. Giống chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai và một số giống sinh trưởng chậm như trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu...

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.437,5 tỷ đồng; trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng. 

Đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt 10.918,5 tỷ đồng; trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt hơn 7.168 tỷ đồng.

Giá trị sản phẩm gỗ lớn trên một chu kỳ sản xuất đối với cây sinh trưởng nhanh là 225 triệu đồng/ha/chu kỳ; đối với cây sinh trưởng chậm là 430 triệu đồng/ha/chu kỳ; giá trị sản phẩm gỗ nhỏ là 75 triệu đồng/ha/chu kỳ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem