Đảng mang hơi ấm tới trẻ em vùng cao
Về Tây Bắc, ngắm nét hồn nhiên trong trẻo của trẻ em nơi đây
Thứ năm, ngày 19/11/2020 15:08 PM (GMT+7)
Trường Tiểu học - THCS Long Hẹ đóng tại trung tâm xã Long Hẹ (Thuận Châu, Sơn La). Trong những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các em học sinh người dân tộc thiểu số đã được học tập trong môi trường giáo dục khang trang, hiện đại và an toàn.
Từ Thành phố Sơn La, vượt qua hơn 70 km đường rừng núi, chúng tôi đến với xã nghèo vùng cao Long Hẹ trong tiết trời thu se lạnh. Thật bất ngờ, một xã nghèo vùng cao đặc biệt khó khăn (vùng 3) như Long Hẹ lại có một ngôi trường khang trang, hiện đại và an toàn như vậy.
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi trường, Ông Nguyễn Hồng Hà (Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Long Hẹ) cho biết: "Nhà trường hiện có tổng số 29 lớp học (bậc tiểu học 19 lớp 530 em, THCS 10 lớp 388 em, đa số các em là người dân tộc Mông và Kháng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường hiện có 44 thầy cô, trong đó 70% thầy cô là người địa phương, 30% là thầy cô từ nơi khác chuyển đến. Trong những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giờ đây các em học sinh đều được học tập trong môi trường giáo dục khang trang, hiện đại và an toàn”.
Để khắc phục tình trạng nhà xa, khó khăn trong việc đi lại, nhà trường đã đầu tư xây dựng thêm chương trình học bán trú để phụ huynh yên tâm cho con em theo học xa nhà.
Đều đặn hàng ngày các em học sinh sẽ được thầy cô và nhân viên nhà trường chuẩn bị 3 bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với khoảng hơn 900 suất cơm/bữa.
Có một thực tế là tình trạng “khát” nước sạch sinh hoạt tại các xã nghèo vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại xã Long Hẹ những năm qua rất thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, các em học sinh đều được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng mô hình nấu ăn bán trú gắn các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; lồng ghép các nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương... vừa để các em yên tâm học tập, vừa hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
Theo tìm hiểu, dù học xa nhà và mỗi tuần các em chỉ gặp bố mẹ 1 lần nhưng nhờ các hoạt động giáo dục, vui chơi, giải trí hấp dẫn ngoài giờ lên lớp, các em đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái và quen dần với cuộc sống xa nhà.
Em Thào Nhìa Mẩy (Bản Chà Mạy) hồ hởi nói: "Nhà em ở cách trường hơn 20km, một tuần em chỉ được gặp bố mẹ một lần vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhớ bố mẹ lắm nhưng hàng ngày tham gia các hoạt động vui chơi cùng các bạn và thầy cô, lâu dần cũng quen với cuộc sống xa nhà".
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các thiết bị, đồ dùng, công nghệ trong giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh; duy trì các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", "Xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực", mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo, ông Nguyễn Hồng Hà (Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Long Hẹ) thông tin thêm.
Có thể thấy, nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các em học sinh người dân tộc thiểu số tại xã nghèo vùng cao Long Hẹ đã được học tập trong môi trường giáo dục khang trang, hiện đại và an toàn. Để rồi mai này, ước mơ vươn lên, thoát khỏi đói nghèo tại mái ấm Long Hẹ sẽ trở thành hiện thực.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.