Khi tiếng ve bắt đầu gọi hè cũng là lúc truyền thông khắp cả nước lên tiếng cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ.
Mới đây nhất, ngày 6.6, trên địa bàn hai xã Phú Dương và Vĩnh Thái (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, làm 5 trẻ em bị chết. Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 6.6, tại bến nước xóm 8 sông Phổ Lợi, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, 5 trẻ gồm 2 chị em ruột 9 và 10 tuổi cùng 3 trẻ khác 7 tuổi, 8 tuổi và 12 tuổi.
Trong lúc vui đùa trước bến nước xóm 8, cả 5 cháu sẩy chân xuống vùng nước sâu. Tuy nhiên, do không biết có nhiều đứa trẻ gặp nạn nên người cứu chỉ cứu được 2 em, 3 đứa trẻ còn lại bị chết đuối. Cũng trong cùng ngày, tại phá Tam Giang, thuộc xã Vinh Phú (huyện Phú Vang), người dân địa phương cũng phát hiện 2 trẻ bị chết đuối. Nạn nhân 11 và 12 tuổi cùng trú tại xã Vinh Thái, huyện Phú Vang.
Trước đó không lâu, chỉ trong 2 ngày 15 và 16.4, liên tiếp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 12 học sinh tử vong do đuối nước. Cụ thể, ngày 15.4, 9 học sinh lớp 6 của trường THCS xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi chết tức tưởi sau vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên sông Trà Khúc khiến cho cả xã hội bàng hoàng, đau xót. Con sông Trà Khúc hiền hòa từ bao đời nay bỗng trở nên hung dữ khi nhấn chìm 9 sinh mạng chỉ trong cùng một giờ.
Tang thương chưa dừng lại, chỉ một ngày sau đó (ngày 16.4), 2 cháu nhỏ 2 tuổi và 4 tuổi tử vong tại hố nước của công trình đang thi công và một học sinh lớp 12 bị chết đuối khi tắm suối cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh này.
Còn gì đau lòng hơn khi mỗi ngày đều thấy những cụm từ “đau thương nơi xóm nghèo”, “tang tóc ở vùng quê nghèo”… khi truyền thông đưa tin về những vụ chết đuối. Nhưng rồi, người ta cũng chỉ click chuột một cái vào tiêu đề của bài báo và cũng quên đi ngay sau đó bởi câu chuyện đuối nước ở học sinh nó không còn là hy hữu. Nó xảy ra như cơm bữa, hôm nay chỗ này một, hai em chết đuối, ngày mai chỗ kia bốn, năm và cả chín, mười... Vì sao vậy?
Đau thương và tang tóc, nhưng cũng đã đến lúc nên nhìn thẳng vào thực tế: Vì trẻ em Việt Nam thiếu quá nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn (ở đây là bơi lội). Dù là đứa trẻ sinh ra ở đâu, nông thôn hay thành thị thì những kỹ năng cơ bản nhất để tự cứu mình đều bằng không. Lý do cực kỳ đơn giản: Ở nhà cha mẹ không dạy, đến trường thầy cô cũng không và xã hội cũng chỉ… hô hào “hãy dạy bơi cho trẻ”.
Một thực tế hiện nay là ở các trường học, việc dạy bơi cho học sinh còn rất hạn chế. Trong khi đó, phụ huynh học sinh thì chưa thực sự quan tâm việc dạy bơi cho con mình. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1408/TT về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó lưu ý đến việc phòng chống đuối nước bằng việc tăng cường hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Thế nhưng, các địa phương, các hội, đoàn thể có thực sự quan tâm thực hiện?
Mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra công bố về tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chỉ đứng sau tử vong do tai nạn giao thông. Con số này nếu so với các nước phát triển thì cao gấp 8 đến 10 lần.
Trớ trêu thay, chúng ta vẫn tự hào là có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng con số tử vong vì đuối nước hàng năm lại lên tới khoảng 3.000 trẻ (con số của Bộ LĐTB&XH).
Ở đây, chúng ta đừng đổ lỗi cho ai cả, vì tất cả chúng ta đều có lỗi, nhưng ở góc độ bậc làm cha, làm mẹ thì phụ huynh chúng ta có lỗi nhiều nhất bởi chúng ta đã không dạy cho con em mình kỹ năng tồn tại khi lỡ xảy ra tai họa. Và hơn hết là thiếu quan tâm, giữ trẻ bên mình.
Yamato Tanooka- cậu bé bị lạc trong rừng khi xuất viện trở về nhà.
Vài ngày trước, báo chí cho biết câu bé Yamato Tanooka (7 tuổi) bị bố mẹ bỏ lại trong một khu rừng có gấu hoang dã sinh sống ở Hokkaido, miền bắc Nhật Bản hôm 28.5. Sáu ngày sau, đội tìm kiếm phát hiện cậu bé ở một doanh trại quân đội bỏ hoang cách đó 5,5 km. Khi đội cứu hộ tìm thấy, Yamato Tanooka chỉ mặc một chiếc quần bò và áo phông, Yamato giữ ấm bằng cách chui vào ngủ giữa hai tấm đệm trong doanh trại bỏ hoang.
Suốt 6 ngày, cậu bé 7 tuổi không có thức ăn, sống nhờ uống nước.
Cậu bé cho biết, khi bị bỏ lại, cậu đã đi bộ khoảng 5 giờ trong bóng tối xuyên khu rừng tới trú ẩn trong doanh trại quân đội bỏ hoang. Trong suốt thời gian mất tích, Yamato không gặp người nào, nhưng luôn tin tưởng bố mẹ đang đi tìm mình.
Nhiều người cho rằng, bé đã được giáo dục tốt, được học kỹ năng sinh tồn nên mới sống sót. Còn nếu đứa trẻ Việt Nam mà gặp hoàn cảnh như thế này, chắc chỉ sống sót được… 1 ngày.
Có lẽ, đã đến lúc thay vì dạy trẻ em những điều to tát nhưng thiếu thiết thực, kỹ năng sinh tồn nên là một môn học bắt buộc với tất cả trẻ em Việt và câu chuyện về cậu bé Yamato Tanooka là một bài học sống động về điều đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.