Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chương trình phát triển kinh tế của Quốc hội;… luôn xác định và nhận thấy cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn thị trường bất động sản để thị trường bất động sản thoát khỏi những khó khăn, trầm lắng hiện nay.
Ông Tú cho biết, hiện có rất nhiều cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, rất nhiều hội nghị và rất nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhiều chỉ đạo rất quyết liệt để làm sao hỗ trợ cho thị trường bất động sản ổn định, phát triển. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đi khảo sát, đánh giá, nắm bắt khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Về hoạt động ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy thị trường tiền tệ, đẩy mạnh mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản.
"Tôi phải nói, ngành ngân hàng rất quan tâm và đặc biệt quan tâm, bởi lẽ thị trường bất động sản nói chung có cái quan hệ chặt chẽ, gắn bó, hay đúng hơn là luôn luôn đồng hành cùng với tín dụng ngân hàng", ông Tú nói.
Ông cho biết, tổng dư nợ tín dụng cho bất động sản hiện nay sẽ là 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% trong tổng dư nợ của nền kinh tế. Ông Tú đánh giá, tín dụng này rất lớn, thể hiện thị trường bất động sản luôn là vấn đề ngành ngân hàng quan tâm và cũng rất mong muốn thị trường này được ổn định, sớm ổn định và phát triển.
Trong nhiều biện pháp, nhiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hoạt động tiền tệ, liên quan đến lãi suất, liên quan đến tỷ giá, liên quan đến khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và hạn mức tín dụng;… Phó Thống đốc nhấn mạnh, đều dành thỏa đáng cho lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, kể cả những cơ chế tháo gỡ như giãn, hoãn nợ cho những cái khoản nợ, khoản lãi đến hạn nhưng doanh nghiệp chưa trả được, cũng tháo gỡ rất nhiều.
Ngân hàng Nhà nước thông qua lãi suất điều hành để định hướng tác động về chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong suốt những năm trước đây và đặc biệt năm 2023 cũng là giải pháp tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho lĩnh vực bất động sản.
Thực tế, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng với nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bất động sản phát triển. Minh chứng thêm, ông Tú nói, trong năm 2023 dư nợ nền kinh tế tăng 13,71%, trong đó thị trường bất động sản dù rất trầm lắng và khó khăn nhưng tín dụng vẫn tăng được 12,1%. Đây là một sự rất cố gắng, theo ông Tú.
Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Riêng đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc thông tin, hiện nay 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, BIDV và VietinBank) tham gia với 30.000 tỷ đồng/ngân hàng. Gần đây, TPBank có tham gia đăng ký một gói 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng gói này có quy mô 125.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5 - 2 %, tùy đối tượng tham gia. Giảm 1,5% áp dụng cho nhà đầu tư kinh doanh và 2% dành cho người mua nhà. Như vậy, thì ngay đầu xây dựng đã được giảm 1,5 % và đầu mua nhà được giảm 2%, tổng thể giảm 3,5%.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc triển khai cho vay gói 120.000 tỷ đồng này vẫn còn gặp những vướng mắc cần tháo gỡ. Do đó, qua hội nghị này, Phó Thống đốc mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Ông cũng lưu ý, không giải ngân gấp, giải ngân nhanh cho hết gói 120.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm. Tuy nhiên, nhu cầu vốn cho lĩnh vực này thực sự cần thiết, đủ điều kiện phải được giải ngân, phải được hỗ trợ ngay.
Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, tại phiên họp ngày 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.