Ba bảo vật quốc gia là hiện vật cổ độc bản, họa tiết tinh xảo ở vùng đất Thái Bình

Thứ tư, ngày 30/10/2024 05:22 AM (GMT+7)
Ngoài giá trị độc bản, những bảo vật quốc gia ở tỉnh Thái Bình còn được đánh giá cao về nghệ thuật chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh xảo. Đó là ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng; hương án chùa Keo; hai cánh cửa chạm rồng.
Bình luận 0

Ngoài giá trị độc bản, những bảo vật quốc gia ở Thái Bình còn được đánh giá cao về nghệ thuật chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh xảo.

img

1. Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng

Bảo vật quốc gia ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng được sưu tầm tại miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vào trước năm 1999.

img

Ngai thờ có niên đại từ thế kỷ 17, kích thước lớn, hình dáng cân đối, hài hòa, gồm 4 phần chính: tay ngai, thân ngai, bệ ngai và phần đế ngai.

img

Tổng thể ngai thờ được tạo tác bởi 156 hình tượng rồng. Bên cạnh hình ảnh rồng được chạm khắc tinh tế, ngai thờ còn mang nhiều chủ đề phong phú khác như: hoa lá, đao mác, linh thú. Cụ thể là 299 hoa sen cách điệu; 33 bông hoa cúc; 60 bông hoa chanh; 65 dây lá, hoa trúc, linh thú, vân mây lửa, ngọc báu... với tổng cộng 631 họa tiết trang trí trên ngai thờ.

img

Đầu tay ngai chạm rồng trong tư thế cuộn, quay đầu chầu bài vị đặt trên ngai. Năm 2020, ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (niên đại thế kỷ 17, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thái Bình) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bà Bùi Thị Thanh Mai - Cán bộ Phòng nghiệp vụ Bảo tàng Thái Bình cho biết, hiện tại cỗ ngai được trưng bày ở vị trí trung tâm, trang trọng tại bảo tàng.

img

2. Hương án chùa Keo

Bảo vật quốc gia Hương án chùa Keo là hiện vật gốc độc bản, hiện được lưu giữ tại chùa Keo ở xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Hương án được tạo tác thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021.

img

Hương án hình hộp chữ nhật dạng chân quỳ, dạ cá, kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân. Đặc biệt, do kích thước của hương án lớn và nặng nên dưới phần chân còn được lắp dàn thanh ngang, trục dọc dạng khóa mộng với 4 bánh xe bằng đá, để khi cần có thể đẩy di chuyển.

img

Hình tượng rồng trên hương án có 68 đồ án được bố cục theo những đề tài long ẩn vân, lưỡng long chầu nhật, long giáng cùng với khoảng 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu…

img

3. Hai cánh cửa chạm rồng

Ngoài bảo vật quốc gia Hương án, tại chùa Keo còn có hai cánh cửa chạm rồng (niên đại thế kỷ XVII), đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo hai bộ cánh cửa gỗ này được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Còn bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày trang trọng ngay tòa chính giữa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

img

Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Trên cánh cửa chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa.

Lương Hà (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem