Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từng là Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) từ cuối 2007 đến đầu 2012, trong đó có 2 năm 2008 & 2009 là Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, đến giờ Đại sứ Bùi Thế Giang vẫn giữ thói quen theo dõi lịch làm việc hàng ngày của HĐBA LHQ. Với nhiều người, những sự kiện Việt Nam tham gia chỉ là một dòng tin, nhưng Đại sứ Bùi Thế Giang phân tích với cái nhìn của người trong cuộc.
Tham gia xử lý quan hệ giữa các nước lớn
Nhìn lại 2 năm qua, Đại sứ nhận xét Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực và 2 tháng là Chủ tịch HĐBA như thế nào?
- Hai năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn mà tiêu biểu là cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt chưa từng có, phản ánh ngay trong HĐBA. Hầu như mọi vấn đề đưa ra đều có va chạm quan điểm và lợi ích giữa các nước lớn. Việt Nam tham gia HĐBA trong bối cảnh chung như vậy, cũng như các quốc gia thành viên khác, và phải xử lý những mối quan hệ đó.
Việt Nam có 2 tháng làm Chủ tịch HĐBA: Ngay tháng 1/2020 vừa nhậm chức là làm Chủ tịch luôn, và tháng 4/2021. Không phải nước nào cũng có điều kiện 2 lần làm Chủ tịch trong một nhiệm kỳ 2 năm như vậy. Với kinh nghiệm đã có từ lần đầu tham gia HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng, từ nội dung hoạt động hàng ngày, bố trí nhân sự, tới phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước…
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động suy nghĩ về việc có thể đề xuất sáng kiến gì để vừa thể hiện vị thế và tầm nhìn của mình, vừa có tính chiến lược, tính phổ quát và tính thời sự mới được HĐBA chấp nhận. Có thể nói Việt Nam đã làm rất tốt, thể hiện ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, tháng 1/2020 khi làm Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức rất thành công phiên thảo luận mở cấp cao về "Tuân thủ Hiến chương LHQ, bảo vệ hoà bình và an ninh".
Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn rất phức tạp, nguy cơ xung đột cao, chủ nghĩa đa phương và LHQ đứng trước nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, đề cao những giá trị cốt lõi của Hiến chương LHQ và tăng cường hợp tác đa phương, Việt Nam đã nêu đúng vấn đề quốc tế cần: Việc bảo vệ hoà bình và an ninh rất quan trọng, phải đi cùng với việc đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt Hiến chương LHQ.
Chỉ trong 1 phiên thảo luận mở này đã có tới 111 bài phát biểu. Đây là phiên thảo luận mở có số lượng phát biểu nhiều tới mức kỷ lục của HĐBA LHQ. Cũng trong tháng này, lần đầu tiên trong 76 năm kể từ khi LHQ ra đời, HĐBA thông qua một Tuyên bố riêng về Hiến chương LHQ. Và cũng lần đầu tiên, HĐBA họp bàn về nội dung hợp tác giữa HĐBA với tổ chức khu vực ASEAN.
Tổng hợp lại, tháng đầu tiên Việt Nam làm Chủ tịch trong nhiệm kỳ 2 năm vừa qua là tháng mà số lượng quyết định của HĐBA nhiều nhất trong 1 tháng làm việc: 13 quyết định, trong số đó có 4 nghị quyết, 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ gìn giữ hoà bình, 1 tuyên bố của Chủ tịch HĐBA, 5 tuyên bố báo chí, 2 bản tin báo chí.
Việt Nam đã chủ động suy nghĩ về việc có thể đề xuất sáng kiến gì để vừa thể hiện vị thế và tầm nhìn của mình, vừa có tính chiến lược, tính phổ quát và tính thời sự mới được HĐBA chấp nhận. Có thể nói Việt Nam đã làm rất tốt.
(Đại sứ Bùi Thế Giang)
Trong tháng thứ hai làm Chủ tịch, Việt Nam cũng điều hành nhiều hoạt động chính thức của HĐBA và chủ trì để HĐBA thông qua nhiều văn bản quan trọng: 12 quyết định, trong đó có 4 nghị quyết, 2 tuyên bố của Chủ tịch HĐBA, 5 tuyên bố báo chí, 1 bản tin báo chí.
Đặc biệt liên quan đến 7 ưu tiên của Việt Nam khi tranh cử, trong đó có nội dung hợp tác của HĐBA LHQ với các tổ chức khu vực, ngày 19/4/2021 Việt Nam đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp cao về "Tăng cường hợp tác giữa LHQ và tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột". Phiên thảo luận mở này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, và Chủ tịch nước đã chủ trì Phiên thảo luận.
Tháng thứ hai Việt Nam làm Chủ tích HĐBA còn chứng kiến 2 phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng rất quan trọng do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì: Ngày 8/4/2021 là phiên thảo luận về "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn", và ngày 27/4/2021 về "Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang".
Như tôi vừa nêu ở trên, khi nói đến cạnh tranh nước lớn trong HĐBA, các thành viên thường rơi vào tình thế bị kẹt ở giữa. Và trong 2 tháng làm Chủ tịch HĐBA, ta cũng đã phải xử lý, và xử lý có hiệu quả việc này.
Một ví dụ cụ thể là khi Việt Nam chủ trì phiên thảo luận về "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững". Với những quốc gia bước ra khỏi chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn mới nhìn có vẻ rất bình thường vì là một phần đương nhiên trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Năm 2019, hai quốc gia là thành viên không thường trực của HĐBA khi đó là Bỉ và Hà Lan đã từng đề xuất HĐBA thảo luận về chủ đề giải quyết tình trạng bom mìn, nhưng không tổ chức được do bị Mỹ phản đối.
Vậy nhưng khi chúng ta đề xuất chủ đề này, tất nhiên chúng ta rất hiểu tính nhạy cảm của vấn đề đối với Mỹ. Chúng ta đã vận động và thuyết phục được Mỹ không phản đối đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của HĐBA. Và nỗ lực của ta không chỉ được thực hiện ở cấp Nhà nước.
Những người Việt Nam làm công tác giải quyết hậu quả chiến tranh nói chung và hậu quả của bom mìn nói chung đều biết cựu chiến binh người Mỹ Chuck Searcy, từng trong quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, sau trở thành người phản chiến, tham gia Quỹ Cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVAF), từng làm Trưởng Đại diện VVAF tại Việt Nam.
Sau khi tổ chức này kết thúc hoạt dộng tại Việt Nam, Chuck Searcy thành lập dự án RENEW tại Quảng Trị là địa phương nằm dọc khu phi quân sự và là nơi chịu sự tàn phá khốc liệt nhất của bom mìn, hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương về bom mìn, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cụ thể, xây dựng các đội rà phá bom mìn, trong đó có cả nhóm rà phá bom mìn mà 100% thành viên là nữ, hoạt động rất hiệu quả, góp phần rất tích cực vào một kết quả hết sức có ý nghĩa là trong 3 năm vừa rồi tại Quảng Trị không có người dân nào chết do bom mìn.
Trước Phiên thảo luận mở ngày 08/4/2021, Chuck Searcy là người gửi tài liệu để cung cấp cho các nước HĐBA về vấn đề hậu quả bom mìn ở Việt Nam. Như vậy, nỗ lực của chúng ta là tổng lực thật sự. Chính quyền Mỹ không phản đối nội dung thảo luận. Cựu chiến binh Mỹ cung cấp thêm thông tin cho thảo luận.
Đó là những điều góp phần làm nên thành công lớn của chúng ta trong tháng thứ hai làm Chủ tịch HĐBA. Trong bối cảnh quan hệ nước lớn phức tạp và va chạm lợi ích nước lớn nhiều, rồi tác động của những va chạm đó tới các nước khác và tới nước ta, thì ý nghĩa của những gì chúng ta làm được thực sự lớn hơn nhiều lần những gì mới được thể hiện qua vài con số.
Năm 2019, Bỉ và Hà Lan đã từng đề xuất HĐBA thảo luận về chủ đề giải quyết tình trạng bom mìn, nhưng bị Mỹ phản đối. Khi Việt Nam đề xuất chủ đề này, tất nhiên chúng ta rất hiểu tính nhạy cảm của vấn đề đối với Mỹ. Chúng ta đã vận động và thuyết phục được Mỹ không phản đối đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của HĐBA.
(Đại sứ Bùi Thế Giang)
Những sáng kiến có lợi cho đất nước
Thứ ba, trong các dấu ấn để lại thì rất đặc biệt là nghị quyết của HĐBA. Nhiệm kỳ 2008-2009, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa nước ta với LHQ, tháng 10/2009, Việt Nam đề xuất, xây dựng, chủ trì thương lượng và được HĐBA nhất trí 100% thông qua Nghị quyết 1889 về phụ nữ, hoà bình và an ninh.
Hãy nhớ rằng Việt Nam gia nhập LHQ từ năm 1977, đến 2007 là tròn 30 năm, nhưng vẫn chưa đề xuất được bất kỳ nghị quyết nào được HĐBA và LHQ thông qua. Đây là lần đầu tiên.
Đến tháng 4/2021, ta tiếp tục đề xuất, soạn thảo, chủ trì thương lượng và được HĐBA thông qua Nghị quyết 2537 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống người dân, với 15/15 thành viên tán thành.
Xin nói thêm rằng Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) cho tới nay đã thông qua hàng nghìn nghị quyết, nhưng khác với các nghị quyết của HĐBA LHQ, các nghị quyết của ĐHĐ LHQ đều chỉ có ý nghĩa chính trị, không ràng buộc pháp lý, không có chế tài với quốc gia vi phạm. Và đây là điều làm cho ý nghĩa của một nghị quyết của HĐBA khác nghị quyết của ĐHĐ như thế nào. Nghị quyết HĐBA có giá trị ràng buộc pháp lý; có chế tài đối với những quốc gia vi phạm.
Trường hợp Cuba là một ví dụ tiêu biểu. Từ khi ĐHĐ LHQ lần đầu tiên đưa ra nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ bao vây cấm vận Cuba năm 1992, cho đến bây giờ là 29 năm (trừ năm 2020, do Covid-19), lần nào ĐHĐ cũng thông qua nghị quyết này với phiếu rất cao.
Năm 2021 này, nghị quyết về vấn đề này được thông qua với 184 phiếu thuận/193 thành viên. Chỉ có 2 nước bỏ phiếu chống là Mỹ và Israel, có 3 phiếu trắng, 4 nước không tham gia bỏ phiếu. 184 phiếu là rất cao, nhưng chưa phải cao nhất.
Năm 2016 có 191/193 phiếu thuận, chỉ 1 phiếu chống là Israel, Mỹ bỏ phiếu trắng, vì Tổng thống Obama lúc đó chủ trương bình thường hoá quan hệ với Cuba. Suốt 29 năm liền, 29 bản nghị quyết được Đại hội đồng thông qua với số phiếu thuận cao như vậy, nhưng Mỹ không thực hiện và LHQ cũng không làm được gì.
Vì vậy, việc nước ta sau 2 nhiệm kỳ tham gia HĐBA LHQ đề xuất 2 nghị quyết và đều được HĐBA thông qua 100% thực sự là 2 dấu mốc rất có ý nghĩa. Hơn nữa, hàng năm theo quy định, các nghị quyết phải được kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện. Và đó lại là thêm một lí do nữa để dấu ấn Việt Nam được nhớ tới.
Thứ tư, có 3 việc chúng ta đã làm trong 2 năm qua, dẫu không trực tiếp thuộc chương trình nghị sự của HĐBA nhưng tôi vẫn muốn nêu ở đây, vì tôi nghĩ đó là những việc có nhiều liên quan qua lại với nội dung làm việc của HĐBA trong bối cảnh HĐBA hiện nay có trách nhiệm và thẩm quyền xử lý không chỉ các vấn đề hòa bình và an ninh truyền thống mà ngày càng mở rộng nghị trình về các vấn đề phi truyền thống, và vì thế đó có thể coi là những bước đệm chuẩn bị cho nghị trình của HĐBA. Đó là 3 việc đáng nhớ mà ta đã làm trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ.
Việc thứ nhất là, ngày 07/12/2020 Việt Nam lần đầu đầu tiên chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để ĐHĐ LHQ thông qua Nghị quyết số A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế Sẵn sàng chống dịch bệnh. 27/12 là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur.
Khi chúng ta đề xuất vấn đề này, có 5 nước tham gia đồng tác giả với ta và 107 nước khác tham gia đồng bảo trợ. Khi bỏ phiếu, nghị quyết được tất cả các nước thành viên LHQ tán thành.
Việc thứ hai là Việt Nam cùng Đức đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia trở thành thành viên sáng lập của Nhóm này và Việt Nam là nước điều phối. Tại LHQ hiện nay có khoảng 90 Nhóm Bạn bè (Group of Friends) về các lĩnh vực khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên có Nhóm Bạn bè về UNCLOS. Đó là nỗ lực rất lớn và rất tích cực của ta.
Ngày 30/6/2021 Nhóm này đã ra mắt tại New York và có hơn 100 quốc gia thành viên LHQ tham gia, thể hiện sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, sức hấp dẫn của tên gọi và nội dung vấn đề, cũng như vị thế và vai trò của Việt Nam. Nay với việc Việt Nam là nước điều phối, thì làm sao duy trì cho Nhóm hoạt động đều đặn và có hiệu quả sẽ là điều rất quan trọng, đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa của chúng ta.
Việc thứ ba là Việt Nam có Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục được tái bầu cử tham gia Uỷ ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2. Việc bầu cử có tính cạnh tranh rất cao. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 8 vị trí với 11 ứng viên, trong đó có những ứng viên lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và những ứng viên có nhiều lợi thế như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka. Cuối cùng Đại sứ Thao tái đắc cử với số phiếu cao thứ 4 trong khu vực, với 145/193 phiếu, sau Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản.
Kết quả này phản ánh sự vận động hiệu quả, nhưng quan trọng là thế và lực, uy tín của đất nước ta cũng như năng lực toàn diện của Đại sứ Thao đã được chứng minh. Sự có mặt của đại diện Việt Nam tại cơ chế này là cơ sở rất quan trọng để vấn đề Biển Đông được quốc tế quan tâm, trao đổi và lợi ích của Việt Nam được bảo vệ.
Những quan sát của Đại sứ Bùi Thế Giang là của một chuyên gia kỳ cựu với hàng chục năm làm về đối ngoại. Ông từng trực tiếp tham gia cả 3 mảng: đối ngoại Đảng (trừ mấy năm đi bộ đội trực tiếp chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, trong gần như toàn bộ sự nghiệp của mình, ông công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương), ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Nhiều nước vận động mạnh nhưng chưa được tham gia HĐBA
Đại sứ có thể nhận xét năng lực tham gia, năng lực lãnh đạo của ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành hơn như thế nào qua 2 lần là Uỷ viên không thường trực HĐBA?
- Khó có thể đo đếm được bằng cách lượng hóa, bằng các con số cụ thể, nhưng uy tín, vị thế Việt Nam, việc Việt Nam được bầu lại đã tự chúng phản ánh rất rõ. Có lẽ trên thế giới này, nước nào cũng mong muốn tham gia HĐBA. LHQ có 193 thành viên, nhưng sau 76 năm tồn tại của tổ chức này vẫn có hơn 60 nước chưa bao giờ được ngồi vào ghế UVKTT. Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 54 nước thì mới 25 nước tham gia HĐBA.
Việt Nam năm 2008 mới tham gia lần đầu mà tới nay đã được 2 lần. Chỉ riêng việc đó và việc được bầu nhiệm kỳ 2 với số phiếu gần tuyệt đối đã chứng tỏ nhiều chuyện: Uy tín; hiệu quả làm việc; sự độc lập, tự chủ; thái độ hợp tác vô tư; tinh thần đấu tranh thẳng thắn, xây dựng; năng lực điều hòa quan hệ; vai trò trong việc theo dõi, đề xuất, dẫn dắt thảo luận...
Ở đây, xử lý quan hệ với 5 ủy viên thường trực HĐBA là những quốc gia có quyền phủ quyết luôn là một thách đố với bất kỳ quốc gia ủy viên không thường trực nào.
Nói vậy bởi lẽ bản thân lá phiếu phủ quyết của 5 quốc gia thành viên thường trực (P5) đặt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đã khiến HĐBA không dễ làm việc. Hầu như mọi vấn đề được đặt lên bàn của HĐBA đều liên quan lợi ích nước lớn - vênh nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Ngày 13/5/2019, đi thăm New Zealand khi đang trong nhiệm kỳ 1, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã trả lời phỏng vấn truyền hình quốc gia New Zealand.
Trả lời đề nghị đánh giá về quyền phủ quyết của 5 nước thường trực HĐBA, ông Guterres trả lời: "Trong thực tế, những lá phiếu phủ quyết đã làm tê liệt nhiều quyết định khả dĩ mà HĐBA có thể đưa ra trong những cuộc khủng hoảng rất kịch tính mà chúng ta đang thấy trên khắp thế giới".
LHQ có 193 thành viên, nhưng sau 76 năm tồn tại của tổ chức này vẫn có hơn 60 nước chưa bao giờ được ngồi vào ghế UVKTT. Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 54 nước thì mới 25 nước tham gia HĐBA. Việt Nam năm 2008 mới tham gia lần đầu mà tới nay đã được 2 lần.
(Đại sứ Bùi Thế Giang)
Vênh nhau nhiều và thường xuyên như vậy, nhưng 5 nước đó lại rất nhất trí trong việc chưa bổ sung thêm thành viên vào ghế thường trực trong lúc họ dược giữ nguyên quyền phủ quyết. Cải tổ LHQ nói chung và HĐBA nói riêng là vấn đề lớn, đụng tới rất nhiều khía cạnh, không dễ và cần có thời gian.
Khi được hỏi ông có muốn bỏ quyền phủ quyết đó không, Tổng Thư ký Guterres đáp: "Tôi muốn có một thế giới lý tưởng trong đó HĐBA có thể hành động mà không cần phiếu phủ quyết và có một sự đại diện hoàn hảo của tất cả các nước trên thế giới. Nhưng tôi biết điều đó chưa hề tồn tại và sẽ không tồn tại trong tương lai gần".
Trong bối cảnh như vậy, có thể nói trong 2 nhiệm kỳ tham gia HĐBA LHQ, ta đã làm tốt không chỉ trong những vấn đề liên quan sát sườn đến chúng ta, mà còn trong cả những vấn đề toàn cầu, vì vậy được quốc tế ủng hộ.
Nhìn lại lịch sử một chút, xin Đại sứ cho biết dựa trên những cơ sở như thế nào mà Việt Nam quyết tâm tham gia ứng cử UVKTT nhiệm kỳ đầu tiên?
- Việc tham gia HĐBA là kết quả tổng hợp của nhiều vấn đề. 30 năm ta tham gia LHQ là quá trình đi qua nhiều thời điểm lịch sử: Năm 1977 ta vào LHQ khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh chưa lâu, đất nước rất nhiều khó khăn; năm 1986 Đảng phát động công cuộc Đổi mới khi - như Đại hội Đảng VI tổ chức tháng 12/1986 nhận xét - đất nước ta khủng hoảng toàn diện trong nước, còn môi trường quốc tế thì rất bất lợi cho chúng ta;
Tới 2007, sau 21 năm Đối mới quyết liệt, toàn diện, xác định đúng lúc thế và lực của chúng ta có thể cho phép chúng ta thực hiện nghĩa vụ và quyền của một thành viên HĐBA, nghĩa là tròn 30 năm sau khi tham gia LHQ, ta mới bắt đầu chính thức vận động vào HĐBA. Đó là một quyết định lớn, thử sức mình và cũng để cho thế giới biết ta đang ở đâu, lực ta đang như thế nào.
Như tôi đã nói, trong tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ, số quốc gia chưa từng tham gia HĐBA còn khá nhiều. Nhiều nước mạnh hơn ta về kinh tế, giàu hơn ta về tài chính, hiện đại hơn ta về an ninh-quốc phòng nhưng những năm gần đây vận động chưa thành công trong việc trở lại HĐBA.
Chỉ trong hơn 4 năm làm việc tại Phái đoàn ta tại LHQ ở New York, cá nhân tôi đã chứng kiến không ít nước rất chịu khó quan hệ, gặp gỡ, tiệc tùng để vận động, nhưng tới khi bỏ phiếu vẫn thất cử.
Ngay trong kỳ bầu cử vào HĐBA năm ngoái, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới và tại Mỹ, có vị bộ trưởng ngoại giao của một nước đã phải đi ô tô đường bộ sang New York vận động tranh cử; cũng có nước Tây Âu chi ngân sách hàng triệu USD vận động, và họ đều là những nước không hề nghèo, không hề chậm phát triển, vậy mà đến khi bỏ phiếu vẫn không trúng cử. Điều đó cho thấy chúng ta không chỉ biết sức mình, chọn thời điểm đúng, mà còn có cách đi phù hợp, rất "Việt Nam".
Trong thời gian ông làm Phó Đại diện của Việt Nam tại HĐBA LHQ, ông có câu chuyện, ấn tượng nào có thể chia sẻ?
- Có nhiều chuyện đáng nhớ, nhưng tôi rất nhớ chuyện này: Đầu tháng 5/2008 Myanmar phải hứng chịu bão Nargis với sự tàn phá khủng khiếp. Đó là thời điểm lực lượng quân sự đang cầm quyền ở Myanmar, và quan hệ giữa Myanmar với cộng đồng quốc tế rất khó khăn. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khi đó đã triệu tập gấp một cuộc họp với đại diện các quốc gia thành viên ASEAN tại nhà riêng của ông.
Tham dự cuộc họp, tôi phát biểu rằng bão lớn gây thiệt hại nặng cho Myanmar là điều mà ASEAN và cả thế giới đều lo lắng, mong muốn chia sẻ khó khăn với Myanmar, nhưng nhìn một cách tích cực thì đây là cơ hội để quốc tế có sự can dự tích cực, chìa bàn tay hợp tác với Myanmar, và vì vậy nên LHQ nên tổ chức một hội nghị quốc tế khẩn cấp cứu trợ cho Myanmar; Việt Nam có thể đứng ra đăng cai hội nghị này; nếu các vị đồng ý, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ đô.
Tôi phải "thòng" đuôi "báo cáo Thủ đô" vì bản thân tôi rất hiểu quy trình, thủ tục xin tổ chức một hội nghị quốc tế ở Việt Nam là thế nào.
Quả nhiên, sau khi chúng tôi báo cáo về nhà, trong lúc ở nhà còn đang xem xét, thì do tính chất "khẩn cấp" của hội nghị, và đang có 2 nước khác là Thái Lan và Singapore cũng đăng ký, Thái Lan đã được chấp thuận đăng cai tổ chức. Tôi tiếc vì thế là chúng ta đã lỡ một cơ hội để tăng cường vị thế, uy tín ta với Myanmar, với ASEAN cũng như với cộng đồng quốc tế, và xét từ góc độ kinh tế, ta cũng lỡ một cơ hội cho ngành du lịch-văn hóa-chính trị của nước nhà.
Tôi nhớ rất rõ ngay trong lần đầu tiên tham gia HĐBA LHQ, chúng ta đã xây dựng cơ chế phân cấp về thẩm quyền quyết định khá rõ ràng, từ cấp "tác chiến" tới cấp lãnh đạo chính trị cao nhất. Tuy nhiên, câu chuyện về trận bão Nargis từ năm 2008 luôn làm tôi suy nghĩ về việc phân cấp này.
Đâu phải vô cớ mà các cụ ngày xưa có câu "tướng ngoài biên"! Chính vì thế, khi chúng ta vận động tham gia HĐBA lần 2, trong những cuộc họp mà tôi được tham dự, tôi có mạnh dạn kiến nghị tăng cường quyền tự chủ và quyền ra quyết định hơn nữa cho Phái đoàn ta ở New York. Và tôi rất mừng là suy nghĩ ấy của tôi trùng với cân nhắc và quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc 2 lần là thành viên HĐBA đem lại cho Việt Nam lợi ích gì, thưa Đại sứ?
- Trước hết, Việt Nam có vị thế, uy tín, tiếng nói, vai trò trong trao đổi, thảo luận, trong tham gia quyết định nhiều vấn đề của thế giới, nhất là những vấn đề liên quan đến chính mình.
Vị thế là điều không đong đếm được, là thứ vô hình. Nhưng trong thế giới hiện nay, giữa hữu và vô hình chỉ là gang tấc. Khi có vị thế cao, có vai trò quan trọng, thì việc ta trao đổi, thảo luận với các nước không chỉ thu hẹp trong khuôn khổ của việc bảo vệ hoà bình, an ninh thế giới, mà hoàn toàn có thể mở mang sang hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ… với tư cách bước đi tiếp theo trên nền bước đi đầu tiên.
Thứ hai, ngày nay HĐBA không chỉ xử lý những vấn đề hoà bình, an ninh truyền thống, mà cả những vấn đề phi truyền thống. Đơn giản nhất, nếu như trước đây, các phái bộ gìn giữ hòa bình – một trong 3 công cụ chính của HĐBA - được triển khai theo nghị quyết của HĐBA chỉ là để ngăn ngừa xung đột, thì nay họ còn thực thi rất nhiều nhiệm vụ hậu xung đột, thậm chí bao gồm cả tiến trình phục hồi hậu xung đột, rồi bầu cử… ở một số địa bàn.
Trách nhiệm của HĐBA ngày càng lớn, các thành viên HĐBA càng có vai trò. Đây chính là điều mở ra không gian rộng lớn mà Việt Nam hoàn toàn có thể có vai trò và lợi ích chính đáng, hợp pháp từ vị trí ủy viên không thường trực HĐBA. Khai thác tốt những điều này sẽ đem lại lợi ích về lâu dài, về mặt chiến lược, chứ không chỉ là những lợi ích trước mắt.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Mỹ Hằng thực hiện
Quá trình công tác của Đại sứ Bùi Thế Giang:
Từ 1994 – 2007: Vụ trưởng Vụ Quốc tế Nhân dân (nay là Vụ Đối ngoại Nhân dân), Ban Đối ngoại TƯ Đảng
- 2007 – 2012: Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, trong đó là Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ trong 2 năm 2008 – 2009
- 2012 - 2016: Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng
- Sau hàng chục năm trực tiếp tham gia rất nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tổ chức nhân dân Việt Nam, (trong đó có những hoạt động có thể được coi là góp phần mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
- Ông cùng với cố Giáo sư Võ Quý và bà Tôn Nữ Thị Ninh là 3 người Việt Nam đầu tiên tham gia với các đối tác Mỹ trong Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất độc Da cam/Dioxin), hiện nay ông là Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ và uỷ viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Canada.
- Ông còn là một phiên dịch và biên dịch tiếng Anh kỳ cựu suốt 40 năm qua; đã tham gia dịch cabin cho những khoá tập huấn đầu tiên do Việt Nam phối hợp với quốc tế tổ chức về hầu như mọi lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế thị trường – một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam – từ khi đất nước mới mở cửa giữa thập niên 1980.
- Ông cũng tham gia dịch cabin cho rất nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn ở trong và ngoài nước, trong đó có các hội nghị quốc tế lớn nhất nhân dịp kỷ niệm 90 năm và 100 năm sinh Bác Hồ...
Với tư cách phiên dịch, biên dịch và cán bộ chính trị đối ngoại, ông tham gia phục vụ nhiều Đại hội Đảng trong suốt 40 năm qua, bắt đầu từ Đại hội V (1982). Gần đây nhất, ông vẫn tiếp tục được giao chủ trì công tác biên dịch sang tiếng Anh các văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.