Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Xin chào Đại sứ, một mùa Xuân nữa lại về trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang căng thẳng. Với một nhà ngoại giao thì chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên Đại sứ đón giao thừa ở nước ngoài, mỗi dịp như vậy, tâm trạng của Đại sứ và cách đón Tết có gì đặc biệt?
- Trong không khí Tết đến, xuân về, bản thân tôi, gia đình tôi và các anh chị em trong ĐSQ và các cơ quan đại diện (CQĐD) thường rất bồi hồi, xao xuyến nỗi nhớ về quê hương đất nước và người thân lại ùa về. Vì trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó, chúng tôi sẽ đón Tết xa nhà.
Năm nay ĐSQ tổ chức các hoạt động như gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo, Tết cộng đồng đêm 30 để giúp các cán bộ đón Tết xa quê nhưng vẫn đầm ấm, đầy đủ. Mặc dù các thành viên của CQĐD đón Tết xa quê hương, gia đình nhưng ĐSQ sẽ là một đại gia đình, cùng quây quần bên nồi bánh chưng nhân dịp Tết đang đến.
Tết năm nay, chúng tôi cảm thấy may mắn vì vẫn còn khoẻ mạnh, bên cạnh những người yêu thương đón Tết. Năm qua, nhờ có tinh thần phòng dịch nghiêm túc, các thành viên CQĐD cũng như gia đình đều bình an, không ai nhiễm Covid-19.
Năm 2022, có thể vẫn sẽ còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục, vừa đảm bảo an toàn cho các CBNV, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, chắc chắn sẽ có nhiều người Việt chưa có điều kiện để trở về quê hương đón Tết cổ truyền, Đại sứ quán có những hoạt động gì để cùng kiều bào đón Tết ở Ai Cập không, thưa Đại sứ?
- Cùng với những tác động không thuận của đại dịch Covid-19 đối với tình hình kinh tế - xã hội của sở tại cũng như tình hình di chuyển giữa các quốc gia còn nhiều phức tạp, nhiều công dân ta đã chọn ở lại Ai Cập đón Tết. ĐSQ vừa tuyên truyền thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và các chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng người Việt để bà con yên tâm, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, ĐSQ đã và sẽ có những hoạt động cụ thể như tổ chức thi gói bánh chưng, gặp mặt cộng đồng, liên hoan văn nghệ và cùng đón giao thừa.
Các công dân Việt Nam tại Ai Cập phần lớn là các chị người Việt lấy chồng Ai Cập, lao động tự do, lưu học sinh và các thủy thủ hiện đang làm việc tại Ai Cập ai cũng rất nhớ không khí Tết cổ truyền dân tộc, món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam.
Nhân buổi gặp mặt đón chào năm mới của cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập, mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu trò chuyện cùng thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Việt Nam, các tiết mục văn nghệ tự biên tự diện của cán bộ nhân viên ĐSQ và cộng đồng, qua đó phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ nhà khi phải đón Tết xa quê.
Đại sứ Trần Thành Công tham gia các hoạt động chuẩn bị đón Tết cùng kiều bào Việt ở Ai Cập. Ảnh: NVCC
Trong những năm qua, Ai Cập luôn nhắc đến Việt Nam như một ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ai Cập, xin Đại sứ cho biết những thành tựu về quan hệ ngoại giao, kinh tế mà hai nước đã đạt được?
- Việt Nam và Ai Cập có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và là một trong số những nước Ả-rập đầu tiên thiết lập quan hệ với ta. Trong những năm gần đây, hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo hai nước. Tổng thống Al Sisi đến thăm Việt Nam tháng 9 năm 2017 và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm Ai Cập tháng 8 năm 2018. Trong các chuyến thăm hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ. Hai nước đang triển khai để các thỏa thuận đó đi vào thực chất và hiệu quả.
Việt Nam là một nước phát triển mạnh trong khu vực và thế giới. Việt Nam có tiềm năng lớn. Ai Cập cũng có tiềm năng lớn vì vậy hai nước có nhiều điểm tương đồng và có triển vọng to lớn trong hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực.
Ai Cập là một đối tác thương mại lớn của ta tại châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 515 triệu USD, tăng gần 5% so với năm 2019, trong đó chiếm chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu của ta như máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, hải sản, xơ, sợi dệt, kim loại thường… Trong năm 2021, số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập đạt 568 triệu USD, tăng 26,9% so với năm 2020.
UBHH giữa hai nước đã họp được 5 lần và Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Ai Cập vừa diễn ra vào tháng 8 vừa qua. Các các kỳ họp đã góp phần mang lại những kết quả hợp tác thực chất giữa hai nước. Thành phố Ninh Bình (Việt Nam) và Lugxor (Ai Cập) đã ký kết thoả thuận thành phố kết nghĩa, góp phần tăng cường trao đổi thương mại giữa hai thành phố. Hiện thành phố Hà Nội và Cairo (Ai Cập) đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để hoàn thành việc ký kết.
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam và Ai Cập đã có những biện pháp gì để duy trì hợp tác kinh tế, phục hồi sau đại dịch?
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam và Ai Cập đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tăng cường trao đổi thông tin, tham vấn về các biện pháp phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề với các phiên kết nối B2B.
Gần đây nhất ngày 18/8 hai nước đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ai Cập theo hình thức trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Công Thương hai nước đồng chủ trì.
Hai bên đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung thiết thực, đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương như mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của nhau; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về chính sách phát triển công nghiệp và đầu tư, nhu cầu thị trường, quy định quản lý XNK, quản lý chất lượng hàng hóa; phối hợp triển khai các hoạt động XTTM và đầu tư trực tuyến; đào tạo kỹ thuật theo hình thức trực tuyến cho cán bộ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực Chứng nhận Halal.
Một số rào cản trong quan hệ thương mại cũng được hai bên trao đổi thẳng thắn như Nghị định 43/2016 và 44/2019 về đăng ký nhà máy đối với doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài; Nghị định 114/2020 về Luật Hải quan mới; Nghị định số 38/2021 về việc áp dụng Hệ thống thông quan điện tử một cửa mới (ACI) bắt đầu từ ngày 01/10 tới đây.
Ngoài ra Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ai Cập (UBHH) vẫn là cầu nối cho hợp tác sâu rộng về mọi mặt trong quan hệ truyền thống giữa hai nước. Mặc dù Kỳ họp lần thứ 6 UBHH phải tạm hoãn do tình hình dịch bệnh, tuy nhiên bộ ngành hai nước vẫn đang tích cực trao đổi để các thỏa thuận hợp tác được ký kết trong thời gian tới.
Tiếp tục tăng cường trao đổi giữa các bộ ngành và thành phố nhằm kích hoạt và thúc đẩy các hiệp định đã ký kết đi vào hoạt động hiệu quả;
Thiết lập cơ chế phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước như xác minh thông tin doanh nghiệp, xử lý khiếu nại thương mại một cách thân thiện, không thiên vị, đăng tải thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi nước trên website của Phòng Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại 2 chiều phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 như đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến để giới thiệu tiềm năng thương mại và làm rõ những thắc mắc của doanh nghiệp; tổ chức các ngày văn hóa giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua các cơ quan thông tấn báo đài và các kênh truyền hình của Ai cập.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.