Đại sứ Phạm Sao Mai: Vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng với Việt Nam

Mỹ Hằng Thứ sáu, ngày 10/12/2021 18:34 PM (GMT+7)
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày 10/12 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có cuộc tọa đàm trực tiếp với 200 đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.

Buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận những cơ hội mới, những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi đi ra thị trường thế giới trong tác động của đại dịch Covid-19.

Song hành kinh tế số, kinh tế xanh

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định: Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn nhất với Việt Nam. Đại sứ cho biết, đến tháng 11/2021, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 90 tỷ USD, cuối năm cán mốc 100 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu ngày càng tăng.

Thị trường Mỹ rất rộng và có nhu cầu thu hút đầu tư rất lớn. "Xu hướng mới mà thị trường Mỹ quan tâm, đó là kinh tế số, kinh tế xanh. Đặc biệt dưới thời Tổng thống Biden rất khuyến khích kỹ thuật số, các ngành thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo".

Đại sứ chỉ ra xu hướng, tầm nhìn mới để doanh nghiệp Việt ra nước ngoài - Ảnh 1.

Các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đối thoại với các doanh nghiệp Việt. Ảnh: M.H.

Kinh tế số, kinh tế xanh cũng là lĩnh vực mà Anh rất quan tâm. Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết: Sau Brexit, nước Anh đẩy mạnh hợp tác với các nước ngoài EU để bù lại việc thu hẹp thị trường EU. Họ đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA với Việt Nam, Anh cũng đang đàm phán và quyết tâm sớm gia nhập CPTPP.

"Kinh tế xanh sẽ được đẩy rất nhanh, với đà này 5 – 10 năm tới những gì không xanh, không bền vững chắc chắn bị loại bỏ. DN ta không nắm bắt điều đó sẽ bị loại, không chỉ ở Anh mà cả ở nước khác".

(Đại sứ Nguyễn Hoàng Long)

"Nước Anh coi sau đại dịch là cơ hội phát triển. Họ có chiến lược "Xây dựng lại tốt hơn" (Be back better) - đây là cơ hội tăng cường hợp tác, chủ yếu nhằm vào hạ tầng trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm".

Có 3 lĩnh vực chính mà Anh đang thúc đẩy đẩy: Kinh tế xanh và bền vững, kinh tế số và khoa học đời sống. Kinh tế xanh sẽ được đẩy nhanh song hành với kinh tế số - vốn cũng rất phát trển trong đại dịch với nhiều công nghệ và giải pháp mới.

Để làm những điều đó, Anh có nhiều công cụ. Anh đã thành lập cơ quan đầu tư quốc tế Anh, cung cấp các khoản đầu tư, xuất khẩu, hiện giờ họ coi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên, đặt mục tiêu huy động 1 năm 8 – 9 tỷ bảng đầu tư.

Anh cũng đã nâng tầm cơ quan hỗ trợ xuất khẩu cho các DN Anh đẩy mạnh xuất khẩu từ EU sang các thị trường xa hơn, đó là những công cụ mà Việt Nam có thể tận dụng.

Đại sứ Phạm Sao Mai: Vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng với Việt Nam - Ảnh 3.

Đại sứ Phạm Sao Mai. Ảnh VOV

Tầm nhìn mới của các quốc gia

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, ở Châu Á, Singapore đang dần trở thành trung tâm tài chính Châu Á thay thế Hong Kong do đại dịch và lockdown ở Hong Kong.

Các học giả và báo chí Singapore đã chỉ ra 4 xu hướng sẽ "thống trị thế giới": Thứ nhất, dịch Covid-19 còn phức tạp khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới nên DN phải chủ động có phương án thích ứng.

Thứ hai, cạnh tranh Mỹ - Trung hết sức quyết liệt khiến DN khó khăn trong lựa chọn, ví dụ có chọn dịch vụ 5G của Huawei hay không. Sự cạnh tranh này tác động nhiều đến đầu tư của DN.

Trong chuyển đổi số, giáo dục online và trực tuyến dần được công nhận. Vì thế phải cải tiến cách thức phương thức giảng dạy. Cần thay đổi định kiến về giáo dục online, việc quản lý chất lượng thi cử, bằng cấp do giáo dục trực tuyến rất được quan tâm.

Dịch vụ sức khỏe từ xa telehealth rất được quan tâm sau Covid-19. Khám bệnh trực tuyến, sẽ là xu hướng của thế giới để giảm tải cho bệnh viện.

(Đại sứ Mai Phước Dũng)

Thứ ba, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng số rất lớn. Kinh tế số bùng nổ dẫn tới nhu cầu chip điện tử, chip bán dẫn rất lớn. Thế giới đang phụ thuộc quá nhiều việc sản xuất chip ở Châu Á và đang chuyển dịch sang Châu Âu. Đại sứ cho biết, chưa có DN nào sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, nếu đầu tư được lĩnh vực này thì rất tốt.

Thứ tư, kinh tế xanh, sạch và các sản phẩm thông minh. Đại sứ Mai Phước Dũng nói: "Sản phẩm may mặc vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng nếu dùng điện than họ không mua, mà phải sản xuất bằng điện sạch.

Thực phẩm cũng sẽ là organic. Chúng ta phải có các chứng chỉ xanh sạch, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là 4 xu hướng chính mà Singapore cho là thống trị thế giới".

Tại Trung Đông, Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ ra xu hướng khi quốc gia này trở thành trung tâm tài chính thương mại logistic của cả khu vực, đẩy mạnh chính sách mở cửa, quốc tế hoá. "Từ 2021 tầm nhìn của họ mở ra rất mạnh, họ bước vào giai đoạn phát triển mạnh, Việt Nam cần phải đánh giá lại sự phát triển của khu vực UAE trong thời gian tới".

Đại sứ Tuấn cho biết, không chỉ nhu cầu của UAE rất lớn, mà UAE còn có thể là trung tâm để hàng Việt tái xuất đi các nơi, kể cả Nam Âu, Châu Mỹ, Châu Phi. DN Việt Nam cần tìm hiểu thị trường, đặc biệt thị trường Halal dành cho người Hồi giáo.

Đại sứ cũng cho rằng hiện nay, DN Việt quen làm ăn qua fax, điện thoại, email. Tuy nhiên, xu hướng lập văn phòng ảo ở UAE nhiều, các DN Việt nên đẩy mạnh sự có mặt tại UAE, vừa đảm bảo nghiên cứu được thị trường, thông tin, an toàn tài chính. Ngoài ra, các DN sang UAE nên từng bước xây dựng thương hiệu, không nên đi theo xuất hàng thô.

Vấn đề chất lượng, thương hiệu vẫn là điều các doanh nghiệp Việt Nam cần theo đuổi, ngay cả với thị trường tưởng như quen thuộc là Trung Quốc, nơi đang có nhiều chuyển biến mạnh.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, vài chục năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam. Ông lưu ý nông sản của Việt Nam xuất khẩu lớn, nhưng hoàn toàn dựa vào tiểu ngạch. Trung Quốc đang chuyển sang quy phạm hoá, nhất là hàng nông thủy sản, DN bắt buộc phải chế biến mới đưa sâu vào trong nội địa được.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng nhận xét, Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và dư địa để DN nước ta đầu tư, xuất khẩu. Song đây là thị trường khó tính, cần bài bản, đầu tư vào thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Việt Nam vẫn là điểm đến trong đại dịch

Mặc dù có những lo ngại về sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do Covid-19, song Việt Nam vẫn là địa điểm rất được quan tâm.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành chỉ ra một xu hướng rất rõ ở Australia là chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá. 2 năm gần đây Australia đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu và nhà đầu tư từ khắp nơi. Australia muốn bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên họ có những sáng kiến tham gia chuỗi cung ứng khu vực, muốn thúc đẩy cơ hội hợp tác mới trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Đại sứ Nguyễn Tất thành, có bang của Australia như bang Victoria đã mở văn phòng đại diện tại TPHCM, sắp tới là các bang khác. Australia rất quan tâm thị trường Việt Nam, các trường đại học cũng tìm cách mở rộng ở Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng nhận xét rằng các doanh nghiệp Singapore đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng sạch, xanh, bất động sản, hạ tầng. 2 năm qua Singapore là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với số vốn hơn 7 tỷ USD, do các DN đa quốc gia đặt tại Singapore, trong đó DN Anh, Mỹ, Trung Quốc là 3 nguồn đầu tư lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự trưởng thành đáng kể khi không chỉ xuất khẩu, mà còn đầu tư vào các thị trường lớn, xa xôi, khó tính. Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết: Thương mại Việt Nam sang Australia tăng 50% so với năm trước đó, lên 12 tỷ USD. Đây là thị trường cực kỳ tiềm năng và đã có tín hiệu tăng trưởng đáng kể không chỉ thương mại mà đầu tư. "Đang có quan ngại đầu tư của DN Việt Nam sang Australia còn lớn hơn DN Australia sang Việt Nam".

Con số DN Việt Nam đầu tư vào Mỹ cũng đáng ngạc nhiên. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, hiện có 200 dự án đầu tư của Việt Nam tại Mỹ, đáng kể nhất là Vinfast, An Phát – riêng 2 doanh nghiệp này có tổng đầu tư hơn 1 tỷ USD. "Khi đã vào được thị trường Mỹ thì cơ hội thành công cao" – Đại sứ Hà Kim Ngọc nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem