Dấu ấn của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: BYT

Sau nửa năm thôi việc theo nguyện vọng cá nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn được Thủ tướng Chính phủ cho nghỉ hưu sớm hai năm.

Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa. Trước khi giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế vào tháng 11/2028, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn có nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở vị trí bác sĩ chuyên ngành huyết học truyền máu và có 14 năm làm Giám đốc bệnh viện với 3 lần bổ nhiệm vị trí giám đốc.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn được đánh giá cao vì có nhiều đóng góp cho ngành y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng trong việc phát triển kỹ thuật cao, ghép tạng, phục vụ người dân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (từ 30/1/2020 – 24/8/2021), và sau đó là thành viên Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo này từ 24/8/2021.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã có có 4 lần đảm nhiệm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng (tháng 7/2020), Bắc Giang - Bắc Ninh (tháng 5/2021), TP.HCM (lần 1 vào tháng 2/2021 và lần 2 vào tháng 6/2021). Ông đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong những tình huống rất căng thẳng như điều tiết, huy động trang thiết bị, thuốc điều trị, phân luồng điều trị, đảm bảo công tác y tế trong các tình huống cam go nhất…

img
img
img
img
img

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại các điểm nóng Đà Nẵng, Bắc Giang. Ảnh: BYT

"Chúng ta phải xác định chung sống an toàn với đại dịch Covid-19"

Tháng 7/2020, dịch bùng phát tại Đà Nẵng mà tâm điểm là 3 Bệnh viện lớn của Đà Nẵng là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Ngày 30/7/2020, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng bộ phận.

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 2/8/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã xin phép Thủ tướng được ở lại tâm dịch Đà Nẵng đến khi nào hết dịch Covid-19 mới về.

Đặc biệt, tại cuộc họp, Thứ trưởng Sơn đã đề nghị cần phải đẩy nhanh công tác xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhân mới trong cộng đồng. Bởi theo ông Sơn, đến thời gian này, việc truy vết, cách ly là cần thiết, nhưng chưa cần thiết bằng vấn đề xét nghiệm.

"Xét nghiệm thì vấn đề cần thiết nhất là trang thiết bị và sinh phẩm. Trong thời gian vừa qua, việc mua sắm sinh phẩm cũng như trang thiết bị ở một số địa phương như báo cáo là rất khó khăn.

Thực tế, không phải khó khăn là không có hàng, mà khó khăn về cơ chế mua sắm. Anh em rất sợ về giá cả cho nên xin Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các địa phương thông qua đấu thầu hoặc quy định mức giá trần để cho các địa phương mua", ông Sơn đề nghị.

Cụ thể, đối với sinh phẩm, ông Sơn kiến nghị cần có chính sách khuyến khích cho các đơn vị trong nước tự cường hơn nữa việc sản xuất các bộ kit xét nghiệm để phục vụ cho công tác xét nghiệm phòng chống Covid-19.

Dấu ấn của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Sơn chuẩn bị vào khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BYT

Tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng ta rút ra là không thể để tình trạng Covid-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận.

Đây là điểm dễ phát tán Covid-19 đồng thời làm tăng gánh nặng cho việc điều trị cho bệnh nhân lẫn cho ngành y tế.

Bên cạnh đó, việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cần phải được phát hiện sớm, theo dõi và có những biện pháp xử lý càng nhanh, càng tốt để hạn chế sự lan rộng của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân, cũng như hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19 như trong trường hợp bệnh nhân 91".

Thời điểm khi thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta phải xác định chung sống an toàn với đại dịch Covid-19. Vì vậy, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, hãy tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt "Thông điệp 5K" gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch Covid-19.

img
img
img
img
img

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tiếp tục có mặt tại tâm dịch TP.HCM tháng 6/2021.

Thay đổi quan trọng trong chiến lược chống dịch

Ngay sau khi có chùm ca nhân viên y tế mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có mặt tại bệnh viện. 52/53 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM dương tính hoàn toàn không có triệu chứng. Từ mũi tiêm vaccine đầu tiên vào đầu tháng 3/2021, trước khi mắc Covid-19, các nhân viên này đều được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ 2 liều.

"Chúng ta không nên đánh đồng việc tiêm chủng 2 lần với tác dụng bảo vệ không mắc Covid-19", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cảnh báo vào tối 13/6/2021.

Ngay trong ngày 13/6/2021, Bộ Y tế tiếp tục có Quyết định số 2910/QĐ-BYT thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (lần 2) và cử Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận.

Đây là lần thứ 2 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Lần 1 là vào tháng 2/2021, khi TP.HCM phát hiện 1 số ca bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Làn sóng dịch thứ 4 trong đợi "trở lại" lần 2 này vô cùng khốc liệt. Lúc này, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khiến giai đoạn đầu ngành y tế trở tay không kịp.

Dấu ấn của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (ngoài cùng bên trái) trao đổi nhanh với lãnh đạo Sở Y tế và giám đốc bệnh viện ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 13/6/2021. Ảnh: HCDC

Hàng chục nghìn ca mắc, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày khiến TP.HCM và các tỉnh lân cận đã chịu áp lực nặng nề, thiếu thốn trăm bề từ cơ sở điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực.

"Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống Y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.

Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẩn thiết kêu gọi.

Nhân viên y tế đã gần như không ăn không ngủ tập trung cho công tác điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch… Họ không chỉ mệt mỏi về thể xác mà tinh thần cũng suy sụp khi phải chứng kiến hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, bệnh nhân lần lượt ra đi mà không thể cứu được.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng từng chia sẻ rằng: "Đây có thể nói là thời gian hết sức căng thẳng đối với bộ phận thường trực của chúng tôi từ trước đến giờ: Chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn".

img
img
img
img

Ông luôn có mặt tại những điểm nóng nhất của đại dịch Covid-19. Ảnh: TTX, B.D, BYT

Giai đoạn này, phác đồ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch ở Việt Nam có nhiều sự thay đổi.

"Với chủng virus Delta (ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ) lây rất nhanh, bệnh nhân chuyển biến nặng, gây ra khó khăn lớn cho ngành y tế. Có những bệnh nhân từ không triệu chứng chuyển biến thành nặng chỉ vài giờ. Cho nên, việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân là hết sức quan trọng, đặc biệt ở các cơ sở thuộc tầng 1, tầng 2.

Về cơ chế bệnh sinh (Covid-19), các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều sự thay đổi. Và từ đó, chúng ta sẽ có những can thiệp sớm hơn. Chẳng hạn, phương tiện thở oxy được trang bị cho tất cả cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng ta sẵn sàng sử dụng hệ thống oxy dòng cao, máy thở hiện đại cũng được sử dụng sớm để tránh người bệnh diễn tiến suy hô hấp nặng", Thứ trưởng Sơn nói.

Chiến lược chống dịch Covid-19 lại một lần nữa có sự thay đổi quan trọng. Đó là bỏ cách ly tập trung, cho người dân bệnh nhẹ cách ly tại nhà và được phát miễn phí gói hỗ trợ thuốc, y tế… Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn căn dặn: "Sâu sát, tận tâm trong chăm sóc người mắc Covid-19 từ xã, phường", yêu cầu các lực lượng y tế từ cơ sở, các trạm y tế lưu động phải luôn kết nối chặt chẽ với F0. Bất cứ dấu hiệu chuyển biến nào của ca bệnh là nắm bắt được ngay. Cùng với đó, phải chú ý củng cố tinh thần cho người bệnh.

Đồng thời, xét nghiệm trên diện rộng, đón đầu dịch ở các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 48 giờ xét nghiệm một lần… Điều này nhằm cách ly nhanh nhất các đối tượng mắc Covid-19, hạn chế lây lan. Với chiến lược này, chỉ trong vòng 1-2 tuần, dịch đã giảm xuống rõ rệt. Khi các bệnh viện được giải phóng, dồn sức điều trị cho các bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong cũng giảm rõ rệt.

img
img

Niềm vui ngày chiến thắng. Ảnh: BYT

Đến tận cuối tháng 10, cuộc chiến cam go của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và hàng chục nghìn đồng nghiệp mới tạm kết thúc.

"Không để TP.HCM tái trở lại dịch bệnh lần 2, đó chính là mệnh lệnh"

Sau khi dịch Covid-19 tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Tháng 7/2021, tại Hội nghị khoa học kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Dịch Covid-19 là một tiền lệ chưa từng có, ngay cả thế giới vẫn coi đây là đại dịch, đặc biệt gần đây xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại như BA.4, BA.5, BA.2.75. Do đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải trong tâm thế chủ động mọi điều kiện không để TP.HCM tái trở lại dịch bệnh lần 2, đó chính là mệnh lệnh".

Bạch Dương thực hiện

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem