Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19

Diệu Linh Thứ ba, ngày 01/11/2022 15:02 PM (GMT+7)
Trong 5 năm giữ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã có 3 năm miệt mài chống dịch Covid-19. Ông đã 4 lần đảm đương nhiệm vụ Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, Bắc Giang, TP.HCM (2 lần).
Bình luận 0

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 11/2018 

Trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19 (từ cuối năm 2019) , Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng. Từ 30/1/2020 đến 24/8/2021, ông là Phó trưởng ban của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 24/8/2021 là thành viên Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 thời gian qua. Ảnh BYT

Đáng nói, ông có 4 lần đảm nhiệm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng (tháng 7/2020), Bắc Giang - Bắc Ninh (tháng 5/2021), TP.HCM (lần 1 vào tháng 2/2021 và lần 2 vào tháng 6/2021). Trong đó, đáng kể nhất là 3 "cuộc chiến" khốc liệt tại Đà Nẵng, Bắc Giang - Bắc Ninh và lần 2 tại TP.HCM. 

Ở mỗi điểm nóng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn luôn bám sát mặt trận, sát cánh cùng nhân viên y tế và nhân dân để chống dịch, hạn chế lây lan, giảm thiểu tử vong. 

Đà Nẵng: Cam go "làm sạch" bệnh viện

Tháng 7/2020, dịch bùng phát tại Đà Nẵng mà tâm điểm là 3 Bệnh viện lớn của Đà Nẵng như Bệnh viện (BV) C, BV Đà Nẵng, BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Người mắc Covid-19 cũng tập trung vào các bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền, sức đề kháng kém.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, động viên nhân viên y tế đang cách ly trong phòng điều trị tại BV dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng (Ảnh BYT)

Ngày 30/7/2020, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng bộ phận. Khi nhận nhiệm vụ, Thứ trưởng Sơn cũng đã hứa với Thủ tướng "hết dịch mới về".

"Điều mà Bộ Y tế lo lắng nhất chính là có sự lây nhiễm, bùng phát trong bệnh viện. Đây chính là môi trường mà tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân đều tiếp xúc rất gần, thực hiện các thủ thuật, chăm sóc rất dễ lây nhiễm chéo. 

Lo ngại hơn nữa là việc lây nhiễm Covid-19 cho các bệnh nhân, vì đây là các đối tượng yếu thế vốn có nhiều bệnh nền, người cao tuổi, đang điều trị các bệnh lý khác, thậm chí có nhiều bệnh nặng sức đề kháng rất suy giảm", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã từng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, động viên bệnh nhân mắc Covid-19 tại BV dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng (Ảnh BYT)

Do đó, nhiệm vụ khẩn thiết lúc bấy giờ chính là "làm sạch bệnh viện", giãn cách bớt các bệnh nhân, truy vết, cách ly thật nhanh.

Kế hoạch "làm sạch" BV Đà Nẵng và xây dựng Khoa hồi sức cấp tại BV Phổi Đà Nẵng, Khoa chạy thận nhân tạo tại BV dã chiến Hòa Vang nhanh chóng được thiết lập dưới sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch của Bộ Y tế.

Khi số lượng bệnh nhân tăng cao, BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đã gấp rút được xây dựng sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân khi cần.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (Ảnh BYT)

Những chuyến xe cấp cứu hối hả, liên tục vượt đèo Hải Vân đưa các bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc Covid-19 nặng từ BV Đà Nẵng sang BV Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị. Quyết định này đã cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

Không chỉ hỗ trợ Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cũng đã có những chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ông Sơn chia sẻ, giữa tâm dịch luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Các nhóm đã làm việc như "con quay", chạy giữa các ổ dịch để hỗ trợ, rồi họp bàn, báo cáo, đưa ra quyết định chống dịch, điều trị bệnh nhân… 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng nhân viên y tế tại Đà Nẵng bày tỏ quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh BYT

Còn nỗi áp lực nữa mà Thứ trưởng Sơn cũng từng tâm sự: "Chúng tôi rất đau buồn khi có bệnh nhân Covid-19 tử vong. Mỗi lần phải soạn thông tin về ca tử vong là một lần lòng tôi lại như xát muối".

Dưới áp lực nặng nề, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và hàng nghìn nhân viên y tế đã "đánh bại" Covid-19 sau 20 ngày, làm sạch các bệnh viện, trả lại một Đà Nẵng khỏe mạnh.

Bắc Giang - Bắc Ninh: Cuộc chiến của tốc độ

Khi hàng trăm ca Covid-19 bùng phát từ một công ty ở khu công nghiệp Bắc Giang rồi lan sang Bắc Ninh, ngày 18/5/2021, Bộ Y tế lại có Quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác điều trị tại Trung tâm Hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất lúc bấy giờ tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (Ảnh BVCC)

Nhận định đây là địa bàn phức tạp vì có hàng trăm các công ty, xí nghiệp, tập trung đông đúc công nhân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã nhanh chóng đánh giá tình hình, ráo riết thực hiện các công tác ngăn chặn, dập dịch, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị phải cùng phải dồn hết sức, đẩy nhanh tốc độ.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã về Bắc Giang để triển khai hỗ trợ chống dịch Covid-19 trên toàn tuyến, từ công tác điều tra, giám sát dịch tễ; xét nghiệm; cách ly y tế và xử lý môi trường và điều trị. Đã có tới hơn 2.500 nhân viên y tế trên toàn quốc được huy động đến Bắc Giang để triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn tiến của dịch. Đây là sự huy động nhân lực lớn "chưa từng có" trong ngành y tế.

Nhiều biện pháp chống dịch lần đầu tiên được áp dụng tại Bắc Giang, Bắc Ninh như: Cách ly tại chỗ; Xét nghiệm nhanh; Thành lập cơ sở điều trị hàng nghìn người…

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân tại Bắc Giang. Ảnh BVCC

Nhờ các biện pháp này, dịch của Bắc Giang, Bắc Ninh đã được đẩy lùi sau hơn 1 tháng bùng phát.

Đặc biệt, tại Bắc Giang, Bắc Ninh vào thời điểm này đã diễn ra sự kiện bầu cử "chưa từng có" giữa thời điểm Bắc Giang, Bắc Ninh phải giãn cách xã hội để chống dịch.

Vào ngày 23/5, tại các khu vực cách ly tập trung, tổ bầu cử trong trang phục bảo hộ mang hòm phiếu lưu động đến gõ cửa từng nhà. Người dân dù cách ly vẫn thực hiện được quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Thời điểm này cũng bắt đầu có vaccine Covid-19 và Bắc Giang, Bắc Ninh là những điểm được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đôn đốc và giám sát công tác tiêm vaccine Covid-19 cho người dân và công nhân tại các điểm nóng về dịch. Nhờ điều này đã giảm nhanh được ca bệnh nặng và tử vong ở đây.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 8.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, động viên nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ kín mít giữa trời nắng tháng 5 tại Bắc Giang. Ảnh BYT

Ở bất cứ điểm nóng về dịch Covid-19 nào, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đều đến tận nơi chỉ đạo xét nghiệm, chỉ đạo tiêm chủng, chỉ đạo điều trị…

Sau hơn 1 tháng với nhiều giải pháp chống dịch "lần đầu tiên" diễn ra ở Việt Nam, dịch Covid-19 ở Bắc Ninh và Bắc Giang đã được đẩy lùi.

TP Hồ Chí Minh: Vượt lên trên đau thương, vất vả

Chưa kịp "hồi sức", ngày 13/6/2021, Bộ Y tế tiếp tục có Quyết định số 2910/QĐ- BYT Thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (lần 2) và cử Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận.

Đây là lần thứ 2 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Lần 1 là vào tháng 2/2021 khi TP.HCM phát hiện 1 số ca bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 9.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Ảnh BYT

Lần 1 sóng gió qua rất nhanh còn làn sóng dịch thứ 4 trong đợi "trở lại" lần 2 này vô cùng khốc liệt. Lúc này, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khiến giai đoạn đầu ngành y tế trở tay không kịp. 

Hàng chục nghìn ca mắc, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày khiến TP.HCM và các tỉnh lân cận đã chịu áp lực nặng nề, thiếu thốn trăm bề từ cơ sở điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực.

Với tốc độ "thần tốc", hàng trăm bệnh viện dã chiến đã được thành lập. Thứ trưởng Sơn đã gửi thư ngỏ kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công-tư; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và nghỉ hưu tham gia các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.

Hàng chục nghìn nhân viên y tế từ các tỉnh, TP trên cả nước đã "cuồn cuộn" tới chi viện cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An…

Nhân viên y tế đã gần như không ăn không ngủ tập trung cho công tác điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch… Họ không chỉ mệt mỏi về thể xác mà tinh thần cũng suy sụp khi phải chứng kiến hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, bệnh nhân lần lượt ra đi mà không thể cứu được.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 10.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chúc mừng một bệnh nhân nước ngoài mắc Covid-19 được điều trị khỏi. Ảnh thanhnien

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng từng chia sẻ rằng: "Đây có thể nói là thời gian hết sức căng thẳng đối với bộ phận thường trực của chúng tôi từ trước đến giờ: Chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn".

Nhưng ông và hàng chục nghìn nhân viên y tế đã nỗ lực hàng ngày, vượt qua khó khăn vất vả, vượt lên đau thương, căng thẳng để cứu giúp bệnh nhân, làm tốt các vị trí để nhanh chóng dập dịch. 

Chiến lược chống dịch Covid-19 lại một lần nữa có sự thay đổi quan trọng. Đó là bỏ cách ly tập trung, cho người dân bệnh nhẹ cách ly tại nhà và được phát miễn phí gói hỗ trợ thuốc, y tế…

Đồng thời, xét nghiệm trên diện rộng, đón đầu dịch ở các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 48 giờ xét nghiệm một lần… Điều này nhằm cách ly nhanh nhất các đối tượng mắc Covid-19, hạn chế lây lan.

Với chiến lược này, chỉ trong vòng 1-2 tuần, dịch đã giảm xuống rõ rệt. Khi các bệnh viện được giải phóng, dồn sức điều trị cho các bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong cũng giảm rõ rệt.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và dấu ấn 3 "trận chiến" với dịch Covid-19 - Ảnh 11.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi cán bộ địa phương tại hẻm 251, phường 10, quận Gò Vấp đang bị phong tỏa. Ảnh TTX

Và đến tận cuối tháng 10, cuộc chiến cam go của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và hàng chục nghìn đồng nghiệp mới tạm kết thúc. Lực lượng y tế bắt đầu "rút quân" ra khỏi TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong suốt cuộc chiến chống dịch, dù ở điểm nóng nào cũng thấy hình ảnh "người thủ lĩnh" sát cánh cùng với anh em, cùng đưa ra quyết sách, hành động quyết liệt, chống dịch ráo riết, hạn chế thấp nhất thương vong. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nghỉ việc từ ngày 1/11

Theo một nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nghỉ việc từ ngày 1/11 theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Sơn đã có nhiều lần nộp đơn xin nghỉ việc và đã được các cơ quan chức năng xem xét.

Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964 tại TP HCM, là phó giáo sư, tiến sĩ y khoa. Nếu theo quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu, đến 2025 ông Sơn mới nghỉ hưu.

Ông Sơn có hơn 30 năm làm công tác chuyên môn, ông Sơn có 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại Khoa Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tháng 11/2018, ông Nguyễn Trường Sơn được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế khi đang là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thời gian gần đây, sức khỏe của ông Sơn không được tốt, phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ông cũng đã phải phẫu thuật, điều trị bệnh.

Từ 1/11, theo nguyện vọng cá nhân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem