2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn xưa cùng tên, cả 2 đều có hồ nước ngọt đẹp như phim, một hồ lớn nhất Việt Nam
2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn xưa cùng tên, cả 2 đều có hồ nước ngọt đẹp như phim, một hồ lớn nhất Việt Nam
P.V
Thứ tư, ngày 26/03/2025 08:17 AM (GMT+7)
2 tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn xưa sáp nhập với tên gọi là tỉnh Bắc Thái từ năm 1965. Sau 31 năm hợp nhất, đến ngày 1/1/1997, theo Nghị quyết kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Cả 2 tỉnh đều có hồ nước ngọt đẹp như phim, đó là hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể...
Tên địa danh Thái Nguyên xuất hiện thời vua Lê Thánh Tông-vị vua thứ 4 nhà Hậu Lê
Từ xa xưa, 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên vốn cùng thuộc một đơn vị hành chính. Năm 1428, vua Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây, trấn, lộ, huyện, châu. Trong đó, Bắc Đạo có trấn Thái Nguyên.
Trấn Thái Nguyên đầu Hậu Lê là địa phương vùng biên ải của nước ta thời bấy giờ. Vào năm Hồng Đức thứ 4 thời vua Lê Thánh Tông (1473), thừa tuyên Ninh sóc được đổi thành thừa tuyên Thái Nguyên. Thời Nam – Bắc Triều phân tranh và thời Lê Trung Hưng, danh xưng Thái Nguyên không thay đổi nhưng giặc giã, can qua nhiều.
Theo lịch sử, nhà Hậu Lê, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) thời Lê Thánh Tông, 2 tỉnh này gọi là Thừa tuyên Thái Nguyên.
Năm Quang thuận thứ 10 (1469) Lê Thánh Tông định lại bản đồ toàn quốc đổi Thừa tuyên Thái Nguyên thành Thừa tuyên Ninh Sóc.
Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) thời Lê Thánh Tông, Thái Nguyên được gọi là Thừa tuyên xứ. Thời nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1788) Thái Nguyên lại được đổi thành trấn Thái Nguyên.
Thời nhà Nguyễn gọi là tỉnh Thái Nguyên. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, thời Lê Trung Hưng (1677), Cao Bằng được tách thành lập trấn. Trấn Thái Nguyên còn lại 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình.
Phủ Phú Bình gồm các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Tư Nông, Bình Tuyền, Động Hỷ, Văn Lăng, Vũ Nhai và châu Định Hóa.
Đầu thời nhà Nguyễn, năm 1802, Thái Nguyên là 1 trong 14 trấn thuộc Bắc Thành…Ngày 04/11/1831, trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh Thái Nguyên, nên ngày này được coi là Ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên.
Như vậy, tên tỉnh Thái Nguyên cho tới năm 2025 là 194 năm. Chiếu chỉ thành lập tỉnh Thái Nguyên có ghi: Tỉnh Thái Nguyên gồm 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ (Động Hỷ cũ); 2 châu là Bạch Thông và Định Châu.
Ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn).
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Khi đó, tỉnh Bắc Thái bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Bắc Kạn và 12 huyện.
Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đến ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Thái chính thức chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Đến nay, sau gần 30 tái lập, cả hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị trí kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tỉnh Thái Nguyên "thủ phủ" sản xuất điện thoại thông minh smartphone
Thái Nguyên có diện tích hơn 3.500km², dân số khoảng 1,35 triệu người. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang là "thủ phủ" sản xuất điện thoại thông minh, với số lượng chiếm khoảng 70% sản lượng của cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thu hút hàng tỷ USD vốn FDI, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của khu vực phía Bắc.
Ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất các mặt hàng điện tử, duy trì tăng trưởng tốt và đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng ngành Công nghiệp. Trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh, nhóm ngành điện tử gồm: máy tính bảng, điện thoại thông minh và linh kiện chiếm phần lớn.
Sản xuất dây sạc điện thoại tại Công ty TNHH KSD Vina (KCN Điềm Thụy, Thái Nguyên). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên.
Với chiến lược tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở, Thái Nguyên đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, nhất là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD trong đó có nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Dongwha, Tập đoàn Hansol Electronics, Tập đoàn Trina Solar…
Thái Nguyên luôn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư các dự án FDI đứng thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước.
Với quan điểm chỉ đạo thống nhất và những giải pháp quyết liệt, năm 2023, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi lần đầu tiên vươn lên lọt nhóm 18 tỉnh tự cân đối thu chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương, với số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Những năm gần đây, Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh luôn duy trì thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm, cao hơn mức nình quân chung của cả nước.
Hồ Núi Cốc-hồ nhân tạo chứa nước ngọt đẹp như phim, hút khách du lịch
Hồ Núi Cốc là một hồ nước ngọt nhân tạo tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên.
Không những thế nó còn được gắn với huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc. Hồ Núi Cốc được nhắc đến nhiều khi mà năm du lịch Quốc gia 2007 và 2008 được tổ chức ở Thái Nguyên.
Hồ Núi Cốc nguyên là một đoạn của sông Công, một trong các phụ lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi đất có tên là núi Cốc.
Đập Núi Cốc được khởi công xây dựng đầu năm 1972 nhưng do Không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker I đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam nên công trình bị đình hoãn đến đầu năm 1973 mới tái khởi động.
Tháng 10 năm 1978, một trận lũ lịch sử trên sông Công có lưu lượng 3.000 mét khối/giây, gấp gần 4 lần lưu lượng xả thiết kế của cửa xả chính và làm vỡ hai vai đập. Công trình Đập Núi Cốc hoàn thành phần đầu mối vào năm 1979 và hoàn thành toàn bộ vào năm 1982.
Hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)-hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Ảnh:trathainguyen.
Đập Núi Cốc thuộc hạng A là hạng đập đất đắp không có lõi chống thấm (theo phân hạng của Bộ Thủy Lợi, nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn).
Công trình gồm 1 đập chính và 7 đập phụ. Đập chính có cao trình 27m, dài 480m, là loại đập tràn có cửa xả kiểu máng phun với lưu lượng xả tối đa 850 mét khối/giây. Thân đập được làm bằng đắt đắp, đầm hỗn hợp thủ công và đầm lăn cơ giới hạng nhẹ.
7 đập phụ cũng là đập đất đắp không có lõi chống thấm, cao 12,5m. Từ năm 1999, đập được xây thêm 2 khoang xả tràn có lưu tốc xả 585 mét khối/giây. Tổng chiều dài các kênh dẫn dòng cấp I cung cấp nước cho hạ lưu dày 72 km từ cửa cống rộng 195 m.
Đập Núi Cốc tạo ra Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25 km vuông, ở thời điểm lũ tối đa là 32 km vuông; độ sâu 46,2 m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích 168 triệu mét khối.
Hồ-đập Núi Cốc cùng các công trình phụ trợ tạo thành hệ thống thủy lợi Núi Cốc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên và khu công nghiệp Thái nguyên với lưu lượng 30 mét khối/giây; cung cấp nước phục vụ đời sống dân sinh của cư dân thành phố Thái Nguyên với lưu lượng 7,2 mét khối/giây.
Tổng lượng nước do Hồ Núi Cốc cung cấp cho Thái Nguyên đạt từ 40 triệu đến 70 triệu mét khối/năm. Trong một số năm hạn hán, Hồ Núi Cốc còn còn tiếp nước cho hệ thống thủy nông Sông Cầu (Bắc Giang) khoảng 30 triệu đến 50 triệu mét khối/năm. Hệ thống thủy lợi Hồ Núi Cốc cũng có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Công; chăn nuôi thủy sản và kết hợp du lịch.
Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên – nổi tiếng đệ nhất danh trà đặc sản Thái nguyên
Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập về chè.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, trong đó, chè giống mới chiếm 80% diện tích. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, hiện nay, năng suất chè toàn tỉnh đạt 123,8 tạ búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến đạt khoảng 50 nghìn tấn.
Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên nổi tiếng đệ nhất danh trà. Trong ảnh: Nét đẹp của cô gái Tày trên nương chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chè chuyên canh, cho thu nhập từ 280 đến 500 triệu đồng/ha/năm, như: Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); vùng chè La Bằng, Tân Linh (Đại Từ); vùng chè Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); vùng chè Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)…
Trong suốt những năm qua, chè Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là "Đệ nhất danh trà" với các sản phẩm chế biến tinh, sâu, chất lượng cao cùng với bao bì, mẫu mã đẹp, sang trọng.
Ngoài đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi chè quốc tế, một số sản phẩm chè đã được chọn làm quà tặng cho đại biểu tại Hội nghị APEC năm 2017.
Đến nay, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Trà tôm nõn Hảo Đạt của Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương TP Thái Nguyên được Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao năm 2021.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có sản phẩm miến dong Việt Cường, của HTX miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cũng được xếp hạng sản phẩm được Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao.
Về nông thôn mới Thái Nguyên
So với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Thái Nguyên là một trong những địa phương luôn đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nông thôn mới.
Hiện nay mới là cuối năm 2024 nhưng mục tiêu có ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đã hoàn thành, khi các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên cùng các huyện Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa đã "về đích" đúng hẹn.
Đến nay, toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 93,7%. Như vậy, "đích đến" đã không còn xa so với chỉ tiêu được tỉnh đề ra.
Là tỉnh có 51 thành phần dân tộc, trong đó 8 dân tộc thiểu số có số đông, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sinh sống ở miền núi, địa hình phức tạp, những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên phát triển sâu rộng, người dân tự giác thực hiện, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Trong giai đoạn 2020-2025, Thái Nguyên đề ra mục tiêu có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn. Với nhiều nỗ lực, đến nay các mục tiêu này đã rất gần "tầm tay"…
Tỉnh Bắc Kạn có dân số ít nhất cả nước
Bắc Kạn hiện có diện tích gần 4.900km². Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 7 huyện.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính dân số của tỉnh Bắc Kạn năm 2024 là 329.312 người (trong đó thành thị có 80.851 người; nông thôn có 248.461 người. Như vậy, Bắc Kạn là tỉnh có dân số ít nhất trong 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Khi mới tái lập tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh.
Đến nay sau 28 tái lập tỉnh Bắc Kạn kinh tế có nhiều chuyển biến. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng gần 40 lần; thu nhập bình quân tăng 37 lần; thu ngân sách tăng hơn 51 lần so với năm 1997.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Kạn bình quân giai đoạn 1997 - 2023 đạt trên 7%/năm. Năm 2023 đạt 6,33%, xếp thứ 6 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 33 so với cả nước.
Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn-hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam
Hồ Ba Bể-đệ nhất danh thắng ở tỉnh Bắc Cạn của Việt Nam cũng là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới
Tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng cho một danh lam thắng cảnh là Hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Hồ Ba Bể theo tiếng địa phương là "Slam Pé" (nghĩa là ba hồ) gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Từ núi cao nhìn xuống, hồ Ba Bể lọt thỏm giữa dãy núi đá vôi. Hồ co lại và bị kẹp giữa các vách đá dựng đứng.
Mặt hồ trải dài 8 km, rộng từ 200 mét đến 1 km, độ sâu trung bình 17 - 23 mét, nơi sâu nhất là 29 mét. Ba Bể càng đẹp hơn bởi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng.
Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện trong lòng hồ có nhiều loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng đông bắc Việt Nam, trong đó có các loài quý hiếm như cá chép kính, rầm xanh, anh vũ và cá lăng.
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, Hồ Ba Bể là điểm đến nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng sinh học phong phú.
Từ năm 2022 đến nay, đã có hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm tại hồ Ba Bể.
Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn
Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã có 6 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành ước đạt 16.423 tỷ đồng; GRDP bình quân 50,3 triệu đồng/người.
Toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, một số sản phẩm tiếp cận được thị trường nước ngoài.
Đặc sản bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn. Những năm gần đây, cây bí thơm được mở rộng diện tích trồng ở một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn.
Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm.
Với tỷ lệ che phủ rừng duy trì 72,6%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.
Toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, một số sản phẩm tiếp cận được thị trường nước ngoài.
Năm 2021, sản phẩm miến dong Tài Hoan của HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu năm 2020.
Về nông thôn mới Bắc Kạn
Năm 2024, Bắc Kạn đặt mục tiêu 2 huyện, 24 xã đạt danh hiệu nông thôn mới, 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao và có thêm 152 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên đến hết năm 2024, dự kiến chỉ có 1 xã và 2 thôn diện đặc biệt khó khăn đạt chuẩn, đây là kết quả rất thấp so với kế hoạch.
Trong nhiều nguyên nhân được tỉnh Bắc Kạn chỉ ra như việc thiếu nguồn kinh phí đầu tư, việc sáp nhập thôn xã khiến tiêu chí bị hụt, một số địa phường tỉ lệ nhà dột nát còn cao hay thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp….thì những tiêu chí cơ bản nhất là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn chưa đáp ứng.
Như vậy, đến thời điểm này, Bắc Kạn vẫn chỉ có 28 xã và 1 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu sẽ có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh yêu cầu các địa phương lấy xây dựng nông thôn mới là mục tiêu phấn đấu, không chạy theo thành tích nhưng kiên quyết không để xảy ra tình trạng vì sợ cắt hỗ trợ từ Nhà nước mà “ngại” về đích nông thôn mới.
Mặc dù kết quả xây dựng nông thôn mới của Bắc Kạn không đạt so với mục tiêu kế hoạch, nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới tại các thôn, xã đã đi vào thực chất hơn và đặc biệt là hạn chế được tình trạng “đua tiêu chí” để đạt chuẩn.
Tuy vậy, với kết quả đạt được còn quá thấp cũng đòi hỏi Bắc Kạn có những sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là từ khâu khảo sát, đánh giá đưa các thôn, xã vào diện phấn đấu cần sát thực hơn, để từ đó có những phương án "về đích" phù hợp, để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao và đi vào thực chất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.