EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ doanh nghiệp cho tới nông dân

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 30/06/2020 11:25 AM (GMT+7)
Hiệp định thương mại tự do EVFTA ngoài cơ hội còn là thách thức, là áp lực buộc phải thay đổi cách nhìn, cách quản trị từ cấp Trung ương cho tới cách thức sản xuất của nông dân.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định như thế tài Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) vào thị trường EU, thực thi hiệu quả EVFTA tổ chức TP.HCM ngày 30/6.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Trước hết, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn và biểu dương đối với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành NLTS đã có nhiều nỗ lực liên kết với nông dân.

Theo Bộ trưởng, xuất phát là một nước nghèo, có nền kinh tế bao cấp, Việt Nam đã đi qua những mốc lịch sự đáng ghi nhớ. Từ hội nghị cải cách 1986, bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ năm 1995, ký hiệp định thương mại với Mỹ năm 2000, trở thành thành viên WTO năm 2007. "Quãng thời gian tuy ngắn nhưng Việt Nam có những bước tiến rất dài ra thị trường thế giới", Bộ trưởng nói.

Hiệp định EVFTA năm nay tiếp tục là một đỉnh cao mới, không chỉ là các ưu đãi thuế quan mà còn kéo theo nhiều tác động khác từ đầu tư, xã hội, mang tính nhân văn và bình đẳng. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời gian này rất đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân - Ảnh 2.

Hồ tiêu sạch đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

EU là thị trường quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Mỹ, Trung Quốc; chiếm khoảng 11,75% thị phần trong tổng xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) cả nước.

Bộ trưởng Cường lưu ý, EU là thị trường lớn với 500 triệu dân, GDP 36.000 USD, đặc biệt là sức mua NLTS lớn. Thông qua thị trường này, Việt Nam có tiềm năng to lớn cải thiện vị thế cung cấp hàng hoá của mình vì vào được EU nghĩa là cũng sẽ vào được các thị trường lớn và khó tính khác.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân - Ảnh 3.

Thủy sản là ngành hưởng nhiều lợi thế từ EVFTA

Cũng không có khu vực nào có mức độ, trình độ về công nghệ chế biến cao như EU, trong khi đây là điểm yếu của Việt Nam. EVFTA sẽ giúp Việt Nam và EU liên thủ để nâng cao chất lượng, chuẩn mực sản phẩm lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra hàng loạt thách thức, áp lực buộc phải thay đổi cách nhìn, cách quản trị từ cấp Trung ương cho tới cách thức sản xuất, kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp.

"Hội nghị hôm nay không mong giải quyết hết các vấn đề nhưng giúp nhận dạng cơ hội và thách thức nhiều. Quan trọng là cùng nhau củng cố niềm tin, đồng lòng khắc phục khó khăn để  đi tới chiến thắng; đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp giỏi và đông đảo tại TP.HCM", Bộ trưởng nói.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân - Ảnh 4.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân

Theo UBND TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang EU chiếm tỷ trọng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 5,4%; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 3,56 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ. Riêng nhóm NLTS đạt 712 triệu USD.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, về tổng thể, thành phố vẫn chưa khơi dậy hết tiềm năng 20.000 doanh nghiệp trên địa bàn. Kim ngạch NLTS thành phố chỉ chiếm 1 phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

EVFTA là động lực tái cơ cấu kinh tế, cơ hội cho Việt Nam và thành phố nó riêng phục hồi sau Covid-19. Nhưng thách thức lớn là doanh nghiệp vừa nhỏ ở thành phố chiếm hơn 90%. Nhiều doanh nghiệp còn yếu về kỹ năng quản trị. Các điều kiện, tiêu chuẩn ATTP luôn là rào cản lớn mà EU đăt ra.

Vì thế, thành phố cần tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung cam kết để hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. "Đồng thời cải cách hành chính, thủ tục để TP.HCM tham gia chuỗi toàn cầu; hình thành chuỗi giá trị, nâng cấp tiêu chuẩn hàng hóa lên  tầm mới, tránh được xu hướng bảo hộ toàn cầu", ông Phong cho biết.

EVFTA sẽ thay đổi cung cách quản trị, sản xuất từ Trung ương tới nông dân - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, EU là thị trường quan trọng với Việt Nam trong cả hợp tác đầu tư và chiến lược hội nhập.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, EVFTA sẽ giúp củng cố vị thế Việt Nam. Cụ thể, trong các ngành kinh tế cần cải cách, thì EVFTA hàm chứa nhiều công cụ để thực thi các chiến lược lớn này.

"Các vấn đề thuế quan, phi thuế quan, cùng các yêu cầu cam kết mở cửa sẽ là cơ hội nếu xét cả trung và dài hạn, để Việt Nam nâng cấp cơ cấu quản trị năng lực quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, và là cơ hội đối phó các thách thức mới hậu Covid-19", Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem