Giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thành sản xuất tăng "nóng", người chăn nuôi lỗ nặng

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 20/09/2021 09:40 AM (GMT+7)
8 tháng đầu năm 2021, giá lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh, trong khi giá thành sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi dẫn đến việc người chăn nuôi không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết.
Bình luận 0

Theo ông Trọng, 8 tháng đầu năm 2021, giá lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh, trong khi giá thành sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi dẫn đến việc người chăn nuôi không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng.

Giá lợn thịt xuất chuồng các tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, đặc biệt giảm sâu vào tháng 7 và 8. Tại miền Bắc giá dao động ở mức 48.000 - 53.000 đồng/kg; tại miền Trung - Tây Nguyên 49.000 - 53.000 đồng/kg và tại miền Nam 49.000 - 52.000 đồng/kg. Có 1 số tỉnh do giãn cách xã hội xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm sâu thì giá thành sản xuất vẫn tăng cao. "Đối với chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng 57.000 - 60.000 đồng/kg", ông Trọng cho hay.

So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thành sản xuất tăng "nóng", người chăn nuôi thua lỗ nặng - Ảnh 1.

Do dịch tả lợn châu Phi, cộng với giá thức ăn tăng cao nên gia đình ông Đỗ Công An ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) chưa dám tái đàn mạnh, hiện cố gắng duy trì đàn lợn nái 10 con. Ảnh: Minh Ngọc

"Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động, chi phí sản xuất gia tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ dẫn đến lượng tồn đọng vật nuôi trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ", ông Trọng nói.

"Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển, lưu thông và chi phí để thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19", ông Trọng lý giải.

Trong khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2021 tăng chóng mặt. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 - 9 lần. Điều nay đã gây nên rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Đặc biệt, là những nông hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, ít vốn.

Theo ông Trọng, giá nguyên liệu thức ăn trong suốt giai đoạn vừa qua tăng 16 – 36%, tùy các loại nguyên liệu. Và tiếp tục sẽ tăng nữa trong thời gian tới.

"Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng cao là thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2021, ảnh hưởng tới việc tái đàn, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ", ông Trọng nhận định.

Giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thành sản xuất tăng "nóng", người chăn nuôi thua lỗ nặng - Ảnh 2.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân lo lắng. (Ảnh chụp một trại lợn ở huyện Long Thành, Đồng Nai). Ảnh: Nguyên Vỹ

Để hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp trong công tác tái đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, ông Trọng cho biết, Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Tiếp đó, gia hạn nộp thuế đối với thuế gia trị gia tăng, tiền thuê đất, những đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng "cơ chế mở" đối với những người được tiêm vaccine Covid-19, có thể là miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian 1 tháng một lần để giảm chi phí.

"Do thực hiện giãn cách xã hội nên hiện nay vẫn còn 10 tỉnh ở ĐBSCL và 4 tỉnh Đông Nam Bộ vẫn chưa cho vận chuyển tinh lợn để tái đàn", ông Trọng cho biết.

Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng trong nước liên tục giảm sâu từ đầu năm 2021 tới nay thì theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu thịt lợn đạt trên 600.000 tấn, trị giá gần 1,3 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và 23,6% về trị giá so với cùng kỳ 2020.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem