Giá xăng dầu hôm nay 12/6: Giá xăng dầu sắp lập kỷ lục mới, dự báo "sốc"

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 12/06/2022 07:18 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 12/6: Dù kết thúc tuần trong sắc đỏ nhưng cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đều đã có thêm một tuần tăng giá, với Brent lên 122 USD/thùng. Trong nước, trong kỳ điều hành ngày 13/6 tới, giá xăng trong nước có khả năng tăng tới 1.000 đồng/lít, kéo giá xăng RON 95 lập kỷ lục mới.
Bình luận 0

Giá xăng dầu hôm nay 12/6: Tuần tăng giá tiếp theo cho dầu Brent và WTI 

Áp lực suy thoái kinh tế và dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc cộng với đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu hôm nay chốt tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Giá xăng dầu hôm nay 12/6: Giá xăng dầu sắp lập kỷ lục mới, dự báo "sốc" - Ảnh 1.

Một xe chở dầu đi qua một mỏ do tập đoàn Chevron vận hành ở San Ardo, California. (Ảnh: Getty Images).

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 6/6 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin Ả-rập Xê-út tăng mạnh giá bán dầu và đồng USD giảm. Điều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ cho phép chở dầu từ Venezuela đến châu Âu.

Sau cuộc họp chính sách tháng 6/2022, OPEC+ đã quyết định tăng mạnh sản lượng khai thác thêm 650.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày được thực hiện từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra, mức tăng sản lượng này là quá khiêm tốn so với mức thiếu hụt dự kiến khoảng 2 triệu thùng/ngày do lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể gây ra.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được duy trì trong những phiên giao dịch sau đó khi áp lực nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng, còn đồng USD suy yếu khi nhiều ngân hàng trung ương lên kế hoạch tăng mạnh lãi suất.

Thị trường cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng tăng sản lượng dầu của OPEC+, trong khi nhu cầu đi lại mùa du lịch được dự báo tăng cao.

Tại Mỹ, giá nhiên liệu ở Mỹ đang được ghi nhận ở mức kỷ lục khiến lo ngại về việc Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu ngày một lớn.

Đến phiên 9/6, khi nguy cơ về việc gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Na Uy được dấy lên, giá dầu đã quay đầu tăng vọt.

Na Uy đã khai thác gần 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 2, vận chuyển dầu thô đến Anh, Trung Quốc, Thụy Điển, Hà Lan và Đức. Na Uy cũng là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 4 thế giới.

Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được dự báo khó có đột phá để khoả lấp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga cũng như đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ gia tăng do đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đã giảm mạnh tới 23% trong năm 2021, xuống còn 341 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi thông tin về việc Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 mới, và đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed tăng lãi suất, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô càng lớn hơn khi nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng sau khi Mỹ công bố mức lạm phát cao kỷ lục.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 5/2022 tại Mỹ đã tăng 1% so với tháng trước, kéo theo CPI tính theo năm tăng lên mức 8,6%, cao hơn rất nhiều con số dự báo 8,2%.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 118,09 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,77 USD/thùng, giảm 1,30 USD/thùng trong phiên.

Trung Quốc chưa trở lại thị trường nhưng giá dầu đã dao động quanh mức 120 USD/thùng. Một khi nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tái xuất, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với cú sốc giá nhiên liệu chưa từng có.

Đa phần Phố Wall đều tin rằng giá xăng dầu sẽ tiếp tục đi lên. Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh 140 USD/thùng trong những tháng tới.

Morgan Stanley cảnh báo giá “vàng đen” có thể cao hơn cả mức lạc quan nhất của ngân hàng này là 150 USD/thùng. Kỷ lục của dầu Brent là 147,5 USD/thùng, xác lập vào tháng 7/2008.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ước tính mức tiêu thụ dầu mỏ của nước này có thể tăng 12% trong quý III. Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc (BOCI) thì dự kiến nhu cầu sẽ phục hồi khiêm tốn trong quý III và phải đến quý IV mới bật tăng mạnh.

Bộ phận phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects, dự báo: Giá dầu thô đang ở mức 120 USD mà không có sự trợ giúp của Trung Quốc. Vì vậy nếu thị trường tỷ dân trở lại, giá dầu chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Theo lịch, ngày 11/6 là tới kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 95, từ ngày 2/1, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày, tức mỗi tháng điều chỉnh ba lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.

Như vậy, 11/6 rơi vào ngày thứ bảy, là ngày nghỉ nên Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sang thứ hai (ngày 13/6).

Cập nhật đến ngày 7/6, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng dầu bán lẻ theo thị trường Singapore tiếp tục tăng so với đợt điều hành giá trong nước kỳ trước. Xăng RON 92 giá 148,36 USD/thùng, xăng RON 95 là 154,9 USD/thùng, dầu diesel 170,44 USD/thùng. Trước đó 1 ngày, xăng RON 92 cao hơn 2 USD/thùng và xăng RON 95 cao hơn gần 2,5 USD/thùng.

Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, giá nhiên liệu thế giới đang trên đà tăng, tại kỳ điều chỉnh giá trong nước sắp tới (ngày 13/6), nếu không có "cơ chế" nào được đưa ra, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh. Giá xăng bán trong nước hiện đã thấp hơn giá nhập 700 - 1.000 đồng/lít, giá dầu còn chênh lệch cao hơn, từ 1.500 - 2.000 đồng/lít. 

Giá xăng dầu hôm nay 12/6: Giá xăng dầu sắp lập kỷ lục mới, dự báo "sốc" - Ảnh 2.

Như vậy, 11/6 rơi vào ngày thứ bảy, là ngày nghỉ nên Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ lùi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sang thứ hai (ngày 13/6).

Trước đó, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.

Căn cứ vào diễn biến thị trường và các mục tiêu điều hành giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định không trích lập Quỹ BOG (Quỹ Bình ổn giá) đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg); đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít lên mức 30.230 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem