Ngày 22/12, UBND phường Nguyễn Cư Trinh phối hợp cùng Công an quận 1 tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các giải pháp PCCCvàCNCH tại khu dân cư khu phố 8 (khu Mả Lạng cũ).
Trở ngại về giao thông chữa cháy và thoát nạn
Nằm lọt thỏm trong khu tứ giác bao quanh bởi các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi, và Cống Quỳnh, khu phố 8 (phường Nguyễn Cư Trinh, quận1) là nơi sinh sống của khoảng 1.700 nhân khẩu, với 381 nóc nhà và 523 hộ gia đình chen chúc trên diện tích chỉ 0,008 km².
Hầu hết các ngôi nhà tại đây có diện tích dưới 12m², xuống cấp nghiêm trọng và được thiết kế bán kiên cố bằng vật liệu dễ cháy như gỗ, tole. Không gian chật hẹp buộc nhiều gia đình cơi nới thêm diện tích, dẫn đến tình trạng nhà cửa san sát, thiếu giải pháp chống cháy hiệu quả.
Trung tá Lê Tấn Châu, Phó Trưởng công an quận 1 nói về giải pháp PCCC và CNCH tại khu dân cư Mả Lạng. Clip: Chinh Hoàng
Ngoài ra, khu dân cư khu phố 8 còn gặp nhiều trở ngại trong công tác giao thông phục vụ chữa cháy và thoát nạn.
Để tiếp cận khu vực, xe chữa cháy phải di chuyển khoảng 2,5km từ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận 1 qua các tuyến Võ Văn Kiệt, Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi và hẻm 245 Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, hẻm 245 chỉ rộng 4-6m và dài khoảng 120m, lại thường xuyên bị lấn chiếm để kinh doanh, để xe, treo bạt dù. Hệ thống dây điện và cáp viễn thông không đảm bảo độ cao thông thoáng, gây khó khăn cho xe chữa cháy khi có sự cố.
Bên trong khu dân cư, có 7 hẻm thông nhau với chiều rộng chỉ từ 1-1,5m và chiều dài từ 90-130m, cùng 3 hẻm cụt dài khoảng 30m, rộng 1,5m. Việc người dân thường xuyên để xe và vật dụng trong lòng hẻm làm cản trở nghiêm trọng công tác thoát nạn cũng như triển khai chữa cháy.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình kết hợp kinh doanh, bố trí hàng hóa không đảm bảo lối thoát hiểm. Đặc biệt, các phương tiện hỗ trợ thoát nạn như mặt nạ phòng độc, dụng cụ phá dỡ (kìm cộng lực, búa tạ, rìu) hầu như không được trang bị, gia tăng nguy cơ mất an toàn khi có hỏa hoạn.
Cảnh sát xác lập 10 giải pháp PCCC và CNCH
Trước thực trạng đó, Trung tá Lê Tấn Châu, Phó Trưởng Công an quận 1 cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Nguyễn Cư Trinh nghiên cứu và xác lập 10 giải pháp PCCC và CNCH tại khu dân cư.
Dưới đây là một số giải pháp chủ yếu về công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư khu phố 8 được Trung tá Châu nêu ra như: Tiến hành điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình để xác định các khu vực, tuyến đường và hẻm có mật độ dân cư cao, đặc biệt là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ lớn...; kiểm tra an toàn PCCC đối với 100% các hộ gia đình trong khu dân cư, đảm bảo mỗi hộ gia đình có phương tiện chữa cháy phù hợp với điều kiện nhà ở...
Hướng dẫn các hộ gia đình xây dựng phương án thoát nạn hiệu quả, đảm bảo các lối thoát hiểm được duy trì và không bị cản trở...; Xây dựng kế hoạch diễn tập phương án PCCC và CNCH tại khu dân cư, chú trọng xây dựng tình huống cho lực lượng chữa cháy tại chỗ xử lý tại các hẻm nhỏ, sâu mà xe chữa cháy khó tiếp cận…
Gợi ý bổ sung một số giải pháp PCCC và CNCH tại khu dân cư, Đại tá Nguyễn Hải Phước, Trưởng Công an quận 1 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu vực đông dân cư.
Ông cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền phù hợp với đặc điểm địa bàn. Nội dung tuyên truyền phải sát với thực tế, đặc biệt tại các khu vực có nhà cửa chật hẹp, đông đúc, nhiều thế hệ cùng sinh sống. Không thể áp dụng mô hình từ chung cư hay nhà cao tầng vào khu dân cư nhỏ lẻ.
Để đảm bảo hiệu quả, ông Phước đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng công an tiến hành rà soát, đánh giá các hộ gia đình, đặc biệt chú ý đến các trường hợp người khuyết tật, người cao tuổi, hoặc những hộ gia đình có người bệnh tật, khó di chuyển.
"Khi xảy ra sự cố, cần có phương án cụ thể để đảm bảo tất cả đều được hỗ trợ kịp thời", Đại tá Phước nói.
Bên cạnh đó, Trưởng Công an quận 1 cũng yêu cầu xây dựng và kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ. Đây là lực lượng quan trọng trong việc ứng phó khẩn cấp, nhưng cần được tập huấn, huấn luyện thường xuyên để xử lý tốt các tình huống thực tế.
Về phương tiện phòng cháy, ông đề nghị có sự linh hoạt. Không phải nhà nào cũng đủ điều kiện lắp đặt thiết bị PCCC, do đó cần tính đến việc bố trí bình chữa cháy tập trung ở các vị trí công cộng để thuận tiện sử dụng khi cần.
Ngoài ra, ông Phước cũng yêu cầu cơ quan chức năng quan tâm đặc biệt đến nguồn nước phục vụ chữa cháy. Ngoài trang bị thêm một số họng nước, ông để xuất cân nhắc trang bị các phương tiện nhỏ gọn và đảm bảo các nguồn nước dự phòng đối với những khu vực đường hẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.