Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ thợ đóng giày thành nghệ sĩ nổi tiếng
Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Ông mồ côi cha từ năm 8 tuổi. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, ông vừa sinh hoạt cùng đội kịch ở CLB Thanh niên (Thành đoàn Hà Nội).
Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch nghệ Việt Nam như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng...
Năm 23 tuổi, bà nội ông sắp xếp cho ông nên duyên với một mậu dịch viên ở cùng ngõ Phát Lộc, phố Hàng Bạc, Hà Nội. Dù đã có vợ con nhưng ông vẫn không sao bỏ được những buổi "chơi" kịch cùng bạn bè. Ông say mê môn nghệ thuật này như bị "bỏ bùa mê".
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, "lão khổ" Trần Hạnh từng cho biết: "Nhà tôi vốn không có ai hoạt động nghệ thuật cả. Ngày đó, tôi đang mưu sinh bằng nghề khâu giày và đã có một vợ ba con. Thời điểm đó, việc đóng giày vất vả mà thu nhập ít ỏi lắm. Nhiều khi thu nhập không đủ nuôi sống gia đình.
Nghệ sĩ Trần Hạnh trong vai ông Khiển phim "Người cầu may" của đạo diễn Từ Huy.
Những năm 60, tôi may gặp giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, thấy tôi làm công việc khâu giày cực nhọc quá nên anh ấy viết cho tôi mấy chữ bảo tôi qua gặp trưởng Đoàn kịch Hà Nội. Tôi còn nhớ lúc đó ông ấy viết thư vào tờ lịch cũ. Khi chuyển qua đóng kịch, lương bậc 2 của tôi mỗi tháng cũng được 40 đồng, đong được mấy yến gạo, đủ để nuôi cả nhà mấy miệng ăn.
Mặc dù tôi không được đào tạo chính quy nghề diễn xuất mà chỉ là dân nghiệp dư bước qua nhưng tôi rất yêu thích công việc này vì được đóng nhiều dạng vai khác nhau nhau, được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc vui tươi, lúc buồn bã, lúc hạnh phúc, lúc đắng cay…
Trong những năm đầu đến với sân khấu, vai sang nhất và cũng là vai tôi thích nhất là Nguyễn Trãi trong vở "Lam Sơn tụ nghĩa". Trong tập sách "Người Hà Nội", anh Lưu Quang Vũ có viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Thời đó, vở kịch này đắt khách lắm, dù đang chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn phải diễn ngày 3 suất: sáng, chiều, tối. Nhiều khi diễn xong suất cuối mà mệt không nói ra hơi, chỉ biết cúi đầu cảm ơn khán giả. Đưa vở về diễn ở các vùng nông thôn cũng được khán giả chào đón và yêu mến lắm".
Mê sân khấu hơn mê phim ảnh
"Lão khổ" Trần Hạnh về nghỉ hưu theo chế độ năm 1989. Thời điểm này ông mới đóng phim truyền hình nhiều. Những vai diễn mà đạo diễn nhắm cho ông đa phần vai ông bố, lão nông... hiền lành, chất phác, khắc khổ, cam chịu... Lạ cái là vai nào ông cũng để lại ấn tượng về sự khắc khổ của mình trên màn ảnh dẫu ông là trai Hà Nội gốc.
Lão nghệ sĩ từng chia sẻ, lúc bấy giờ ông mới 60 tuổi nên trông vẫn "khang trang". Anh em quý mến ông bảo nhau: "Có vai nào thì gọi thằng Hạnh, cho nó đi làm để nuôi vợ con". Vai ông nhớ nhất trong lĩnh vực phim truyền hình là vai ông Khiển trong phim "Người cầu may". Những năm sau này, ngay cả khi đã vào tuổi 90, ông vẫn được các đạo diễn gọi điện mời đóng cả phim truyền hình lẫn phim điện ảnh nhưng chỉ những vai nho nhỏ".
Nghệ sĩ Trần Hạnh cùng Chiều Xuân trong phim "Người yêu đi lấy chồng"; cùng Mai Thu Huyền trong phim "Tiếng sáo ly hương".
Dẫu nổi tiếng nhờ hàng loạt vai trên phim ảnh nhưng trong thẳm sâu đáy lòng, ông vẫn thích kịch nói hơn. Ông bảo rằng: "Có lần đạo diễn Quốc Trọng hỏi tôi: "Sao bố cứ đi làm mãi thế?", tôi trả lời: "Đói thì phải đi làm, chứ thực sự không mê nghề đóng phim truyền hình đâu, tôi chỉ mê sân khấu thôi". Ông Trọng nói vui: "Với sân khấu, ông già thế này thì quỷ nó mời ông". Đúng thế thật. Phải xa ánh đèn sân khấu tôi rất buồn. Hồi mới về hưu, ngày nào tôi cũng đến nhà hát ngồi, xin vai nhỏ... nhưng không mấy khi có vai".
Niềm vui của lão nghệ sĩ Trần Hạnh trong những năm tháng về già là vẫn luôn được lớp con cháu nhớ tới, vẫn được mời đóng phim. Cứ mỗi lần đến phim trường, các con, các cháu... "túa" lại gọi bố, trêu chọc là ông thấy sung sướng không gì bằng.
Nghệ sĩ Tùng Dương, Quốc Quân... và rất nhiều nghệ sĩ đều trìu mến gọi Trần Hạnh là "bố".
"Vui lắm, được làm việc mà đồng nghiệp quý, gọi là bác, là anh, là bố là mừng lắm. Mà tôi mê diễn nên dù vất vả nhưng chưa bao giờ chán. Kiếp sau... còn được làm người, tôi vẫn muốn làm nghề này. Vì nghề này được sống nhiều nhân vật, nay ông này mai ông kia, nay tích cực, mai lại tiêu cực, thú vị lắm!
Ngày xưa, cứ ai mời đóng phim tôi nhận hết. Theo đoàn phim cả năm cũng không ngại. Ngày nào cũng "phi ngựa chiến" (cách Trần Hạnh gọi chiếc xe cúp 82) đến phim trường, chẳng hề hấn gì hết. Sau này, có tuổi rồi nên nếu người ta mời vai ngăn ngắn mà có xe đến chở thì tôi có thể tham gia được chứ vai dài là tôi không kham nổi", Trần Hạnh từng kể.
Vợ chồng nghệ sĩ Trần Hạnh có tất cả 7 người con, 2 trai, 5 gái... nhưng giờ chỉ còn 4. Trước kia, ngôi nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu. Gần chục năm trời, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não.
Năm 2011, vợ qua đời, ông lại phải chăm cậu con trai út bị ngớ ngẩn vì di chứng của một vụ tai nạn giao thông, chấn thương sọ não năm 1993. Thân gà trống nuôi con, hàng ngày, ông phải chợ búa, cơm nước, rau cháo, giặt giũ… Đi đâu, làm gì thì đúng giờ cơm ông phải về nhà để lo cho con.
Sau này, khi vợ chồng con trai lớn qua ở cùng, ông được san sẻ gánh nặng. Việc chăm lo nhà cửa, cơm nước… có cô con dâu tên Hồng một tay quán xuyến nên ông cũng nhẹ nhõm hơn để đi đóng phim.
Những năm tháng về già, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn thường ra tiệm tạp hóa của con dâu để ngắm xe cộ và trò chuyện cho nguôi ngoai nỗi buồn.
Con dâu ông tiết lộ, ngoài đời, lão nghệ sĩ sống bình dị, sạch sẽ và yêu thương con cháu. Thỉnh thoảng ông cho tiền các con để trang trải cuộc sống. Những năm tháng tuổi già, mắt bên trái của ông kém hẳn nên không đọc được kịch bản. Mỗi khi nhận lời đóng phim, ông toàn phải nhờ con dâu đọc cho nghe rồi tự ngồi nhẩm thoại. Ngoài ra, ông cũng bị một số bệnh về tim mạch và bệnh tuổi già.
Niềm vui tuổi già của lão nghệ sĩ trước khi qua đời là hàng ngày ngồi bán hàng phụ con dâu ở đầu phố Trần Quý Cáp. Mang tiếng ra phụ con dâu nhưng kỳ thực ông ra ngồi ngắm xe cộ qua lại và trò chuyện với con dâu cho đỡ buồn vì ở nhà một mình cũng cô quạnh. Một ngày ông thường ra cửa hàng con dâu hai lần, buổi sáng sớm và buổi chiều muộn. Nhiều hôm mưa ông cũng mặc áo mưa đi ra quán.
Hà Tùng Long
Vui lòng nhập nội dung bình luận.