Độc đáo lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam

Chủ nhật, ngày 29/01/2023 12:02 PM (GMT+7)
Lễ rước người sống độc đáo tại vùng đảo Hà Nam, Quảng Yên thu hút hàng nghìn người dân từ khắm nơi đổ về tham dự, nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công có công khai hoang mở đất.
Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 1.

Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh diễn ra Lễ hội Tiên Công 2023. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày từ mùng 4 Tết. Phần lễ chính rước các cụ Thượng về miếu Tiên Công được diễn ra vào ngày cuối cùng. Đây được coi là lễ hội rước người sống có một không hai của vùng đảo Hà Nam.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 2.

Hàng nghìn người dân và khách du lịch đổ về khu vực miếu Tiên Công để tham dự đoàn rước cũng như các phần của lễ hội. Nhiều người dân là con cháu trong các dòng họ sinh sống tại đảo Hà Nam. Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay lễ hội mới được tổ chức trở lại hoành tráng hơn.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 3.

Theo bia ký, gia phả ở miếu Tiên Công, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 vị Tiên Công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (nay là Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 4.

Lúc đầu tất cả sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm khi lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, các vị Tiên Công đã cùng gia đình quyết định dừng lại khẩn đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 5.

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công đã tìm ra nước ngọt, khai sinh ra khu vực đảo Hà Nam trù phú ngày nay. Ngoài ra, vào ngày này, các cụ cao tuổi (80 tuổi trở lên, gọi là cụ Thượng) được con cháu mặc áo gấm đưa lên nhà thờ họ sau đó về đình làng.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 6.

Các cụ Thượng sau khi được rước ra đình, nhận chúc phúc và mừng tuổi từ con cháu, sẽ nằm võng hoặc kiệu để con cháu tổ chức rước về miếu Tiên Công. Đoàn rước kéo dài hàng km đi qua các tuyến đường chính của đảo Hà Nam trước khi về miếu.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 7.

Ngay từ sáng sớm, con cháu của các dòng họ trong làng chuẩn bị lễ vật. Ngoài các lễ vật như rượu, thuốc, nước, không thể thiếu lợn quay, bánh dày, xôi... Để tổ chức một lượt rước, nhiều dòng họ chi hẳn vài trăm triệu đồng để sắm lễ, trang trí kiệu hoa, võng đào sao cho nổi bật, bắt mắt và thuê đội nhạc bát âm, đội múa lân đến biểu diễn.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 8.

Để tỏ lòng thành kính, con cháu trong họ đều dâng hoa và tham gia đoàn rước chúc thọ các cụ Thượng.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 9.

Đại diện làng Yên Đông, xã Yên Hải, thị xã Quảng Yên, cho biết lễ rước cụ Thượng năm nay làng có 11 cụ trong đó có 6 cụ 90 tuổi, 5 cụ 80 tuổi. Để góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này và tạo nguồn khuyến khích, động viên các gia đình, dòng họ tổ chức rước, thị xã Quảng Yên đã hỗ trợ mỗi đám rước tập thể 50 triệu đồng và mỗi đám rước cá nhân là 25 triệu đồng.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 10.

Cụ Vũ Thị Viên, 90 tuổi (mẹ liệt sĩ) trú làng Yên Đông, cho biết đây là lần thứ hai được con cháu tổ chức rước về miếu Tiên Công. "Ngày này con cháu họ hàng từ khắp nơi trên cả nước đều trở về để mừng thọ. Tôi cầu mong có thật nhiều sức khỏe để sống vui cùng con cháu", cụ Viên nói.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 11.

Cụ Vũ Thị Thùy và cụ Hoàng Thị Chuyên (đều 80 tuổi, trú phường Phong Hải) đạt 80 tuổi và là hai cụ Thượng đầu tiên trong đoàn rước đến miếu Tiên Công để bái lạy. Năm nay, Lễ hội Tiên Công có 202 cụ đến tuổi thượng thọ ở các tuổi 80, 90 và 100.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 12.

Cụ Nguyễn Quang Chuyền (80 tuổi, trú xã Yên Hải) cùng chung niềm vui được con cháu rước lên miếu đường làm lễ tổ. "Tôi được tiên tổ phù hộ, ban cho sức khỏe, giờ được các con cháu đưa lên bái đường Tiên Công tôi thấy rất phấn khởi và vui sướng. Về lễ tổ tôi chỉ cầu mong sao các con, các cháu thêm đoàn kết thuận hòa, làm ăn tấn tới", cụ Chuyền nói.

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 13.

Ngoài hoạt động rước cụ Thượng, tại miếu Tiên Công diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như thi đấu thể thao, chơi cờ, đánh đu, hát đúm...

Lễ rước người sống ở vùng đảo Hà Nam - Ảnh 14.

Lễ hội Tiên Công được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng nhân dân và du khách. Miếu Tiên Công được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia cùng với nhiều đình, nhà thờ họ tại vùng đảo Hà Nam.

 

PV (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem