Làng cổ Quất Động-vàng son một thủa nghề thêu, "nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài"

Thành Vinh Thứ tư, ngày 15/09/2021 06:05 AM (GMT+7)
Làng cổ Quất Động (huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội) cách trung tâm thành phố khoảng 25km, được coi là cái nôi của nghệ thuật thêu tay truyền thống.
Bình luận 0

Clip: Làng cổ Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội) và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay truyền thống.

Nghề thêu tay một thủa vàng son

Làng Quất Động nằm ở phía nam thành phố Hà Nội,  thuộc xã Quất Động huyện Thường Tín. Đây là một ngôi làng cổ nằm trong quần thể những làng nghề lâu đời gắn với đất Thăng Long kinh kỳ.

Từ xa xưa, làng Quất Động đã rât nổi tiếng với các sản phẩm thêu phục vụ lễ phục cung đình, quan lại.

Tương truyền rằng, ông tổ nghề thêu Quất Động là Tiến sỹ  Lê Công Hành, sống vào thế kỷ XIV thời nhà Lê. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, Tiến sỹ Lê Công Hành đã tiếp thu nghề thêu, sau khi về nước đã truyền lại cho người dân làng Quất Động, hình thành nên làng nghề thêu nức tiếng chốn kinh kỳ.

Xuyên suốt hơn  600 năm hình thành và phát triển nghề thêu, thêu tay Quất Động đã tạo nên những kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người Quất Động mới nắm bắt được. 

Bí quyết thêu tỉa màu của dân làng Quất Động vô cùng độc đáo, đường chỉ dài kết hợp với việc thêu theo lớp.

Những kỹ thuật thêu đặc sắc này mang lại cho các hình thêu màu sắc sống động, đường nét mềm mại, tôn lên vẻ đẹp của các bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cung đình, quan lại.

Trong lịch sử phong kiến, trang phục cung đình, quan lại hoặc giới quyền quý đều lựa chọn làng thêu Quất Động là nơi thực hiện việc hoàn thiện các hoa văn.

Đây là niềm tự hào của nhiều lớp người dân làng Quất Động, cũng là một nguồn tư liệu khảo cứu quan trọng trong quá trình tìm hiểu lịch sử và tái hiện trang phục trong lịch sử của những nhà nghiên cứu hiện đại.

Làng Thêu cổ Quất Động và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay  - Ảnh 2.

Toàn cảnh làng thêu Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Bước sang thời kỳ cận đại, làng thêu Quất Động mở ra một bước phát triển tiếp theo đó là Tranh thêu. Những tinh hoa của nghề thêu được áp dụng vào tranh thêu một cách triệt để.Từ đây những tác phẩm thêu nghệ thuật lần lượt được ra đời. 

Người làm tranh thêu còn được ví như một họa sỹ với sợi chỉ mũi kim, trước khi thêu các nghệ nhân phải vẽ phôi lên vải thêu, tính toán quá trình phối màu chỉ, từ đó tạo ra hiệu ứng về mảng màu, ánh sang cho bức tranh thêu. 

Sản phẩm tranh thêu Quất Động vươn xa ra khỏi biên giới Việt Nam, gây tiếng vang tại những thị trường có thị hiếu nghệ thuật cao và khắt khe như Đông Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản.

Làng Thêu cổ Quất Động và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay  - Ảnh 3.

Tranh thủ lúc nông nhàn, chị em trong thôn Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín) thêu gia công cho nhà may áo dài.

Thời điểm cực thịnh, tại làng Quất Động không hiếm gặp những gia đình có nhiều thế hệ cùng làm nghề thêu, khung thêu là vật không thể thiếu dưới những mái nhà. 

Người già và người trẻ, đàn ông và phụ nữ, tất cả đều tham gia vào việc thêu tranh. Điều đặc biệt ở làng Quất Động, những đôi bàn tay tài hoa nhất bên khung thêu lại là đàn ông.

Nhiều người trong số họ còn là nghệ nhân của nghề thêu tay. Trải qua nhiều biến động về thiên tai, địch họa, khung thêu và những đường nét thêu đã gồng gánh con người, nuôi sống người dân làng Quất Động suốt nhiều đời.

Làng cổ Quất Động và câu chuyện tương lai của nghề thêu tay

Xã hội của những năm 2000, một vùng đất có tiềm năng và nhịp phát triển mạnh mẽ của đồng bằng Bắc bộ như làng Quất Động bước sang một giai đoạn mới. Và nhiều sự thay đổi khiến ít người có thể hình dung được.

Làng Quất Động và huyện Thường tín cũng bước vào guồng quay của những khu công nghiệp, những nhà máy đang mọc lên mỗi ngày. 

Nhiều lựa chọn nghề nghiệp cũng như thu nhập được mở ra, người trẻ, những người sẽ tiếp nhận trọng trách giữ nghề của cha ông, đang rời xa khung thêu và mũi kim, đường chỉ.

Làng Thêu cổ Quất Động và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay  - Ảnh 4.

Từ bao đời nay, người dân Quất Động vẫn sống gắn bó với nghề truyền thống. Lớp ông bà truyền dạy cho con cháu, cứ thế lưu giữ và phát triển nghề đến ngày nay.

Chúng tôi gặp Nghệ nhân Hoàng Thị Khương trong một căn nhà nhỏ bên lỗi đi vào làng. Nơi đây vừa là xưởng thêu tranh nghệ thuật, vừa là nơi đào tạo nghề thêu cho các em nhỏ đam mê với khung thêu và chỉ màu.

Làng Thêu cổ Quất Động và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay  - Ảnh 5.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương đang đào tạo nghề thêu cho các em nhỏ đam mê với khung thêu và chỉ màu.

Theo nghệ nhân Hoàng Thị Khương, thu nhập, sự thủ công của việc thêu và sự cạnh tranh của máy móc là những nguyên nhân khiến làng nghề đang vơi đi nhân lực kế cận.

Với đặc thù là vùng ven của Hà Nội, nhà máy và khu công nghiệp mọc lên, cơ hội việc làm với thu nhập tốt hơn nghề thêu đang là lựa chọn của nhiều thanh niên ở làng. 

"Nếu thêu trang trí lên trang phục, công việc đòi hỏi kỹ năng thêu ở mức vừa phải, số lượng công việc ít, thu nhập bình quân của mỗi người làm dao động từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Quả thực, đây là một thu nhập rất khó hấp dẫn với những người trẻ...", nghệ nhân Hoàng Thị Khương chia sẻ.

Còn thêu tranh nghệ thuật như nghệ nhân Hoàng Thị Khương thì thời gian, công sức, kỹ năng cũng như tâm huyết bỏ ra là không hề nhỏ. Có những bức tranh cần đến 4 hoặc 6 tháng thậm chí là hàng năm trời để hoàn thành thì thu nhập sẽ cao hơn.

Làng Thêu cổ Quất Động và câu chuyện nỗi lo mai một nghề thêu tay  - Ảnh 6.

Một bức tranh thêu tay của người dân làng Quất Động với chủ đề "Trạng nguyên vinh quy bái tổ làng".

Tranh thêu và thêu trang trí lên trang phục cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ thêu máy. Cho dù sự khác biệt trong độ tinh xảo, mức sống động của đường nét thêu giữa thêu tay và thêu máy là rất dễ nhận ra.

Nhiều gia đình làm nghề thêu, nhiều cửa hàng cũng như công ty thêu tại làng Quất Động có một truyền thống không nhận đơn hàng lớn.

Vì đơn hàng lớn, áp lực thời gian giao hàng sẽ làm với bớt đi những tinh hoa trong tranh thêu. Cái tâm của người làm nghề, sự tự tôn về giá trị của truyền thống đã không cho phép người dân nơi đây đánh mất danh tiếng mà bao đời cha ông họ xây đắp.

img
img

Thoăn thoắt tay kim, đôi chim công trên tà áo dài trên khung thêu dần hiện ra rất đẹp, một nghệ nhân chia sẻ: “Tôi thường tranh thủ thêu lúc rảnh rỗi, chứ công việc đồng áng vẫn là chủ yếu. Năm nay, dịch covid cũng phức tạp nên tranh thủ nông nhàn tôi cũng thêu được khá nhiều sản phẩm tại nhà…

Hiện, đa số người làng nghề gia công cho các nhà may áo dài và làm theo đơn đặt hàng, mỗi ngày công được khoảng vài trăm nghìn đồng...

Đứng trước những thách thứ vô cùng lớn đó, hiện tại làng Quất Động, nghề thêu dần trở thành nghề thứ yếu ngoài nông nghiệp.

Nhân công thêu chủ yếu là phụ nữ trung, lớn tuổi. Thêu lúc nông nhàn, kiếm thêm thu nhập, người trẻ, người đàn ông, một lực lượng lớn tay thêu của ngày trước chuyển hướng đi làm công nhân nhà máy hoặc những nghề nghệp có thu nhập tốt hơn, bớt gò bó bên khung thêu.

Mong ước bên khung thêu

Hàng ngày, nghệ nhân Hoàng Thị Khương cũng như nhiều nghệ nhân lớn tuổi khác tại làng Quất Động, vẫn miệt mài bên khung thêu với những đứa trẻ. 

Bao nhiêu tâm huyết, bí quyết cũng như đam mê, họ đều muồn dành tặng lại cho thế hệ tiếp theo. Cho dù nhìn vào thực tại, đô thị hóa đang ngày một xích đến gần hơn lũy tre làng, những đứa trẻ sau này lớn lên có thể sẽ tìm đến với những lựa chọn nghề nghiệp thuộc về xã hội hiện đại. 

Điều bé nhỏ nhất mà các nghệ nhân muốn gửi gắm có lẽ là linh hồn của làng nghề, gieo vào sâu tâm hồn những thế hệ tiếp theo của làng Quất Động những hạt mầm từ quá khứ. 

Cho dù mai sau đi đến đâu và làm bất cứ điều gì, ngồi bên khung thêu, cầm lấy cây kim sợi chỉ, trong tiềm thức vẫn biết mình đến từ đâu, vẫn biết biến những vật vô tri, mỏng manh đủ màu trở thành một bức tranh, một tấm hình mang hồn cốt của người làng Quất Động.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem