Những ngày trước Tết là vui nhất!

img
img
img
img
img

Chợ hoa Phúc Lộc Thọ tại quận Cam ở tiểu bang California, Mỹ thu hút người Việt cũng như người dân địa phương và du khách tới tham quan, mua sắm trước Tết Nguyên đán. Ảnh Phan Tiểu Vân.

Chị Phan Tiểu Vân, đã định cư ở Mỹ 25 năm và hiện sinh sống tại thành phố San Jose - trung tâm của Thung lũng Silicon chia sẻ, dù sang Mỹ định cư đã hơn 2 thập kỷ, nhưng mỗi năm khi Tết đến gia đình chị cũng như bao người Mỹ gốc Việt đều cảm thấy nôn nao, bồi hồi, nhớ về quê hương, nguồn cội.

"Tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt ở đây đều cố gắng gìn giữ các phong tục cổ truyền ngày Tết. 23 tháng chạp vẫn cúng đưa ông Táo, đêm 30 cúng trời đất, rước ông bà với mâm cơm cúng đủ đầy. Không khí trước Tết là vui nhất, những con đường xung quanh khu vực tập trung nhiều người Việt sinh sống đều đông đúc, tấp nập, thậm chí có lúc bị kẹt xe. Mọi người đổ xô đến đây sắm Tết. Ai cũng mua hoa, vật dụng trang trí, bánh mứt, giò chả… để cả gia đình quây quần ăn Tết", chị Phan Tiểu Vân cho biết.

Theo chị Vân, ở Mỹ, tiểu bang California là nơi cộng đồng người Việt sinh sống nhiều nhất, tập trung chủ yếu ở quận Cam ở phía Nam và thành phố San Jose ở phía Bắc. Quận Cam nổi tiếng có chợ hoa trước khu thương xá Phúc Lộc Thọ, năm nay mở từ 4/1- 21/1, thu hút người Việt đến mua sắm cũng như cũng như tìm lại không khí Tết cổ truyền. Chợ hoa Phúc Lộc Thọ cũng thu hút người dân địa phương đến tham quan và vui nhất là vào buổi tối sau 18h chiều, khi các gian hàng ẩm thực đường phố bắt đầu nhộn nhịp bếp núc phục vụ thực khách.

"Các bà các cô thướt tha trong tà áo dài đi ngắm nghía và chọn hoa. Trẻ em thì vây quanh đoàn lân nhảy múa trong tiếng trống rộn ràng. Các ông chồng khuân từng bó hoa mai, hoa đào loay hoay chất vào xe, không khí náo nhiệt không khác gì chợ Tết ở Việt Nam", chị Vân nói.

img
img
img
img

Chị Phan Tiểu Vân xúng xính áo dài tới chợ hoa Phúc Lộc Thọ tại quận Cam ở tiểu bang California để sắm Tết. Ảnh Phan Tiểu Vân

Trong khi đó, TS.Đinh Hùng Cường, Giám đốc phòng nghiên cứu và phát triển Viện hóa nước biển Kitakyushu - đã sinh sống và làm việc ở Nhật Bản hơn một thập kỷ chia sẻ, cũng như nhiều kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhất là thời gian chuẩn bị cho Tết cổ truyền có ý nghĩa rất đặc biệt với những người con đất Việt xa xứ.

"Tôi rời quê hương từ những năm sau khi học hết đại học ở Việt Nam nên những ký ức về Tết từ khi còn nhỏ tới khi trưởng thành vẫn còn khá đậm nét. Do đó, dù bận rộn đến thế nào hay đang ở đất nước nào thì gia đình tôi vẫn luôn cố gắng chuẩn bị một cái Tết cho đúng với tập tục của người Việt. Người Nhật ăn tết Dương lịch, vì thế tết Nguyên đán, người Việt vẫn phải đi làm bình thường. Gia đình tôi chỉ có thể tranh thủ các ngày cuối tuần, hay các buổi tối hằng ngày để chuẩn bị các công đoạn cho Tết như dọn dẹp nhà cửa, trang trí khu vực sẽ bày mâm ngũ quả, chuẩn bị cá để ngày ông Công ông Táo sẽ thả ra sông, nấu chút xôi chè tái hiện tại không khí tiễn ông Công ông Táo lên trời và cũng như là để chia tay năm cũ", TS.Đinh Hùng Cường cho biết.

Anh Cường chia sẻ thêm rằng, trong những năm gần đây, người Việt Nam ở Nhật Bản ngày càng đông do đó, nhu yếu phẩm của người Việt được các bày bán tại các chợ khá dồi dào. Người Việt ở Nhật Bản sẽ không khó để mua được lá dong, đỗ xanh, gạo nếp là những nguyên liệu gói bánh chưng ngày Tết. Ngoài ra, vào dịp Tết cổ truyền, gia đình anh cũng tự làm các món như giò tai, thổi xôi hay đi xin chữ của sư trụ trì ở chùa Việt Nam tại Nhật Bản để trang trí cho ngày tết cùng những câu đối, cành hoa anh đào và do đó mâm ngũ quả của gia đình cũng khá đầy đủ.

"Năm nay gia đình chúng tôi cũng đã chuẩn bị được hoa anh đào, câu đối đỏ, lì xì, mâm ngũ quả cho Tết. Hiện tình hình dịch bệnh cũng đã được khống chế khá tốt, việc đi lại giữa hai nước cũng thuận lợi hơn nhiều nên người thân ở Việt Nam cũng gửi được nhiều đồ Tết qua như mứt, ô mai, rượu tết, các vật dụng trang trí Tết… Nói chung, mọi thứ đều đã đủ để làm nên một cái Tết đầm ấm", anh Cường cho biết.

img
img

Con gái TS.Đinh Hùng Cường, Giám đốc phòng nghiên cứu và phát triển Viện hóa nước biển Kitakyushu ở Nhật Bản giúp bố mẹ trang trí mâm ngũ quả và cành đào để đón Tết. Ảnh Đinh Hùng Cường.

Anh Nguyễn Văn Thạch, quê ở Hà Tĩnh, đang làm đầu bếp ở Mesaieed, Doha, Qatar cho biết, Tết Quý mão 2023 là cái Tết thứ 2 anh xa gia đình. Tuy ở xa quê, nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, anh Thạch và anh em đồng hương ở Qatar đều cố gắng liên lạc, lên kế hoạch chuẩn bị đón Tết cùng nhau thật chu đáo, cẩn thận.

"Khi Tết sắp ùa về, tôi cũng như bao người con Việt Nam xa quê làm ăn đều có chung cảm giác bồi hồi nôn nao, hơi đượm buồn vì không được ở bên gia đình vào dịp đặc biệt này. Dù xa quê, nhưng phong tục của người Việt trong Tết cổ truyền thì chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn. Ở Qatar, nhu yếu phẩm cho người Việt không phổ biến, nhưng tôi và các anh em đồng hương vẫn cố gắng sắm sửa thực phẩm đón Tết cùng nhau cho vơi nỗi nhớ quê nhà", anh Thạch chia sẻ.

Người Việt ở nước ngoài rộn ràng đi chợ Tết, háo hức bày mâm ngũ quả đón Xuân Quý mão 2023 - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Thạch cho biết, ở Qatar, nhu yếu phẩm cho người Việt không phổ biến, nhưng tôi và các anh em đồng hương vẫn cố gắng sắm sửa thực phẩm đón Tết cùng nhau cho vơi nỗi nhớ quê nhà. Ảnh NVCC

Tết Việt không thể phai nhạt trong chúng tôi!

Chị Phan Tiểu Vân cho biết, dù gia đình đã định cư ở Mỹ hơn 2 thập kỷ và các con chị đều được sinh tại đây, hưởng thụ nền giáo dục Mỹ, nhưng chị luôn cố gắng dạy dỗ, chia sẻ với các con về Tết cổ truyền và các phong tục ngày Tết của người Việt Nam, để nuôi dưỡng tình yêu của các con đối với nguồn cội, với đất mẹ.

"Các con chị tuy sinh ra ở Mỹ nhưng đều hiểu biết về Tết và các phong tục ngày Tết cổ truyền do được cha mẹ ông bà kể lại và trường Việt ngữ ở đây giảng dạy. Các con được khuyến khích phụ người lớn dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết, được ăn các món truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt kho… Và nhất là được diện áo dài đi lễ chùa, được mừng tuổi vào những ngày đầu Năm mới", chị Vân cho biết và kể thêm rằng, do gia đình hai bên nội của chị đều định cư ở Mỹ nên vào dịp Tết mọi người tụ tập, quầy quần khá đông đủ. Một số người ở xa không về được, sẽ chúc Tết qua mạng hoặc điện thoại.


"Tết Nguyên đán là dịp gia đình cùng sum vầy, bạn bè thăm hỏi nhau và chúc Tết thầy cô. Chị cũng mong sẽ thu xếp được thời gian, công việc để về thăm lại bạn bè và thầy cô giáo cũ", chị Vân nói.

img
img

Chị Phan Tiểu Vân luôn dạy dỗ, chia sẻ với các con về Tết cổ truyền và các phong tục ngày Tết của người Việt Nam để nuôi dưỡng tình yêu của các con đối với nguồn cội, với đất mẹ. Ảnh Phan Tiểu Vân.

Anh Đinh Hùng Cường cho biết, năm nay may mắn mùng 1 Tết nhằm đúng vào ngày Chủ nhật nên gia đình anh sẽ có nhiều thời gian bên nhau hơn và sẽ cùng nhau lên chùa câu may vào ngày đầu năm mới.


"Dù ở đâu mình vẫn là người Việt Nam, vẫn giữ đậm chất con người Việt Nam. Tuy không thể năm nào cũng về ăn Tết đoàn viên cùng đại gia đình ở Việt Nam được nhưng chúng tôi cũng cố gắng thu xếp một hai năm sẽ ăn Tết ở Việt Nam một lần để vun đắp tình cảm gia đình, cũng như nhắc nhở các con hiểu và trân trọng phong tục tập quán của đất nước mình. Dù ở đâu, dù thời gian ở nước ngoài dài bao lâu thì tâm thức về Tết Việt không thể phai nhạt trong chúng tôi", anh Cường nhấn mạnh.


Là người tích cực tham gia tổ chức Tết cộng đồng hàng năm cho Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản, anh Cường cho biết, anh cảm thấy rất thiêng liêng và ấm áp khi được đón Tết sớm cùng những người đồng hương có cùng hoàn cảnh ăn Tết xa nhà.


"Tết cộng đồng là nơi để bà con cùng đón Tết với nhau, thắt chặt tình đồng hương ở nơi xa. Mọi người có thể đến từ khắp các vùng miền của Việt Nam, tôn giáo có thể khác nhau, nhiều người trước đó có thể không biết nhau nhưng khi cùng chuẩn bị đón Tết, trong không khi vô cùng ấm cúng ấy, mọi người như xích gần lại với nhau hơn, cùng nhau đón một năm mới vui vẻ và vơi dần đi nỗi nhớ nhà. Tôi mong muốn rằng, tất cả bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới luôn có được một không khí tết cổ truyền đầm ấm bên nhau, Tết cổ truyền cần được duy trì trong mỗi con người Việt Nam, còn truyền thống là sẽ luôn nhớ về cội nguồn", anh Cường nói.

Người Việt ở nước ngoài rộn ràng đi chợ Tết, háo hức bày mâm ngũ quả đón Xuân Quý mão 2023 - Ảnh 6.

Anh Đinh Hùng Cường nhấn mạnh rằng, Tết cổ truyền cần được duy trì trong mỗi con người Việt Nam. Ảnh NVCC.

Anh Nguyễn Văn Thạch cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi dù đi đâu, sống ở đâu vẫn mang trong mình dòng máu Việt nên Tết đến, có thể không thể chuẩn bị đầy đủ như ở quê nhà, nhưng vẫn cố gắng tụ họp bên nhau, chúc nhau một năm mới bình an may mắn thuận buồm xuôi gió. Năm mới, tôi mong gia đình có nhiều sức khỏe, bình an, may mắn. Bước sang năm mới bản thân tôi là một người con xa quê hương, chúc cho mọi người Việt trong nước cũng như ngoài nước một năm mới sức khỏe bình an vạn sự như ý!".



Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem