Nhộn nhịp chợ giữa đồng mùa nước nổi nơi đầu nguồn biên giới An Giang
Nhộn nhịp phiên chợ đặc biệt giữa đồng nước nổi nơi đầu nguồn biên giới An Giang
Thứ năm, ngày 15/09/2022 11:44 AM (GMT+7)
Mùa nước nổi năm nay, ở thượng nguồn biên giới An Giang, nước về sớm hơn so với những năm trước. Trên các cánh đồng thuộc khu vực biên giới thuộc xã Phú Hội, huyện An Phú, nước đã về tràn đồng, một màu trắng xóa. Nước về cá cũng theo về. Đây cũng là lúc những phiên chợ nổi đặc biệt nơi đây được tổ chức.
Nhộn nhịp phiên chợ đặc biệt giữa đồng nước nổi nơi đầu nguồn biên giới An Giang
Theo bà con ngư dân nơi đây, mùa nước lũ năm nay về sớm hơn những năm trước khoảng một tháng, vào khoảng tháng 6 nước bắt đầu về và khoảng tháng 7,8 nước tràn đồng. Hiện nước trên các cánh đồng cao hơn năm ngoái khoảng 7 tấc. Nước về cá cũng theo về, nên bà con làm nghề đánh bắt thủy sản mùa nước lũ năm nay cũng phấn khởi hơn. Ảnh: Hồng Cẩm
Tại chợ Kinh Ruột (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú), năm nay nhộn nhịp hơn hẳn những năm trước. Ảnh: Hồng Cẩm
Theo người dân nơi đây cho biết, Chợ Kinh Ruột có cách nay khoảng 25 năm. Nằm giữa cánh đồng bao la nước, hàng chục ghe, tàu lớn nhỏ tập trung về đây để mua bán thủy sản. Ảnh: Hồng Cẩm
Đây là nơi tập kết cá của các ngư dân đánh bắt cá mùa lũ đi phân phối các chợ khu vực. Ảnh: Hồng Cẩm
Chợ Kinh Ruột bắt đầu họp chợ vào khoảng đầu tháng 6 hàng năm, khi nước lũ đầu nguồn bắt đầu đổ về, đến hết tháng 11 thì kết thúc. Ảnh: Hồng Cẩm
Hàng ngày chợ bắt đầu hợp từ khoảng 5h sáng, với những ghe thu mua cá neo đậu sớm chờ ngư dân đi thu hoạch cá đem về bán. Ảnh: Hồng Cẩm
Khoảng 4h sáng, người dân bắt đầu đi đổ dớn, đổ đục, lú, lộp... đến khoảng 6h, sau khi thu hoạch xong bắt đầu phân loại cá và đem lại chợ bán. Ảnh: Hồng Cẩm
Ông Nguyễn Văn Hò (81 tuổi, ấp Phú Thuận, xã Phú Hội) đang đổ dớn trên đồng Phú Thuận, cho biết: Ông làm nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở đây mấy chục năm qua. Hàng năm sau khi thu hoạch lúa thì ông đi đặt dớn để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hồng Cẩm
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hò cho biết: Những năm trước nước lũ cao, cá về nhiều, với 20 cái dớn ông kiếm tiền triệu mỗi ngày, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây nước thấp, mỗi ngày ông kiếm được tầm 200-300 nghìn đồng. Năm nay nước về sớm cá có đỡ hơn, từ tháng 6 đến nay mỗi ngày ông kiếm được từ 400-500 nghìn đồng. Ảnh: Hồng Cẩm
Mang cá lại chợ bán, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mía (39 tuổi, ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) cho biết, anh có 3 đứa con, gia đình anh không có ruộng vườn, hàng ngày sống bằng nghề làm thuê. Khoảng 2 năm nay anh vay được ít vốn đầu tư làm được 10 cái dớn, từ đầu mùa lũ đến nay mỗi ngày vợ chồng anh cũng kiếm được 500 nghìn đồng. Ảnh: Hồng Cẩm
Phấn khởi hơn những hộ dân khác, nhờ đánh bắt đồng xa, cá trúng hơn, anh Lâm Thành Ngân (48 tuổi, xã Bình Phú, huyện Châu Phú), cho biết, đầu mùa lũ năm nay anh theo dõi được biết dự báo nước về cao nên anh đầu tư 40 triệu đồng làm 20 cái dớn. Ảnh: Hồng Cẩm
Nhờ chịu khó đi đồng xa, mà mỗi ngày anh Ngân đánh bắt được khoảng 70-80kg cá linh, cá kết, cá chạch, tép, ốc... thu nhập từ 2-3 triệu đồng/ngày. Ảnh: Hồng Cẩm
Chị Nguyễn Mỹ Hằng, chủ ghe thu mua cá trên chợ Kinh Ruột cho biết, năm nay ít, chủ yếu là cá linh ngày thu mua khoảng 500kg, còn các loại cá khác như, cá chốt, cá chạch, cá kết,... mỗi ngày vài chục ký. Đối với cá linh thì sẽ phân phối đi bán xa, còn các loại cá còn lại chủ yếu bán chợ gần. Ảnh: Hồng Cẩm
Loại cá được bà con ngư dân thu hoạch nhiều nhất là cá linh, hiện giá khoảng 25.000 đồng/kg. Ảnh: Hồng Cẩm
Các loại cá có giá cao là cá kết, cá chạch, cá chốt khoảng từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/kg. Ảnh: Hồng Cẩm
Tép trấu có giá 50.000 đồng/kg. Ảnh: Hồng Cẩm
Cua đồng, giờ đã thành món đặc sản. Nhưng ở đây cũng chỉ có giá khoảng 10.000 đồng/kg.Ảnh: Hồng Cẩm
Những mẻ ốc rất tươi, ngon. Ảnh: Hồng Cẩm
Hồng Cẩm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.