Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong vai những người nghiên cứu về cá cúi, chúng tôi đến xã Hàm Ninh và xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tìm hiểu và muốn có mẫu vật phẩm để nghiên cứu.
Sau khi thăm dò, thấy chúng tôi có vẻ "thật thà", vài người bắt đầu ra giá. Một phụ nữ nói: "Tôi sẽ cung cấp cho các anh. Tôi vẫn mua ăn hoài. Con dugong này thì da nó dày lắm, khách mua phải mua cả lớp mỡ dày nữa, thì ăn mới ngon. Chứ nạc không thì chưa ra được cái chất con cá cúi (trong vùng thường gọi dugong là cá cúi - PV)".
Một bà bán nước dừa mô tả: "Tôi vẫn hay mua ăn. Họ mang từ biển về, họ cắt nhỏ và bỏ vào các túi nilon màu đen. Có khi họ cho vào xe đẩy mang ra chợ, gặp ai cũng ghé tai thì thào, hỏi có mua cá cúi hay mỏng (rùa biển) không? Tôi nghèo, có khi chỉ đủ tiền mua 2 lạng 3 lạng thôi. Họ ngại đem ra cắt, vì hàng đông đá do giết mổ từ ngoài biển cấp đông mang vào, rất khó cắt nhỏ. Người ta toàn mua một hai ký lô cá cúi về ăn".
Nói rồi, chị gọi mối quen hỏi "hàng" cho chúng tôi.
Tôi giả đò ngạc nhiên, bảo: "Vô lý, anh chị mô tả rất khó tin. Cá cúi tuyệt chủng rồi". Chị H. giới thiệu chúng tôi vài chỗ tìm mua "ăn thử cá cúi Phú Quốc".
Tại trục đường chính dẫn từ UBND xã Hàm Ninh ra biển, một con kênh dài bên phải, bên trái là dãy các vựa bán cá ngựa, bán thủy hải sản san sát.
Chủ vựa tên Ng. (toàn bộ tư liệu, hình ảnh vi phạm của người này chúng tôi đã gửi tới lãnh đạo tỉnh Kiên Giang), vốn là dân từ Rạch Giá (tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang) ra đây làm ăn đã khá lâu. Cô này bán nhiều loại hải sản, bán sỉ bán lẻ rất tấp nập. Khi khách hỏi mua thịt mỏng và cá cúi, cô nhìn khách dò xét rồi mời vào nhà chơi.
Tôi đến, đã thấy vài khách ngồi nhâm nhi. Nam có, nữ có. Hóa ra vị này mua "hàng độc" từ Ng từ lâu và Ng cùng vài người đang chế biến cho cặp nam nữ kia thưởng thức. Vài người chê tanh, chê dai, không ăn.
Cá cúi - Ng lí nhí giới thiệu, "hàng này nguy hiểm lắm, bé mồm thôi". Rồi cô cười lả lơi, nói là em bỏ chồng chứ không phải chồng em nó dám bỏ em. Ra đây làm ăn "thoáng". Xe tải trờ đến, bốc hàng ghẹ, cá các loại của Ng đem đi, đơn hàng của cô bay khắp Hà Nội, TP HCM.
Ng nói: "Giá thịt cá cúi hồi này đắt. Vì ít hàng, vì người ta cũng sợ bị bắt khi lén lút đi săn, giết mổ và bán thịt chúng. Biển giờ hiếm hàng lắm, đến bộ "tứ hải long vương", cá ngựa, rắn biển…, cào cả ngày được có vài con. Nữa là cá cúi. Con cá cúi to lắm, để em gọi điện thoại hỏi người ta xem còn hàng không đã nhé. Em là mối quen họ mới dám bán, chứ bị bắt là chết".
Nói rồi, Ng cho chúng tôi xem "hàng" đang làm cho toán khách ngồi nhậu. Thịt cá cúi trắng mỡ, bì dày cả 2cm, cắt sẵn từng "dải" đủ da, mỡ, thịt khoảng 1kg- họ trữ đông lạnh cứng quèo. Da dugong rất rất dày và cứng, nhưng dân nhậu thì thích lắm, Ng nhấn mạnh: "Em nấu thật lâu, có khi 2 tiếng đồng hồ ấy".
Mấy gã nhậu thì bảo, da dày và mỡ dày, đó là đặc điểm không lẫn đi đâu được của thứ "đặc sản" siêu hiếm!
"Họ đã mua nhất định đòi cả bì và mỡ con này, vì họ tin là dùng mỡ của nó chữa hắc lào lang ben rất hiệu nghiệm" (niềm tin mù quáng - lời bình của tác giả). Ng bảo, giá là 2 triệu đồng một ký (kilogram). Không có hàng mà bán, có khi có hàng thì lại… sợ không dám bán.
Khi chúng tôi đòi xem hàng, Ng một mực bảo trong khu nhà rộng vô số tủ đông của Ng không có thịt cá cúi/dugong. Mà để ở nhà bà khác, tí Ng đi lấy hoặc bà đó đem đến mới xem được. Ng cũng chỉ giao hàng cho chúng tôi ở địa điểm khác, nếu muốn mua.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, từ lúc gọi điện thoại cho ai đó, đến lúc Ng giao hàng cho khách, cô ta không ra khỏi cái vựa hải sản mà cô làm chủ. Khả năng cao là hàng ở trong nhà.
"Thế giờ họ bắt em vì đang làm thịt dugong cho khách ăn tại nhà thì sao?", tôi hỏi đùa.
Ng thản nhiên: "Về danh nghĩa nhé: em không bán, mua; không giao dịch thịt dugong và thịt rùa biển tại đây. Khách mua ở đâu qua đây nhờ em chế biến, em chế biến giúp họ, chứ đâu biết đó thịt con gì? Tội đâu khách chịu chứ". Hóa ra Ng giao hàng ở nơi khác, nhưng vẫn chế biến món ăn cho khách vì lẽ đó.
"Con này phải biết nấu mới ăn được, kẻo nó tanh. Biết nấu thì rất ngon. Cần phải mất 1-2 tiếng mới chế biến xong, vì sau khi ướp tẩm phải nấu rất lâu thì thịt da nó mới mềm ra được. Lúc cắt nhỏ thịt ra cũng rất dai. Nhưng ngon (?), nó là "đặc sản" nhiều người săn lùng!", Ng tiếp tục thuyết phục chúng tôi.
Cách nhà Ng không xa, ở góc đảo bên kia, thuộc xã Bãi Thơm (TP Phú Quốc), chúng tôi được ông N dẫn vào nhà ông Đ. xem cả một tủ đông toàn thịt rùa biển và dugong.
"Chân tay" rùa biển vàng ươm, tôi chứng kiến họ chặt xác con rùa, rơi ra các bộ phận cứng quèo, móng, vảy, "mái chèo", vàng óng, trơn láng. Ông Đ nói đó là "thi thể" của rùa biển bị cắt ra bỏ vào tủ đông. Theo quan sát của chúng tôi, chính xác là con rùa biển. Ai không muốn tin cũng phải tin.
Ngẫu hứng, vừa nhậu thịt rừng hỉ hả, ông Đ vừa thuận tay giật cầu giao, ngắt điện tủ đông. Bảo, rùa biển thì quá "thường". Chờ tí tao cho xem thịt dugong cho khỏi tò mò. Sao ông lại ngắt điện?
Chúng tôi hỏi. Ông Đ tủm tỉm: "Cả cái tủ nó đông cứng vào với nhau, thịt dugong tao để bên dưới, nếu không rút điện cho nó mềm ra thì có trời… moi được".
Rồi ông cười ha hả nhậu thịt kỳ đà tiếp.. Trong nhà ông, xương sọ con dugong (theo cách giới thiệu của ông) trắng toát. Ông rủ rỉ với niềm tin mê muội có gì đó tâm linh: "Giữ trong nhà tốt lắm, nghiền ra trị bệnh thì… khỏi nói!".
Trời! Lần đầu tiên tôi chứng kiến các bộ phận của nàng tiên cá nằm lăn lóc. Ông Đ nói, hỏi các chuyên gia (sau khi xem ảnh và video của chúng tôi) cũng xác nhận: 99% đó là dugong thật. Tự ông Đ giới thiệu các "mặt hàng" ông giữ trong tủ đông. Nào thì: Đuôi (hoặc vây) "nàng" là một cái mái chèo cong về hai phía rất duyên dáng. Các súc thịt nục nạc.
Tất cả đều thê thảm nằm dưới sàn, bì (da) nàng dày đúng như em Ng nói. Người ta bảo, "nàng tiên cá" có tiếng "hát" mê hồn, lại có hai bầu nhũ hoa rất đẹp (gợi nhớ đến cơ thể người) khi nuôi con, dáng bơi yểu điệu, nhất là khi nàng ngoi lên mặt nước và ngửa ngực tròn lên giỡn nước, tính tình hiền lành đủng đỉnh, nên mới đặt thành tên mơ mộng đến như thế. Và hỡi ôi…
Ông Đ thủ thỉ, trong căn nhà dạng biệt thự, bát ngát rừng dương, rừng dừa xung quanh, nhà ông nhìn thẳng ra biển: "Ở đây không ai có con cá cúi (nhiều) như tao. Bây giờ mà giết mổ, sử dụng, nó (cơ quan chức năng) bắt được nó phạt cho đó. Cá cúi, mày tin không, tao mua cả con về đây tao làm (thịt) mà. Đấy, mở tủ ra, cái đuôi của con cá cúi, dugong đó, con này nặng 500 ký đấy. Một mình, buổi tối tao làm (thuê người giết mổ) thuê cả người canh gác đề phòng). Tao cũng mua rùa biển cả con vẫn sống, nặng 60kg về giết mổ tại nhà này".
Ông cũng tiết lộ là "trợ thủ" với ông, "canh gác" cho ông, còn có vài người nữa, thậm chí người trong các cơ quan khá quan trọng ở địa phương? Điều này, dù ông nói ra, nhưng chưa xác minh được, chúng tôi sẽ thận trọng xác minh khi có dịp…
Trước khi vào cuộc, chúng tôi đã được vài chuyên gia tập huấn cho cách nhận biết thịt cá cúi, con dugong và tập tính của chúng. Dĩ nhiên, những tảng thịt mà chủ buôn Ng và ông Đ nói, rồi la liệt "hàng" họ đưa ra; họ tự nói là cắt từ con dugong/cá cúi ra; thì chả có lý do gì nó… không là thịt dugong cả.
Bởi Ng bán hàng chục loại hải sản, từ cánh tay (mái chèo) của con rùa biển, đến thịt rùa, thịt dugong đã nhiều năm, "uy tín" lắm. Bản thân ông Đ cũng không bán hàng, chỉ là người ngẫu hứng khoe giàu, khoe "tay chơi", với các bộ phận cơ thể dugong bị phanh xác trữ trong tủ đông nhà ông thôi. Ông chả bịa ra làm gì. Hơn thế, đuôi, cơ thể, xương của chúng vô cùng rõ ràng qua "nhận định" của nhiều chuyên gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.