Trong cuộc trò chuyện riêng với Dân Việt nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra vào 24/11, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề khó khăn, bất cập đang tồn tại của ngành di sản văn hóa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 1.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do dịch Covid-19. Vậy việc tổ chức các hoạt động xoay quanh sự kiện này có gì khác biệt so với mọi năm, thưa PGS.TS?

- Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) từ năm 2005 đến nay đã trở thành ngày hội, ngày truyền thống của ngành di sản văn hóa. Đây không chỉ là ngày hội đối với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, ngày hội của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản mà còn là ngày hội đối với tất cả những người có tấm lòng, tâm huyết, tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc. Không thể phủ nhận những thành tựu di sản văn hóa đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, giáo dục truyền thống con người Việt Nam. 

Giữa bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với sự phát triển kinh tế xã hội là mối quan hệ biện chứng. Việc giải quyết mối quan hệ này không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những nước tiên tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi chúng ta muốn bảo tồn di sản văn hóa thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội. 

 Sau khoảng 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, hiện tại chúng ta cũng đang có sự tiến hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Để thực hiện việc này, Bộ VHTTDL cũng đã tổng kết, đánh giá, kiểm tra những vấn đề còn tồn đọng và cả những bất bất cập. Đây là câu chuyện lớn và trong tương lai sẽ cần có nhiều hội thảo, chương trình được tổ chức để chúng ta cùng nhau bàn luận. 


PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 2.

Tôi cho rằng, không phải chờ đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới mà ngành di sản văn hóa đã ban hành rất nhiều văn bản thực tiễn suốt nhiều năm qua. Sự kỳ vọng không chỉ nằm trên lý thuyết mà mong muốn sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 khép lại sẽ được chuyển biến vào thực tế của xã hội bằng những giải pháp cụ thể, hữu hiệu.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên để tập trung đông đảo mọi người cùng tổ chức ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay cũng hạn chế. Mặc dù vậy, Nhà nước cũng như Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp để thực hiện một số sự kiện như:

Ngày 19/11, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức triển lãm "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên". Đây là sự kiện trưng bày về gốm Việt Nam được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage Bảo tàng đến hết tháng 12/2021. 

Đây cũng là triển lãm đầu tiên chúng ta giới thiệu sưu tập của tư nhân với nhiều hiện vật quý tới công chúng. Điều này chứng tỏ rằng, Nhà nước cũng khuyến khích các tư nhân sưu tập, bảo quản, tuyên truyền những di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và một số ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển lãm: "Không gian văn hóa Việt Nam". Trong sự kiện, có một không gian riêng do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thực hiện triển lãm với tên gọi "Di sản quanh ta" với nội dung: Trưng bày và trình diễn thời trang áo dài truyền thống; Trưng bày ảnh nghệ thuật chủ đề "Di sản ký ức"; Trưng bày "Di sản nghề truyền thống"; Quảng bá giới thiệu dự án du lịch di sản...


img
img
img

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cùng các nghệ nhân trao tặng áo dài ngũ thân truyền thống cho các bảo tàng. Đây là sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và chào mừng Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.


Theo ông, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng ra sao?

- Năm nay, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam diễn ra trong thời điểm đặc biệt kỷ niệm 76 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945-23/11/2021) và được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (24/11).

Trước đó, tại các Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đây cũng là nền tảng cho thấy đất nước ta không chỉ phát triển về chính trị, kinh tế mà văn hóa cũng phải được đề cao.

Ngày 24/11 Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ chính thức diễn ra. Điều này cho thấy văn hóa là nền tảng, động lực, mục tiêu và phát triển của xã hội. Quan điểm đó được nhất quán và từ xưa đến nay, di sản văn hóa chiếm một phần rất quan trọng, vừa là bản sắc dân tộc, vừa là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cho thấy sự nghiệp phát huy, bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam có bước tiến rất lớn so với trước. Cụ thể, trước thời điểm năm 2001, khái niệm văn hóa còn mờ nhạt, di sản văn hóa chưa được đặt ở vị trí quan trọng trong xã hội.

Tuy nhiên, từ khi có Luật Di sản Văn hóa đã cho thấy rõ sự tiếp cận của di sản văn hóa Việt Nam với thế giới. Căn cứ vào tình hình đổi mới của đất nước, rõ ràng, quan điểm của chúng ta về di sản văn hóa cũng rộng lớn hơn rất nhiều.

Nhiều khái niệm mới, tư duy mới, quan điểm mới được thể hiện ở Luật Di sản văn hóa. Theo sau đó là những Nghị định, thông tư hướng dẫn để triển khai Luật Di sản văn hóa được ban hành.


PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 4.

Phải thừa nhận, trong văn hóa không một lĩnh vực nào mà có nhiều văn bản, luật quy định như ở ngành di sản văn hóa. Chính nhờ cách quản lý, luật pháp vào cuộc đã có tác động đẩy mạnh sự nghiệp, phát huy giá trị di sản của chúng ta.

Hiện nay, nhiều di tích được xếp hạng, trong đó cả nước có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều di sản phi vật thể quốc gia, bảo vật quốc gia… Ngoài ra, chương trình chống xuống cấp di tích cũng góp phần bảo vệ di tích rất nhiều.


PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 5.

Theo ông, việc gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?

- Chúng ta cũng phải thừa nhận những bất cập, khuyết điểm và những khó khăn ngành di sản văn hóa đang phải đối mặt.

Khi văn hóa phải dựa trên kinh tế của đất nước nên khó khăn trong việc đầu tư cho các di tích. Và thực tế, các di tích xuống cấp trầm trọng rất nhiều. Chúng ta chưa kịp thời, chưa có đủ điều kiện kinh phí để hỗ trợ trùng tu với hơn 40.000 di tích văn hóa, lịch sử trên cả nước, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Việc đầu tư chống xuống cấp các di tích, phát huy giá trị của những di tích hiện nay của chúng ta vẫn tồn tại những hạn chế.

Ngoài ra, những bảo tàng của nước ta hiện nay "nói nhiều không phải nhiều, nói ít không phải ít" nhưng đang đứng trước khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu hụt những trang thiết bị bảo vệ, bảo quản các hiện vật.

Ngay cả những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, các trang thiết bị bảo quản rất yếu. Vấn đề nữa khi đề cập đến bảo tàng là hiện nay trên thế giới đã tiến đến công nghệ cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc tiếp cận vẫn chậm so với sự phát triển chung của thế giới.

Vấn đề nữa về đội ngũ cán bộ ở nước ta hiện nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cái mới, tư duy mới, phương pháp mới. Chính vì vậy, muốn di sản văn hóa trở thành động lực, trở thành bản sắc của dân tộc, góp phần tích cực vào đời sống xã hội thì chúng ta cũng phải đổi mới sự nghiệp quản lý di sản văn hóa.

Tôi cũng hy vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII thì ngành di sản văn hóa sẽ ngày càng được chú trọng, phát huy hiệu quả hơn nữa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 6.

Nông thôn vẫn là nơi lưu giữ hồn cốt của di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những sự việc gây nhức nhối như: Công trình xây dựng tại Mã Pì Lèng; Xây dựng công trình "khủng" trái phép, xâm phạm vùng lõi di sản Tràng An (năm 2018) và gần đây nhất là sự việc giếng cổ Đường Lâm bị đoàn phim tô trát… Phải chăng, đây là những dẫn chứng cụ thể cho việc văn hóa vẫn bị xem nhẹ, bị đặt sau sự phát triển của kinh tế?

- Mặt khác, nếu chúng ta chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà phá hủy đi di sản văn hóa thì cũng không thể được và đây là vấn đề khá nhức nhối, nhạy cảm.

Tôi lấy ví dụ, ở nông thôn xây dựng chương trình "Nông thôn mới". Yếu tố văn hóa, giữ gìn di sản văn hóa trong chương trình xây dựng "Nông thôn mới" cần đặt ra như thế nào? Bởi, thực tế nhiều địa phương chỉ chú trọng đến những vấn đề như: đường xá, đồng ruộng và các tiêu chí khác… trong việc xây dựng "Nông thôn mới".

Thực tế, ở nông thôn là nơi di sản văn hóa đậm đặc. Mỗi vùng quê, dân tộc có những di sản văn hóa riêng. Bây giờ, nếu chúng ta chỉ vì kinh tế, lợi ích kinh tế trước mắt thì rất có thể bản sắc dân tộc, di sản phi vật thể, ký ức đặt trong dân, những câu chuyện cổ tích, làn điệu dân ca… sẽ bị mai một dần. Dù hiện tại đời sống kinh tế chưa hẳn phát triển nhưng có thể sau này giàu mạnh hơn.

Khi chúng ta đã để những vốn quý di sản văn hóa mất đi thì tương lai không bao giờ giữ gìn được nữa. Ngay những truyền thống tốt đẹp như tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới trong gia đình… nếu không gìn giữ, phát huy được thì sẽ gây ra những hệ luỵ khó lường.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, di sản văn hóa sẽ sớm bị mai một" - Ảnh 7.

img
img

Đình Hữu Bổ (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) trước và sau trùng tu bị sơn vàng, sơn đỏ mất thẩm mỹ. (Ảnh: Nguyễn Hoài Nam)

Về cách ứng xử với những di sản văn hóa trong điều kiện hiện nay theo ông đã phù hợp chưa? Có cách nào để chúng ta vừa phát huy được vốn quý di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mà không bị lạc hậu, lai căng, mai một?

- Tất nhiên, trong sự phát triển văn hóa có sự kế thừa, phát huy những tinh hoa tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Chúng ta không thể xây dựng một nền văn hóa duy ý chí mà cần chọn lọc, phát huy những giá trị tốt đẹp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có sự cải tiến cho phù hợp với tình hình mới, cuộc sống mới và chắc chắn những hủ tục cần phải bị bỏ đi. Trong đó, những đám cưới, đám tang về công tác tổ chức trong đời sống của người dân hiện nay đã có những sự thay đổi tiến bộ, văn minh hơn.

Lễ hội mang tính bạo lực như chém lợn ở làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh); Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)… cũng có những sự điều chỉnh nhất định. Thực tế, đã có những văn bản mang tính chất quyết định về những lễ hội này nhưng điều quan trọng hơn cả nằm ở ý thức cộng đồng.

Một khía cạnh quan trọng nữa là công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp quản lý của chúng ta chưa được thực hiện "đến nơi đến chốn". Thực tế, nhiều trường hợp di sản bị vi phạm, di sản bị cháy, tượng cổ vật bị mất… hoàn toàn do người dân, cơ quan báo chí phát hiện ra và việc xử lý những sự việc này chưa rõ ngọn ngành, thỏa đáng.


PGS.TS Đỗ Văn Trụ: "Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế di sản văn hóa sẽ bị mai một" - Ảnh 8.


Ông có kỳ vọng gì về những thay đổi mang tính đột phá của lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021?

- Hiện tại, khi nói về tầm quan trọng của văn hóa, di sản văn hóa nhiều người cũng đã đề cập. Việc thể chế văn hóa, di sản văn hóa để đưa nó vào cuộc sống thực sự, phát huy được vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội thực sự thì đây mới là vấn đề quan trọng.

Để làm được điều này, tôi nghĩ cần phải đổi mới trong tư duy, đề cao vai trò của đạo đức, lối sống và những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS. Đỗ Văn Trụ là Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ IV (2020-2025). Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ IV, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ là Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa nhiệm kỳ III, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem