PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Trong văn hóa mà "tay không bắt giặc" là không làm được"

Ngọc Mi Thứ bảy, ngày 20/11/2021 10:25 AM (GMT+7)
"Trong văn hóa mà "tay không bắt giặc" là không làm được. Ngay cả tham mưu cũng phải đi liền với lý trí, kinh nghiệm và tri thức", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ trong buổi tọa đàm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Bình luận 0

Xây dựng thiết chế văn hóa vừa thiếu, vừa thừa

Tại buổi tọa đàm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức ngày 17/11 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông tin tưởng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp tới sẽ là Hội nghị mang tính bước ngoặt về văn hóa của đất nước. 

"Muốn kết quả rõ ràng không phải ngày một, ngày hai nhưng sẽ thay đổi nhận thức để chuyển sang hành động, đề cao văn hóa ngang với kinh tế, chính trị, xã hội. Mỗi người dân là một chiến sĩ văn hóa và tôi tin Hội nghị sẽ có những kết quả tốt đẹp", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Quản lý văn hóa thông minh, am hiểu sẽ đạt kết quả lâu dài" - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Quản lý văn hóa thông minh, am hiểu sẽ đạt kết quả lâu dài". (Ảnh: Phạm Hưng)

Khi nhìn nhận những điều bất cập trong việc đầu tư cho những thiết chế văn hóa ở làng xã nông thôn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho hay: "Việc quy hoạch ở nông thôn, người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, vẫn ở mức độ "mạnh ai nấy làm", nhà cao nhà thấp... Hệ thống thiết chế văn hóa cần có sự quy hoạch chung. Những cơ quan Nhà nước về xây dựng, kiến trúc, mỹ thuật cần vào cuộc để tư vấn cho họ.

Hiện nay, chúng ta xây dựng thiết chế văn hóa theo kiểu thiếu mà thừa., thừa mà thiếu. Thiếu những địa điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho trẻ em. Ở đô thị, quỹ đất cho các công trình này là không có. Tôi xin nói không chỉ ở đô thị đâu, khi tôi làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (Nghệ An) thì ngay ở đây cũng có những xã họ sống chật chội như ở đô thị. 

Chúng tôi tìm khắp nơi trong xã mà không còn đất để làm khu vui chơi cho trẻ em, chỉ có quỹ đất nông nghiệp. Việc quy hoạch cần có tầm nhìn trước cả hàng chục năm. Chúng ta có quá nhiều hội trường, chỉ sử dụng vài lần một năm nhưng lại thiếu một nhà văn hóa trong khu dân cư, dùng chung cho mọi người". 

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng lấy dẫn chứng cụ thể xoay quanh việc quy hoạch, gìn giữ và bảo tồn di sản ở làng quê Việt với hình ảnh đẹp là cây đa, bên nước, sân đình. 

"Tôi về Nam Đàn (Nghệ An) thấy các xã xây dựng một cái cổng sắt, tôi bảo với mọi người, chúng ta có thể dùng tiền đó để trồng một cây đa cho đẹp, đừng làm cổng sắt vì sẽ làm hỏng hết hình ảnh của làng. Mái đình mà làng nào còn giữ được thì chúng ta phải giữ gìn và trùng tu. Chúng ta cần có sự vào cuộc của cơ quan, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần có những kiến trúc sư có cách nhìn nhận phù hợp với văn hóa Việt Nam để họ đứng ra quy hoạch.

Tôi cho rằng, đầu tư điện, đường, trường, trạm vào nông thôn hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu về quy hoạch chung. Bê tông hóa quá nhiều và thiếu cây xanh, không gian chung". 

Áp đặt chỉ mang lại hiệu quả nhất thời 

Với kinh nghiệm là người quản lý ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết: "Người làm ở bất kỳ lĩnh vực nào chắc chắn phải chịu khó học tập, học trong trường học và trường đời, học qua đồng nghiệp để tích lũy kiến thức và tri thức, kỹ năng trong lãnh đạo quản lý. Trong kinh tế lãi và lỗ rõ ràng.

 Có thể thắng lợi hàng nghìn tỷ nhưng cũng có thể đứng trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, trong văn hóa thì hậu quả không thể đo đếm được nhưng cả xã hội đều có thể nhìn thấy. Ảnh hưởng xấu của lĩnh vực này liên quan đến văn hóa và con người và tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng rất lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: "Quản lý văn hóa thông minh, am hiểu sẽ đạt kết quả lâu dài" - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: Phạm Hưng)

Tôi cho rằng, từ kinh nghiệm của mình, muốn hiểu thì phải có sự am hiểu và kiến thức nhất định. Trong văn hóa mà "tay không bắt giặc" là không làm được. Ngay cả tham mưu cũng phải đi liền với lý trí, kinh nghiệm và tri thức. Nếu không thể tham mưu chính xác 100% thì cần phải khách quan và trung thực với công việc.

Riêng trong lĩnh vực văn hóa, phương pháp quản lý thông minh, am hiểu sẽ tạo được sự đồng thuận lâu dài. Áp đặt chỉ đạt được hiệu quả nhất thời". 

Chia sẻ thêm về việc xét danh hiệu cho các nghệ sĩ hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định, khi xét danh hiệu đối với người đã cống hiến cho nghệ thuật thì huy chương chỉ là một yếu tố.

Đề cập đến những trường hợp cụ thể về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Có một trường hợp nữ nghệ sĩ ở thời điểm năm 17 tuổi có hành động khá bồng bột và có thể gọi là dại dột. Sau đó, nhiều người cho là nghệ sĩ này không xứng đáng nhận danh hiệu NSND. 

Điều đáng nói là sau khi giải phóng miền Nam, nghệ sĩ ấy được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài và khi trở về đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng. Những đóng góp của nữ nghệ sĩ ấy rất xứng đáng. Cho nên, tôi nghĩ đừng lấy bồng bột, dại dột ở tuổi 17 của người khác để "soi" mà phải xét ở cả một quá trình rất dài.

Đến sự việc 5 nghệ sĩ cao tuổi ở TP.HCM, trong đó có nghệ sĩ Lý Huỳnh - bố của diễn viên Lý Hùng. Thực tế, các nghệ sĩ này không có huy chương vàng, huy chương bạc đủ điều kiện xét tặng danh hiệu. Tôi cho rằng, họ là những nghệ sĩ bậc thầy đã đào tạo rất nhiều những NSƯT, NSND. Cuối cùng, 5 người này được công nhận là NSND.

Tôi nghĩ, nhiều khi chúng ta máy móc và làm theo quy định. Hiện tại, chúng ta có thể đề ra ba rem cụ thể. Đó là những nghệ sĩ nào nằm ở trên ba rem của việc xét danh hiệu thì đương nhiên họ sẽ đạt điều kiện đạt danh hiệu NSƯT, NSND. Việc xét danh hiệu cho các nghệ sĩ cần khoa học, nhân văn. Nếu chúng ta làm những người bị trượt danh hiệu NSƯT, NSND một cách oan uổng thì sẽ làm cho họ mất đi động lực để sáng tác, cống hiến".

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng ghi nhận sự phát triển về điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây. "Điều này xuất phát từ việc các nhà điện ảnh trong nước đón nhiều Việt kiều, nhà sản xuất, quay phim, đạo diễn và công nghệ làm điện ảnh nước ngoài. Họ đưa làn gió mới, nhân lực mới vào điện ảnh Việt Nam. Phải nói rằng, sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam đã đi được một bước đáng mừng. Mong muốn của chúng ta là làm sao điện ảnh là một nền công nghiệp tại nhiều nước khác nhau. Lần này, chúng ta nêu ra phát triển công nghiệp văn hóa sẽ rất đa dạng như âm nhạc, phương thức sản xuất nghe nhìn, bản quyền dịch vụ văn hóa, du lịch…

Nhìn nhận lại quá trình phát triển công nghiệp văn hóa có điện ảnh là chắc chắn. Sau hội nghị này sẽ có những kết luận rất quan trọng để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh không chỉ về đội ngũ, kỹ thuật mà còn góp phần làm kinh tế. Gần đây, có những tín hiệu tốt về việc này nhưng đây mới chỉ là bước đi ban đầu, tôi cần nhận ra các hạn chế cần khắc phục", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu quan điểm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem