Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lợi đơn, lợi kép từ trồng cây dổi
Những năm gần đây, thị trường một số mặt hàng nông sản không ổn định, nhiều cây trồng truyền thống thu lại không đủ chi phí đầu tư, do đó nhiều nông dân đã chuyển đổi hướng cây trồng, trong đó có cây dổi.
Ông Nguyễn Văn Chung (Buôn Tăng Zú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những người tiên phong đưa cây dổi từ Hòa Bình vào Đắk Lắk (Video: Ngọc Giàu).
Trong đó, dổi là một trong những cây trồng mới được người dân ở tỉnh Đắk Lắk đưa vào mô hình sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã có những tín hiệu khả quan, cho hiệu quả kinh tế cao.
Một trong những người tiên phong đưa cây dổi vào sản xuất nông nghiệp là ông Nguyễn Văn Chung (Buôn Tăng Zú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Năm 2014, khi về quê ở tỉnh Hòa Bình, thấy người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Mường phát triển kinh tế tốt từ việc trồng dổi, ông Chung đã nảy sinh ý định đưa cây dổi trên vùng đất Tây Nguyên trồng.
Ban đầu, ông Chung phá bỏ gần 1 sào cà phê của gia đình rồi xuống giống 20 cây dổi. Chỉ 3 năm sau, vườn dổi nhà ông Chung phát triển tốt nhanh như thổi, cho trái sum suê.
"Vụ thu bói đầu tiên 20 cây dổi cho cho 1 tạ hạt, trừ chi phí gia đình tôi lãi gần 100 triệu đồng. So với cây trồng cũ trong vườn thì mức thu nhập này cao gấp nhiều lần", ông Chung kể.
Thấy lợi nhuận từ dổi, ông Chung đã mở rộng thêm diện tích, ngoài ra ông còn ươm, ghép dổi giống để chia sẻ lại cho bà con. Theo ông Chung bản thân dổi là cây rừng nên rất dễn chăm sóc, cây có khả năng chịu hạn tốt, đặc biệt ít bệnh tật nên nông dân trồng dổi nhàn hơn các cây trồng khác.
"Khi xuống giống chỉ cần làm đất tơi, bón lót phân chuồng là cây phát triển tốt. Ngoài ra, mùa mưa thì chỉ cần bón cho cây 3 đợt phân. Đặc biệt dổi có khả năng chống chịu hạn tốt hơn các cây trồng khác nên không cần phải tưới nước nhiều", ông Chung chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay với 20 cây dổi trong vườn, trung bình mỗi năm gia đình ông Chung thu được hơn hơn 3 tạ hạt dổi. "Trung bình một cây dỗi cho từ 17-20kg hạt khô. Hiện nay giá hạt dổi dao động từ 370- 400 ngàn đồng/kg, nếu trừ hết chi phí gia đình tôi lãi khoảng trên 100 triệu đồng từ tiền dổi", ông Chung phấn khởi khoe.
Ông Chung cũng tiết lộ, hạt dổi có mùi thơm nhẹ, hiện nay được dùng để làm gia vị và dược liệu...là một mặt hàng thực phẩm, gia vị có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Bắc.
Theo anh Chung, gỗ cây dỗi được đồng bào dân tộc Mường Hòa Bình xem là gỗ tốt, gỗ quý. Hạt dỗi được người Mường xem như là một loại gia vị quý hiếm không thể thiếu trong các dịp có cỗ bàn...
Thấy hiệu quả từ mô hình trồng dổi, nhiều nông dân ở xã Ea Kao cũng mạnh dạn phát triển cây dổi cho khu vườn của mình.
Một trong những nông hộ thành công trong mô hình trồng dổi là Bà Hoàng Thị Hà (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao). Năm 2017, bà Hà xuống giống 100 cây dổi, trồng xen trong 6 sào cà phê của gia đình. Sau 3 năm dổi đã phát triển và cho thu hoạch. Vụ mùa năm nay, gia đình bà thu được gần 1 tấn dổi, trừ hết chi phí thu về hơn 800 triệu đồng.
Bà Hà cho biết, cây dổi phù hợp với thỗ nhưỡng nên phát triển rất tốt ở vùng đất Tây Nguyên. Đối với dổi ghép chỉ cần trồng 3 năm là cây đã cho quả. Đặc biệt, ngoài việc cho hiệu quả kinh tế từ hạt, gỗ dổi cũng là là một mặt hàng thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây dổi có độ tuổi từ 8-10 năm có đường kính từ 40-60cm đã có thể cho thu hoạch gỗ.
Nói về mô hình trồng dổi, ông Trương Công Hòa, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cây dổi được người dân trên địa bàn xã đưa về trồng khoảng 8 năm gần đây.
"Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ trồng dổi và hiện có thu nhập rất ổn định từ cây trồng này. Nhờ mô hình trồng dổi lấy hạt, đời sống kinh tế nhiều hộ dân đã được thay đổi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định", ông Hòa chia sẻ.
Cây dổi nhiều lợi ích, nhưng cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đắk Lắk đánh giá, dổi là cây lâm nghiệp mới được bà con đưa vào trong sản xuất nông nghiệp khoảng 4-5 năm gần đây.
Trong đó, một số địa phương như huyện Ea H'leo, Ea Kar, TP.Buôn Ma Thuột... đang phát triển giống cây trồng này và bước đầu đã mang lại hiểu qua kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ của hạt dổi chưa ổn định. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chỉ nên trồng xen cây dổi trên những diện tích cây trồng cũ vừa đảm bảo được nguồn thu nhập vừa đảm bảo an toàn không rủi ro.
Vì thị trường tiêu thụ chưa ổn định, do đó người dân không nên phá bỏ cà phê, tiêu hay cây trồng đang có thu nhập để chuyển qua trồng dổi sẽ khó tránh được rủi ro nếu thị trường sản phẩm sau này bị tắc đầu ra.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện Wasi- Bộ NNPTNT) cho rằng, đối với bà con trồng dổi nên áp dụng phương pháp trồng xen trong vườn cà phê, cây trồng cũ là hợp lý vì dổi vừa có khả năng chắn gió, cải thiện được môi trường sinh thái đồng thời có thu nhập phụ.
Do thị trường dổi chưa ổn định nên bà con nông dân không nên mạo hiểm, phá bỏ cây trồng cũ, trồng thuần dổi rủi ro sẽ rất cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải khảo sát, định hướng, tìm kiếm thị trường tạo hướng đi thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất.
Ông Đỗ Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị cũng đã cho cán bộ đến những vùng trồng dổi để tìm hiểu và đồng thời kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá sự thích nghi của cây dổi đối với thổ nhưỡng ở địa phương nếu phù hợp sẽ xem xét phát triển ở rừng sản xuất, theo hướng nông - lâm kết hợp vừa tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo môi trường sinh thái vừa mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.