“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 1.

Chắc đã có nhiều người hỏi chị Hằng câu này, nhưng hôm nay tôi vẫn muốn chị kể cho bạn đọc Dân Việt về lý do vì sao đang là một nữ luật sư có thu nhập khiến nhiều người ngưỡng mộ, chị lại rẽ sang làm nông nghiệp nhiều vất vả, sương gió?

- Tôi có 20 năm làm luật sư cho một công ty nước ngoài ở Việt Nam. Công việc của luật sư như mọi người biết, rất căng thẳng, mệt mỏi, trong khi bên trong con người tôi vẫn luôn có một tình yêu mạnh mẽ với hoa lá, cỏ cây. Bố mẹ tôi làm giáo viên ở một trường đào tạo về nông nghiệp, do đó tôi được lớn lên trong một không gian rộng lớn, nhiều cây xanh, hiểu về những công đoạn làm nông qua các câu chuyện của bố mẹ, vì vậy tình yêu với nông nghiệp cứ lớn dần. Trong các chuyến đi công tác nước ngoài, tôi vẫn hay dành thời gian thăm thú các vùng trồng hoa nổi tiếng, tìm hiểu mô hình làm vườn của họ. Sự căng thẳng của công việc luật sư khiến tôi luôn nghĩ tới một công việc gì đó mới mẻ hơn, cho tôi một trải nghiệm khác hơn.

Tôi quyết định nghỉ công việc luật sư lúc 40 tuổi, chưa phải già song cũng không còn trẻ nữa, nhưng tôi cho đó thời điểm rất thích hợp để mình bắt đầu một lối sống mới. Khi đó mình vẫn đủ sức khỏe, đủ nhiệt huyết để bắt tay làm công việc mới từ đầu, đó là trồng hoa, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Từ bỏ công việc hấp dẫn như thế, có lúc nào chị thấy mình mất nhiều hơn được?

- Khi thay đổi công việc, tôi biết rằng đó không chỉ đơn thuần là công việc mà là thay đổi hoàn toàn lối sống, các mối quan hệ. Mọi người có thể thấy, trước kia tôi sống ở nội thành, bây giờ phải chuyển ra ngoại thành, cách xa bạn bè người thân. Công việc thay đổi hoàn toàn từ văn phòng, giấy tờ sang làm việc chân tay, đi lại giữa các khu vườn để tham gia vào các hoạt động sản xuất. Vì thế nói đúng hơn là tôi đã thay đổi cả thói quen, cách sống và thấy rằng làm cái gì cũng có cái khó riêng cũng như thuận lợi riêng.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 2.

Quan trọng là khi xác định thay đổi thì tôi luôn chuẩn bị tâm thế đón nhận cả khó khăn cũng như cơ hội. Sống trong bất cứ môi trường nào, nếu mình có tâm huyết, yêu công việc thì sẽ nhìn thấy sự thú vị nhiều hơn là khó khăn.

Một thuận lợi là bố mẹ, chồng con tôi đều ủng hộ. Có thể là do khi làm công việc luật sư, tôi luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nên mọi người tin tưởng rằng khi mình đã quyết định chuyển nghề là đã suy nghĩ chín chắn, có đủ năng lực thích ứng với những thay đổi.

Tôi đang hình dung về một nữ luật sư hàng ngày tiếp xúc với các khách hàng lớn, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có thể nói là kiếm được nhiều tiền, với một bên là công việc hoàn toàn chân tay, phơi nắng dầm mưa và thu về những đồng bạc lẻ, điều đó đặt ra những thử thách nào cho chị?

- Trước đây tôi làm trong môi trường chuyên nghiệp, thường gặp gỡ nhiều đối tác, khách hàng khác nhau, vì vậy mỗi lần xuất hiện đều phải ăn mặc thật phù hợp với hoàn cảnh nơi mình đến, chỉn chu từ đầu tóc tới quần áo, giày dép. Nhưng bây giờ làm nông dân, tôi thấy mình được tự do, như được chắp thêm cánh vậy. Mỗi khi ra đồng, tôi có thể mặc những gì thoải mái nhất.

Nhờ sự chuyển đổi, tôi được sống 2 cuộc sống đối lập nhau hoàn toàn, nhìn vào giá trị nội tại nhiều hơn. Ở bất cứ môi trường nào, dù là công việc trước đây hay bây giờ, tôi cũng đều tìm được cho mình sự thú vị. Và chính những kinh nghiệm, trải nghiệm ở những tập đoàn lớn, tiếp xúc với đồng nghiệp giỏi từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đem đến cho tôi nhiều bài học để áp dụng cho công việc nhà nông bây giờ.

Có lẽ những trải nghiệm trong 20 năm làm nghề luật sư đã đem lại cho chị sự tự tin hơn người khác?

- Tôi bắt đầu chuyên tâm làm nông nghiệp từ cách đây 9 năm, nhưng trước đó tôi đã có một khoảng thời gian làm song song 2 việc cả luật sư và trồng trọt. Trên mảnh vườn bố mẹ để lại, tôi trồng và nuôi các loại cây, con hoàn toàn theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng hóa chất và phân bón hóa học.

Trải nghiệm làm trang trại đã giúp tôi hiểu rõ những được – mất nếu mình bỏ hẳn nghề luật. Và khi quyết định rồi thì tôi đã có cho mình lộ trình đi đâu, đi như thế nào, cũng như điềm tĩnh đón nhận mọi khó khăn…

Đối với tôi đó không phải là sự thay đổi đột ngột mà đều đã nằm trong tính toán. Tôi cũng đã chia sẻ về điều này với rất nhiều bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh - sạch. Ban đầu có lẽ ai cũng rất hứng khởi, nhưng khi bắt tay vào làm, đối diện với thời tiết thất thường, thua lỗ là mọi người bị mất lửa, bỏ cuộc.

Lời khuyên của tôi đối với các bạn trẻ đó là muốn làm gì cũng phải từ từ, đi từng bước thận trọng, đoán biết những bất trắc trong tương lai thì lúc đó hãy đầu tư tất tay vào một sản phẩm nào đó.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 3.

Nhiều người ngoài ngành đầu tư vào nông nghiệp nói rằng, nếu biết rõ làm nông nghiệp nhiều chông gai như thế thì họ sẽ không bao giờ đâm đầu vào. Trong khi đó, chị lại chọn đi một con đường khó hơn, đó là làm sản phẩm hữu cơ?

- Nếu làm nông nghiệp thuần túy, theo cách truyền thống xưa nay thì chắc chắn tôi cũng như nhiều bạn trẻ không thể làm được như các bác nông dân thực thụ. Nhưng với những kinh nghiệm chắt lọc từ các chuyến đi, từ trải nghiệm khi làm ở công ty nước ngoài, học hỏi từ rất nhiều tài liệu, sách báo thì tôi thấy rằng mình hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ví dụ với cây hoa hồng, nếu tôi cũng cắt cành mang bán thì không thể bằng những hộ nông dân đã làm lâu năm. Nhưng nếu mang bông hoa đó chế biến thành sản phẩm khác thì tôi sẽ thu được giá trị khác, thậm chí giá trị lớn. Với bất cứ ngành nghề nào, khó khăn luôn có nhưng mình phải luôn ở trong tâm thế học hỏi. Khó khăn thì tìm cách gỡ, thất bại thì làm lại.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 4.

Là một tay ngang, để đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường và khiến nó trở nên nổi tiếng, chị làm thế nào?

- Trước hết phải nói rằng, một sản phẩm muốn có được chứng nhận hữu cơ của Mỹ thì vô cùng khó, bởi ở quanh đây không có cánh đồng cò bay thẳng cánh; chưa kể nguồn đất, nguồn nước phải đạt chuẩn, không bị nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Thật ra nông nghiệp hữu cơ không phải là cái gì đao to búa lớn, nó không khác gì nhiều so với cách làm của cha ông ta trước đây, đó là không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng… Nó khác ở chỗ, mình có đủ kiên nhẫn chờ đợi qua bao nhiêu thất bại? Có đủ sức chống chọi qua bao mùa mưa bão khắc nghiệt?

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 5.

Làm nông nghiệp hữu cơ dựa vào thiên nhiên rất nhiều, nhưng khi đọc sách tìm hiểu thì tôi nhận ra rằng, đặc thù của cây hoa hồng là dễ bị nhiễm bọ trĩ. Nhưng chỉ sau đó 20 ngày nó sẽ tự biến mất mà mình không phải can thiệp gì nhiều. Hay sâu ăn lá, chúng thường tấn công hoa hồng mạnh nhất vào lúc chuyển mùa, giữa mùa xuân sang mùa hè. Khi biết rõ quy luật đó thì mình kiên nhẫn chờ đợi.

Và một nguyên tắc trong nông nghiệp hữu cơ, đó là mình phải tạo sự đa dạng cho cây trồng. Trong khu vườn nên có nhiều loại cây khác nhau để tạo môi trường cho thiên địch trú ngụ. Các loại cây sẽ nương tựa vào nhau, đối kháng nhau như trong một khu rừng. Bạn thấy đó, một khu rừng hiếm khi bị sâu bệnh tấn công hàng loạt. Vì thế trong vườn của tôi luôn có rất nhiều loại cây, hoa, rau củ quả khác nhau.

Có nguyên liệu sạch rồi thì lại phải đáp ứng tiêu chí ngon, đẹp, giá cả phù hợp. Chứ mình nói sạch mà không ngon hay làm những thứ người ta không cần thì rất khó thuyết phục khách hàng bỏ tiền ra mua.

Với quả bí thơm Ba Bể - đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, rất nhiều người đã sấy nó để làm trà uống. Vậy thì tôi phải làm cách nào đó để bí sấy của mình khác biệt, thơm ngon hơn. Theo đó tôi chỉ mua bí thơm đã đạt chứng nhận hữu cơ PGS của HTX Yến Dương. Với sản phẩm dứa sấy, tôi vào tận Thanh Hóa để đặt hàng nhà vườn cho ra quả tự nhiên. Mọi quy trình sản xuất phải chuẩn chỉ, khách hàng luôn nhìn thấy sự sạch sẽ, chỉn chu thì sẽ tin tưởng mua sản phẩm…

Để chuẩn bị cho những điều đó, hẳn là chị đã bỏ ra số tiền rất ln?

- (Cười) Nếu mà tính tổng số tiền tôi đã bỏ vào làm trang trại chắc chắn rất lớn, nhưng đó là sự nhon nhặt ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Những gì mọi người nhìn thấy bây giờ không phải là một lúc tôi rút tiền ra đầu tư nhà xưởng, vườn tược mà là nhiều năm tích luỹ, mỗi ngày xây một ít.

Bản thân tôi bây giờ tiết chế rất nhiều để có thể bù đắp vào chi phí đầu tư cho trang trại. Tôi không dùng hàng hiệu, đồ xa xỉ, chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cá nhân, còn lại dành nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng ngày, hàng tháng tôi đều phải chăm chút cho nó, khu vườn đầu này ổn thì lại tới đầu kia có cây chết, cỏ mọc. Quy trình sản xuất cứ theo vòng tròn như thế, nếu không quan tâm đầu tư thì tôi không thể vận hành được.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 6.

Trên thị trường nhan nhản nước hoa hồng cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hữu cơ, chị có "độc chiêu" gì để làm ra sản phẩm khác biệt?

- Thực ra tôi không có nghiên cứu gì đâu. Hoàn toàn xuất phát từ tình yêu mãnh liệt với hoa hồng nên tôi đã trồng hàng trăm cây hồng cổ trong vườn. Ngắm hoa nở rực rỡ mỗi ngày, tôi nảy ra ý định thử làm nước hoa hồng bằng biện pháp chưng cất, vừa để dùng vừa tặng bạn bè người thân. Tôi khoe lên mạng xã hội, ai ngờ mọi người thích quá trời. Thế rồi tôi nghĩ sẽ trồng thêm 1.000 cây, 2.000 cây, thu hái hoa để chưng cất bán cho mọi người.

Trong 2 năm đầu tôi chỉ có 1 sản phẩm duy nhất là nước cất hoa hồng, cũng không hề có ý định làm ăn bài bản mà chỉ bán trên mạng xã hội thôi. Nhưng tính tôi lúc nào cũng nghiêm túc, đã làm là phải chỉn chu, vô tình lại khiến sản phẩm của mình được nhiều người biết hơn. Sau đó tôi thành lập công ty và cứ thế Karose lớn dần lên... Thế có nghĩa là tôi chính thức bước vào guồng máy rồi, không thể dừng lại được.

Bây giờ, người dùng mạng xã hội, thương mại điện tử rất phát triển, cho phép người sản xuất và khách hàng tương tác với nhau rất dễ dàng. Cách mà tôi tìm kiếm niềm tin ở khách hàng, đó là sự minh bạch. Bằng các video clip, hình ảnh, khách hàng có thể thấy chúng tôi minh bạch từ mọi quy trình sản xuất. Quan trọng đó là một chặng đường dài xây dựng niềm tin. Từ khi tôi thành lập công ty đến giờ đã 9 năm, và tôi luôn luôn nhắc nhở không được phản bội niềm tin của khách hàng. Đó là lý do nhà xưởng của tôi không lớn nhưng rất sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị, đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Các chứng nhận uy tín này như một bảo chứng cho thấy tôi đang làm nông nghiệp rất nghiêm túc, rất nỗ lực.

Sau thành công với nước cất hoa hồng, bây giờ Karose đã có thêm rất nhiều sản phẩm từ hoa khác?

- Đúng vậy. Điều này xuất phát từ chuyện hoa hồng chỉ có mùa. Sang mùa hè hoa hồng rất lụi tàn, bông bé xíu chỉ bằng 1/5 – 1/10 hoa của mùa đông nên không có đủ sản lượng để vận hành xưởng. Thế nhưng doanh nghiệp đẻ ra rồi thì phải vận hành, nuôi nó lớn. Cái khó ló cái khôn, tôi nhìn ra những sản phẩm khác như hoa sen, hoa bưởi... Những loại hoa này khi chưng cất thì rất thơm, rất tốt cho việc chăm sóc sắc đẹp, dưỡng da, dưỡng tóc. Hiện tôi đã có những vườn bưởi rộng lớn đạt chứng nhận hữu cơ, đến mùa thu hoạch có đủ hoa để làm sản phẩm nước cất bưởi.

Việc đa dạng sản phẩm đã giúp công ty có nguồn thu vào mùa vụ thấp điểm, dù không có hoa hồng thì Karose vẫn vận hành nhộn nhịp, sống khỏe, nuôi đủ bộ máy. Thêm nữa, thế mạnh của chúng tôi là đi theo mô hình sản xuất khép kín, tự chủ từ vườn nguyên liệu tới sản xuất thành phẩm. Tôi không phải mất tiền đi thuê nhà xưởng vì thế giá thành sản phẩm rất cạnh tranh.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 7.

Nhìn những thứ chị đang có, các trang trại rộng hơn 30ha ở Hà Nội, Hoà Bình, hệ thống nhà xưởng, và cả căn nhà rộng lớn như toà lâu đài này nữa, tôi cảm giác như nó đến với chị rất dễ dàng?

- Những thứ mà mọi người đang nhìn thấy thực tế cũng không có gì to tát, nhưng với tôi đó là một quá trình dài vất vả, làm việc chân tay đúng nghĩa. Mặc dù tôi là chủ doanh nghiệp, nhưng tôi vẫn tự tay trồng cây, cắt cỏ, dọn dẹp, vệ sinh dụng cụ… Làm nông nghiệp rất khác, nếu như mình lơ đi, cái cây nó đang yếu đi vì nhiễm bệnh mà mình lại không kịp thời xử lý thì nó sẽ chết.

Mặc dù tôi đủ điều kiện đi thuê và vẫn đang thuê người làm những việc đó, nhưng không có gì bằng chính mình sâu sát với những đứa con do mình đẻ ra.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 8.

Có lúc nào chị nếm trải thất bại, muốn từ bỏ con đường nông nghiệp hu cơ hay không?

- Đến thời điểm này tôi chưa gặp thất bại nào lớn, nhưng áp lực thì rất nhiều. Ngay những ngày đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều chuyện trời ơi đất hỡi từ những người không liên quan gì đến mình. Người ta cứ nói trồng hoa hồng làm gì có chuyện không hoá chất? Rồi mô hình kinh doanh này chắc cũng chỉ được dăm bữa như nhiều startup khác… Ngay bản thân tôi cũng băn khoăn khi mình hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền từ nghề luật, vậy thì sao lại đâm đầu vào làm nông nghiệp vừa vất vả vừa thu nhập thấp? Có đáng để mình đánh đổi không?

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 9.

Nhưng có lẽ vì bản chất tôi là một người bản lĩnh, nên những khó khăn đó không làm tôi e ngại mà sẵn sàng đối mặt. Đôi khi cũng thấy mệt mỏi đấy, nhưng nó chỉ thoáng qua. Bởi trên hết, tôi đã lên kế hoạch cho mình, đó là sở thích, là cuộc sống mình đang hướng tới. Nghĩ như thế nên tôi coi làm nông nghiệp cũng như một thú vui.

Cho đến bây giờ, sau hành trình bền bỉ 9 năm, tôi không còn nghe thấy những lời bàn ra tán vào nữa.

Một người mạnh mẽ, tự tin như chị sẽ ấp ủ tham vọng lớn hơn?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là người thích chinh phục cái mới mẻ, cái khó. Ngày xưa đi học thì luôn thích được điểm cao, việc gì càng khó càng thích làm. Ví dụ, hồi nhỏ tôi đã từng tự nuôi 1 con lợn, sau giờ học sẽ đi hái rau, bắt cua bắt cá về cho lợn ăn. Còn với những gì đã có bây giờ, tôi nghĩ sẽ không có điểm dừng. Mỗi sản phẩm mới ra đời, nó như một liều thuốc giúp tôi thoả mãn ý muốn chinh phục của bản thân.

Trước đây tôi nghĩ rằng mình phải làm ra thật nhiều tiền để lo cho gia đình, người thân, nhưng bây giờ thì nghĩ khác đi. Mỗi ngày đến xưởng sản xuất, thấy xe của nhiều công nhân ở đó, tôi thấy rất vui vì đằng sau mỗi người công nhân là gia đình của họ. Ngoài công việc, chị em công nhân còn tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao. Có thể nói tôi khá hãnh diện khi mình tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con, bên cạnh đó còn giúp họ phong phú đời sống tinh thần nữa.

Chị có nói về lối sống đơn giản, không sử dụng nhiều mỹ phẩm nhưng tôi có cảm giác bên trong chị không hề đơn giản, thậm chí rất kỹ tính?

- Cái sự kỹ tính có thể đem lại sự khó chịu nhất định cho những người cộng sự làm việc với tôi trong thời gian đầu. Nhưng chính sự kỹ tính đó đã tạo thành thói quen, thành nếp, được lợi cho tất cả mọi người. Đầu tiên là cá nhân tôi, mọi thứ sẽ được sắp xếp vận hành khoa học, chỉn chu, công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Sự kỹ tính cũng sẽ tạo thói quen tốt cho công nhân không chỉ ở nơi làm việc mà cả ở nhà. Rất nhiều công nhân nói với tôi rằng ngày xưa em chả để ý gì nhà cửa, nhưng từ khi làm việc với tôi thì bắt đầu để ý sắp xếp, dọn dẹp ngăn nắp. Điều quan trọng hơn cả là sự kỹ tính đó mang lại chất lượng cho sản phẩm ở từng chi tiết nhỏ, trải nghiệm nhỏ của khách hàng.


“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 10.

Nhìn cuộc sống của chị bây giờ, hẳn là rất nhiều người mơ ước. Ai cũng mong có thể tự chủ tài chính, được tự do làm công việc mình thích. Với trải nghiệm của mình, chị có lời khuyên nào cho những người phụ nữ muốn độc lập về tài chính?

- Mỗi người đều có một thế mạnh, điều kiện để phát triển khác nhau. Nếu có một sự nghiệp tốt thì chắc sẽ được ngưỡng mộ hơn. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi dành cho chị em phụ nữ, đó là mọi thứ đều phải đánh đổi. Để có sự nghiệp thành công nhất định, người phụ nữ sẽ phải đánh đổi nhiều hơn nam giới và vì thế tôi thấy đôi khi chưa chắc đã đáng giá để đánh đổi. Phụ nữ cứ hãy sống tích cực, biết vươn lên.

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 11.

Nếu mình là một người nội trợ, thì hãy dành thời gian nghiêm túc cho việc đó, hãy là một người mẹ hết lòng yêu thương, nuôi dạy các con trở thành người giỏi giang, có tình yêu thương với mọi người. Khi họ có những đứa con thành đạt, tôi nghĩ đó chính là sự nghiệp đồ sộ không thua kém những doanh nhân, phụ nữ thành đạt khác.

Hiện nay có không ít bạn trẻ nghĩ rằng phụ nữ thì không cần phải gồng mình kiếm tiền, không cần tỏ ra mạnh mẽ mà hãy biết da dẫm vào đàn ông. Có bao giờ chị muốn vứt bỏ công việc bận rộn vất vả này để trở thành một người phụ nữ mềm mại không?

- Chắc là không! Chưa bao giờ tôi có suy nghĩ mình sẽ sống an nhàn, nếu thế thì tôi sẽ mất hết niềm vui. Niềm vui của tôi chính là công việc. Nếu chọn cách sống như bạn nói thì thực sự rất tẻ nhạt, buổi sáng đi loanh quanh trong nhà, buổi chiều lại loanh quanh trong vườn thì rất chán. Tôi vui vì mình có nhiều công việc, luôn luôn bận rộn, một ngày trôi qua rất nhanh và tôi cảm thấy mình rất có ích. (Cười).

Nhiều người hay hỏi tôi bí quyết làm việc hiệu quả. Không có cách gì ngoài chăm chỉ và liên tục có ý thức với công việc. Với tôi, để một ngày trôi qua lãng phí tôi thấy rất sốt ruột. Tôi cũng như bất cứ ai, trải qua mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời, tức là có buồn và vui, có cảm hứng và chán nản, có lúc yên ổn và lúc âu lo đan xen, có điều vừa ý và tiếc nuối… Nhưng mỗi người chúng ta đều phải tự sắp xếp mọi thứ để tìm kiếm sự cân bằng và từ đó vươn lên.

Có những đêm, nhớ lại hình ảnh những công trường xây dựng ngổn ngang, những mưa gió buốt rét hay nắng cháy da cháy thịt vẫn phải đi lội vườn, lội ruộng mà tôi thoáng rùng mình. Với nhiều người thì đó chưa có bao nhiêu mà với tôi thì là sự đánh đổi to lớn. Nghĩ mà chảy nước mắt… Nhưng rồi ngẫm lại, có ai bắt mình làm đâu, là tự mình lựa chọn. Mình muốn nhiều thì mình phải làm nhiều. Không muốn làm nhiều thì phải tiết chế lại tham muốn. Chứ không thể muốn mà lại mong nó tự tới được.

Một hình ảnh nữ luật sư, với hình ảnh một nữ nông dân, chị thích hình ảnh nào của mình hơn?

- Chắc là tôi thích cả hai. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được trải nghiệm cả 2 cuộc sống đó. Nếu ngay từ đầu làm nông dân, thì biết đâu khi nhìn những nữ luật sư ăn mặc sang trọng, bước vào những toà nhà có điều hoà chạy mát lạnh cả ngày, thì biết đâu trong tôi vẫn khởi lên sự thèm muốn cuộc sống đó. Và nếu như cả đời tôi chỉ gắn bó với nghề luật sư, thì cũng sẽ thèm muốn cuộc sống của những người nông dân có vườn hoa đẹp, vô lo vô nghĩ, không phải đọc quá nhiều tài liệu. (Cười).

Trên hết, tôi luôn trân trọng cả 2 công việc đó, bởi nó đem đến cho tôi sự đa dạng trong trải nghiệm.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

“Cú rẽ ngang” làm nông dân của nữ luật sư mê hoa hồng, cất biệt thự!- Ảnh 12.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem