Rét đậm, giới trẻ vẫn hối hả đi chùa Hà cầu duyên ngày rằm tháng Chạp

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ năm, ngày 25/01/2024 14:39 PM (GMT+7)
Vào ngày Rằm tháng Chạp, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) là địa điểm cầu duyên để "khi đi lẻ bóng, khi về có đôi". Dịch vụ viết sớ, sắp lễ cầu may tại các sạp hàng quanh khu vực chùa Hà cũng trở nên đắt khách trong ngày này.
Bình luận 0

Rét mướt, giới trẻ vẫn hối hả đi chùa Hà cầu duyên ngày rằm tháng Chạp. Clip: Trung Hiếu

Vượt hàng chục cây số giữa trời rét đậm để đến chùa Hà cầu duyên

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trưa ngày 25/1/2024 (tức ngày 15 tháng 12 âm lịch), nhiều người đã có mặt tại chùa Hà để chuẩn bị bái lễ. Trong sân, đông nhất là các bạn trẻ đến mong cầu được tình duyên.

Từ nhiều năm nay, chị Trần Thị Bích Ngọc (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đều tranh thủ đến chùa từ khá sớm vào ngày rằm của tháng cuối năm. Vừa tất bật sắm sửa lễ để vào khấn Phật, chị Ngọc vừa chia sẻ: “Rằm tháng Chạp đặc biệt ở chỗ đó là dịp để mình tổng kết lại một năm. Mình chọn tới bái lễ tại chùa Hà vì địa điểm này khá gần nhà và chỗ làm của mình. Mình cầu cho tình duyên của bản thân sẽ thuận lợi hơn trong năm tới, mong là mình có thể gặp được người tử tế, đàng hoàng để yêu”.

Nhiều bạn trẻ đến chùa Hà trong ngày rằm cuối năm. Ảnh: Trung Hiếu

Nhiều bạn trẻ đến chùa Hà trong ngày rằm cuối năm. Ảnh: Trung Hiếu

Khác với chị Ngọc, anh Nguyễn Văn Hưng (24 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại mang một tâm trạng riêng khi tới chùa Hà hôm nay. Anh chia sẻ, hiện tại, anh đã có công việc ổn định nhưng “đường tình duyên” thì không mấy thuận lợi. Nhiệm vụ “có người yêu trong năm nay” mà anh được bố mẹ “giao phó” vẫn chưa thể thực hiện vì không tìm được đối tượng phù hợp.

Tâm sự với phóng viên Dân Việt, chàng trai 24 tuổi cười đáp: “Trước đây mình cũng có nhiều mối tình lắm, nhưng cuộc tình nào cũng gặp trắc trở. Đến giờ thì mình vẫn đang độc thân. Hôm nay đến chùa thấy nhiều bạn trẻ đi có đôi có cặp quá mới nhận ra là mình cũng muốn có người yêu rồi. Hy vọng là mình sẽ sớm tìm được nửa kia để bản thân yên tâm công tác mà cũng giúp bố mẹ khỏi lo lắng nữa”.

Những người lớn tuổi thường tới đây để cầu bình an, sức khoẻ và may mắn trước thềm năm mới. Ảnh: Trung Hiếu

Những người lớn tuổi thường tới đây để cầu bình an, sức khoẻ và may mắn trước thềm năm mới. Ảnh: Trung Hiếu

Không tìm đến chùa Hà để cầu duyên, chị Trần Hoa Mai (34 tuổi) tranh thủ tới đây trong giờ nghỉ trưa để cầu bình an, sức khoẻ và may mắn. Chị chia sẻ: “Rằm tháng Chạp hàng năm, tôi thường tới chùa Hà để cảm tạ những điều tốt đẹp đã đến với bản thân và gia đình trong một năm và cầu mong những điều an lành cho năm tới. Dành một chút thời gian để làm lễ thôi nhưng bù lại tinh thần tôi rất thoải mái sau khi cầu xong, cảm thấy có thêm năng lượng để sống và làm việc”.

"Dịch vụ" viết sớ, sắp lễ cầu may đắt khách ngày rằm tháng Chạp

Theo quan sát của phóng viên, đi dọc cổng chùa Hà là hàng chục sạp hàng bán đồ lễ, đi kèm là "dịch vụ" viết sớ, sắp lễ cầu duyên, cầu công danh - tài lộc. Một mâm đồ lễ đầy đủ có giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Đối diện cổng chùa Hà là hàng chục sạp hàng bán đồ lễ. Ảnh: Trung Hiếu

Đối diện cổng chùa Hà là hàng chục sạp hàng bán đồ lễ. Ảnh: Trung Hiếu

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chủ một sạp hàng cho biết, ngày rằm tháng Chạp hôm nay, chủ yếu là mọi người đi lễ tạ hoặc xin lộc để có sức khỏe, cầu chúc sang năm mới bình an. Do đó, bộ lễ trầu cau, tiền vàng và đặc biệt là hoa hồng được bán rất chạy.

Vừa sắp lễ cho khách, bà Oanh vừa chia sẻ: “Hoa hồng có màu đỏ, tượng trưng cho sự thủy chung nên khi đến chùa Hà là cầu duyên, các bạn trẻ rất ưa chuộng loại hoa này. Sạp hàng của tôi cũng có dịch vụ viết sớ thuê, cầu xin trời Phật theo ý của những người đến đây cầu may”.

Bà Oanh cho biết, một mâm đồ lễ đầy đủ có giá trung bình là 100.000 đồng. Ảnh: Trung Hiếu

Bà Oanh cho biết, một mâm đồ lễ đầy đủ có giá trung bình là 100.000 đồng. Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Oanh cho hay: “Người ta có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”, nói đến việc chùa Hà rất thiêng. Mọi người đến đây nhờ viết sớ thường xin lộc sức khỏe, lộc buôn bán và lộc duyên. Người đi lễ thường đi ba cửa Tam Bảo, Đức Ông và Mẫu. Do đó, họ thường mua đầy đủ 3 bộ lễ có bánh, có kẹo, có hoa, quả, nến, có tiền vàng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem